Chuyên gia “bắt mạch” CPI năm 2019

(PLVN) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018 -  mức thấp nhất trong 3 năm gần đây và không quá chênh lệch so với mức tăng 1,87% của lạm phát cơ bản. Nhiều kịch bản dự báo CPI cả năm 2019 được các chuyên gia đưa ra cho thấy, CPI năm nay vẫn là ẩn số…

* TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính): 

“Lạm phát trung bình cả năm chỉ xoay quanh mức 2,5%”

Theo TS Nguyễn Đức Độ lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm 2019 mới chỉ ở mức 2,64%, thấp hơn mức 3,29% của 6 tháng đầu năm 2018, bất chấp các đợt tăng sốc giá điện và giá xăng dầu vào tháng 4 và tháng  5. Thậm chí, lạm phát so với cùng kỳ năm trước của tháng 6 còn giảm xuống mức 2,16%.

 

Một trong 3 nguyên nhân dẫn đến CPI 6 tháng đầu năm thấp được vị chuyên gia này nhấn mạnh là giá xăng dầu. Tính trung bình, giá dầu WTI trong 6 tháng đầu năm thấp hơn khoảng 10% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Bởi vậy, giá giao thông 6 tháng đầu năm nay đã giảm 1,21% trong khi 6 tháng đầu năm ngoái tăng tới 5,68%;.

Nhận định về các yếu tố tác động đến CPI 6 tháng đầu năm, TS Nguyễn Đức Độ cho rằng, giá xăng dầu trong thời gian tới sẽ khó tăng mạnh và tỷ giá cũng sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng ổn định để thu hút đầu tư nước ngoài cũng như giảm thiểu nguy cơ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. 

Do vậy, chuyên gia này dự báo lạm phát tổng thể từ nay đến cuối năm sẽ dao động trong khoảng 1,5% - 2,5%, tức là xoay quanh mức lạm phát cơ bản. Lạm phát trung bình cả năm 2019, bởi vậy sẽ xoay quanh mức 2,5%...

* PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá:

“Kiểm soát lạm phát năm 2019 ở mức từ 3,6-3,9% là điều khả thi”

Nhận định các yếu tố có thể ảnh hưởng đến CPI 6 tháng cuối năm, theo PGS.TS Ngô Trí Long, giá thực phẩm dự báo vẫn cao. Tiếp đến trong tháng 7, Nhà nước sẽ thực hiện tăng lương (tăng thêm 6,92%) trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trước đó đối với 8 đối tượng.  

 

Trong tháng 9, thời điểm vào năm học mới sẽ là những yếu tố tác động tới chỉ số giá tiêu dùng. Riêng giá xăng dầu, chuyên gia này cho rằng đây sẽ không phải là mối “đe dọa” đối với CPI. Theo Ngân hàng Nhà nước, áp lực điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay sẽ “nhẹ” hơn năm 2018 do Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã công bố không tăng lãi suất đồng USD. Ngoài ra, những tháng cuối năm thường xảy ra thiên tai (vào tháng 8, 9, 10, 11) nên đây cũng là yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến CPI 6 tháng cuối năm.

“Với tinh thần chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, tính toán điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ công y tế, giáo dục theo tín hiệu của thị trường, minh bạch và cung cấp thông tin kịp thời cho xã hội thì việc kiểm soát lạm phát năm 2019 ở mức từ 3,6-3,9% là điều khả thi...” - chuyên gia này nhận định.

* PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện Học viện Tài chính:

“Lạm phát 2019 sẽ  ở mức 4,5-5%”

Cũng nhìn nhận các yếu tố tác động đến CPI 6 tháng cuối năm như: tăng lương cơ sở, dịch tả lợn châu Phi và việc tiếp tục điều chỉnh giá một số sản phẩm và dịch vụ của Chính phủ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuyến cho rằng CPI 6 tháng cuối năm có thể sẽ không thuận lợi như những tháng đầu năm. 

 

Đặc biệt, chuyên gia này lo ngại, Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ gây sức ép tăng giá trong những tháng tới. Nhu cầu nguyên vật liệu, linh, phụ kiện nhập khẩu và sản xuất trong nước phục vụ cho sản xuất sản phẩm xuất khẩu tăng lên làm cho cho giá nhập khẩu tăng. Khi sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có nhu cầu tăng cao, các chi phí sản xuất sẽ tăng (chi phí về nhân công, chi phí vật tư, chi phí về thuê đất, thuê hạ tầng, thuê văn phòng đại diện, tiền thuê nhà ở, căn hộ…).

Cùng với đó, EVFTA mới được ký ngày 30/6/2019 và khi triển khai thực hiện cũng sẽ tạo tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu cũng có thể sẽ làm cho chi phí sản xuất tăng cao tác động tới tăng CPI. 

“Với những yếu tố tác động trên đây, CPI năm 2019 dự báo có thể cao hơn mức Chính phủ dự kiến (4%) và sẽ ở mức 4,5 - 5%...” - Chuyên gia này nhận định.

Đọc thêm