Chuỗi giá trị nông sản: Hạn chế ở mọi khâu

(PLO) - Hiện nay, toàn ngành nông nghiệp có khoảng 700 chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, tuy nhiên chỉ 50% số chuỗi hoạt động có hiệu quả. Đáng chú ý, chuỗi giá trị nông sản từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu (XK) đều tồn tại những hạn chế nhất định.
Đây là thông tin được TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, thành viên Liên minh Nông nghiệp cho biết tại Diễn đàn nông nghiệp mùa xuân với chủ đề: Đổi mới chuỗi cung ứng nhằm tăng cường hiệu quả nền nông nghiệp Việt Nam diễn ra sáng nay 24/4, tại Hà Nội.

Cụ thể, tại khâu đầu vào, chi phí còn cao với giá cả biến động. Ở khâu này còn diễn ra tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng quá nhiều nước. Tiếp đến khâu sản xuất, quy mô khá nhỏ, manh mún, thiếu liên kết. Bên cạnh đó, quy trình kỹ thuật sai, sử dụng quá nhiều lao động và chất lượng không đồng nhất cũng là những hạn chế điển hình.

Ở khâu sau thu hoạch, theo ông Đào Thế Anh, tổn thất sau thu hoạch còn cao. Cụ thể, mức tổn thất sau thu hoạch với rau quả là 32%, thịt là 14% và thủy sản là 12%. “Đây là mức tổn thất khá cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, hạn chế còn là thiếu kho chứa đảm bảo tiêu chuẩn, vận chuyển và đóng gói kém và giao dịch quá nhiều khâu trung gian”, ông Thế Anh nói.

Ở khâu chế biến, hạn chế được chỉ ra là công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp, quy mô nhỏ, manh mún. Đáng chú ý, chế biến hiện nay thiếu chế biến sâu và thiếu chế biến các sản phẩm phụ.

Riêng về XK, hạn chế dễ nhận thấy là chất lượng thấp, giá thấp. Sản phẩm XK thiếu thương hiệu. Ngoài ra, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm kém, thiếu thông tin thị trường.

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện nay, XK nông sản thường vướng ở khâu mở cửa thị trường và những hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là khi XK vào các thị trường nông nghiệp của các nước có trình độ cao hơn.

“Ví dụ, khi XK hàng đi Australia, Nhật, hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là yêu cầu về độ an toàn của thực phẩm cao hơn rất nhiều. Muốn ổn định, thâm nhập được, phải ổn định được quy trình sản xuất. Đặc biệt, các DN tham gia vào chuỗi cũng phải có trình độ quản trị tương xứng để có thể làm ra các sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn, vượt qua hàng rào kỹ thuật của các nước có yêu cầu cao”, ông Định nói.

TS Đào Thế Anh cho hay: “Hiện, đã có những chính sách của nhà nước hướng tới việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị như Quyết định 62, Quyết định 210, Quyết định 889, Quyết định 55… Tuy nhiên, chính sách của nhà nước cũng còn nhiều bất cập và chưa hợp lý khi triển khai xuống thực địa. Hiện nay, một số các quyết định nêu trên đang được sửa đổi theo hướng phù hợp với thực tiễn hơn”.

Ông Định chia sẻ thêm: Đầu tư vào nông nghiệp là lĩnh vực khó. Ngay cả trong đầu tư FDI, nếu so vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp với đầu tư FDI nói chung thì tỷ lệ cũng rất nhỏ.

Đây là điều dễ hiểu bởi đầu tư vào nông nghiệp chịu rủi ro cao, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Ở những nơi vùng sâu, vùng xa, ngần ngại còn tăng lên khi hạ tầng có nhiều yếu kém…

Để có thể phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông sản, một số chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ liên kết giữa DN-hợp tác xã/tổ hợp tác; thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng; cải cách hiệp hội, ngành hàng để tăng cường quản trị và năng lực cạnh tranh chuỗi. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính cho chuỗi giá trị cũng cần thúc đẩy thông qua việc thay đổi cơ chế cho vay chuỗi giá trị hay thu hút đầu tư FDI…

Đọc thêm