Chuyên gia hối thúc tạo dựng thương hiệu quốc gia

(PLO) -  Không có thương hiệu quốc gia,  phần lớn các loại sản phẩm hàng hoá nước ta không để lại được dấu ấn rõ ràng về xuất xứ Việt Nam. 
Cà phê Trung Nguyên, một thương hiệu của cà phê Việt
Cà phê Trung Nguyên, một thương hiệu của cà phê Việt
Tạo thương hiệu quốc gia
Ông Stephen Kreppel (chuyên gia xây dựng thương hiệu quốc gia thuộc Cty Tư vấn National Consultancy) tại Hội thảo “Đầu tư phát triển thương hiệu và chi phí quảng cáo của doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm qua 18/11, đã hình dung: “Việt Nam như là một tập đoàn quốc tế lớn. Vì vậy, Chính phủ và các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hãy xây dựng “Thương hiệu Tập đoàn Việt Nam” để mọi người có nhiều lợi ích hơn”.
Theo vị này, trong những năm qua, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam chủ yếu chỉ đem lại lợi nhuận cho bên thứ ba ở nước ngoài, nguyên nhân là vì thường xuất thô, dựa vào lợi thế không bền vững của chi phí lao động thấp, đặc biệt là chưa có thương hiệu mạnh, có uy tín cao trên thị trường.
Thực trạng trên có thể gây ra những mối đe doạ đối với triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo ông Stephen Kreppel, con đường đúng đắn để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là phải xây dựng được một chiến lược về thương hiệu quốc gia, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nước ngoài.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, xây dựng thương hiệu quốc gia thực sự của Việt Nam, trước hết là danh tiếng được xây dựng bởi thương hiệu xuất khẩu có lợi thế (bao gồm cả du lịch) và bởi tất cả những gì Việt Nam đang làm đúng về phát triển kinh tế bền vững; bảo vệ môi trường sinh thái; và phát huy vai trò trách nhiệm xã hội của công dân. Đồng thời, việc quảng bá cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hoá cũng đóng vai trò quan trọng trong sự tạo dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam xuất khẩu.
Ai sẽ được hưởng lợi ?
Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan (Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam), xây dựng thương hiệu quốc gia để quảng bá ra nước  ngoài phải có quá trình, chiến lược xây dựng bền vững và mối quan hệ mật thiết giữa Chính phủ, DN và người tiêu dùng. Theo đó, chúng ta phải lựa chọn mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao như gạo, cà phê… để xây dựng thương hiệu quốc gia và về tương lai lâu dài mang lại lợi nhuận không chỉ cho quốc gia, DN mà còn cải thiện cuộc sống của người nông dân. 
TS Phạm Thị Thu Hằng (Tổng Thư ký VCCI) cho rằng, xây dựng phát triển thương hiệu quốc gia, trước tiên danh tiếng thương mại quốc gia sẽ tốt hơn, phát triển kinh tế sẽ nhanh hơn; nhiều khách du lịch sẽ đến Việt Nam hơn; nhiều DN có lợi nhuận cao hơn, tạo việc làm cho người lao động có cuộc sống với chất lượng sống tốt hơn. 
Còn theo ông Stephen Kreppel, từ những thương hiệu tập thể có danh tiếng thì doanh nhân Việt Nam sẽ hưởng lợi và tạo ra nhiều quyền lực hơn. Theo đó, họ xuất khẩu sản phẩm hàng hoá một cách thuận tiện và chính xác hơn, đáp ứng được những cơ hội rõ ràng, tập trung vào xây dựng năng lực và tăng cường chuỗi cung ứng, mang lại lợi nhuận cao, sẽ có cơ hội đóng thuế cho ngân sách nhà nước được nhiều hơn.
Để đạt được những mong muốn trên, Chính phủ đóng vai trò nền tảng trong việc hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Đọc thêm