​Chuyển phí, lệ phí sang giá: Không ảnh hưởng đến thu ngân sách

(PLO) - Với 17 khoản phí và lệ phí chuyển sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện từ 1/1/2017, theo đại diện Bộ Tài chính, về cơ bản không ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước (NSNN), do giá các dịch vụ này hầu hết đều giữ nguyên mức phí như hiện hành.
Phí kiểm định phương tiện vận tải, 1 trong 17 loại phí sẽ chuyển sang cơ chế giá từ 1/1/2017
Phí kiểm định phương tiện vận tải, 1 trong 17 loại phí sẽ chuyển sang cơ chế giá từ 1/1/2017

Công khai, minh bạch

Tại cuộc họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính về cơ chế quản lý giá đối với nhóm hàng hóa dịch vụ chuyển từ phí, lệ phí sang giá và Nghị định 149/2016/NĐ-CP  hôm 27/12, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, theo Luật Phí và Lệ phí, có 44 khoản phí và lệ phí sẽ được thực hiện theo cơ chế giá kể từ ngày 1/1/2017, trong đó có 17 dịch vụ do Nhà nước định giá, không bao gồm 2 khoản phí là viện phí và học phí đã chuyển sang cơ chế giá theo luật chuyên ngành.

Theo Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, trong số 17 loại phí được chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá, Chính phủ giao thẩm quyền cho 6 Bộ (Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, Bộ LĐTB&XH, Bộ Công Thương, Bộ Y tế) định giá 10/17 hàng hóa, dịch vụ với hình thức định giá (gồm khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu và giá cụ thể tùy từng nhóm hàng hóa, dịch vụ) 9/17 hàng hóa, dịch vụ do UBND tỉnh có thẩm quyền định giá. Hình thức định giá gồm khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu và giá cụ thể.

Đáng chú ý, Nghị định 149 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành, địa phương đối với một số hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, thẩm quyền rà soát và tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá, văn bản kê khai giá đối với mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Bộ Y tế, sẽ thuộc Bộ Công Thương và Sở Công Thương.

Đối với mặt hàng dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá, dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá, cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, cước vận tải hành khách bằng taxi, dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt, thẩm quyền tiếp nhận văn bản kê khai giá thuộc Bộ GTVT và Sở GTVT.

Cùng với đó, Nghị định 149 cũng bổ sung thẩm quyền của Bộ TN&MT đối với sản phẩm dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực TN&MT. Bổ sung mặt hàng kê khai giá gồm: Dịch vụ điều hành GTVT đường sắt thuộc thẩm quyền tiếp nhận của Bộ GTVT; ethanol nhiên liệu không biến tính, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), khí thiên nhiên nén (CNG) thuộc thẩm quyền tiếp nhận của Bộ Tài chính và Sở Tài chính.

Ngoài ra, Nghị định 149 chỉ quy định lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng, dầu tiêu thụ nội địa ở nhiệt độ thực tế và bỏ quy định lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng điện và thóc, gạo tẻ thường.

Cùng với đó, Nghị định bãi bỏ quy trình rà soát văn bản kê khai giá. Nội dung thay đổi này, theo đại diện Cục Quản lý giá, nhằm bãi bỏ thủ tục hành chính về kê khai giá, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện cho các DN, tổ chức sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP.

Với thay đổi này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tăng cường hậu kiểm về mức giá kê khai phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá trong trường hợp cần thiết để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, căn cứ quy định tại Nghị định 149 và pháp luật liên quan, Bộ Tài chính đã ban hành 12 thông tư quy định về giá của 6 nhóm sản phẩm, dịch vụ từ phí chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền quy định giá của Bộ Tài chính.

Không xáo trộn

Trả lời câu hỏi, với việc 17 hàng hoá dịch vụ chuyển sang  giá dịch vụ, thu NSNN có giảm, đại diện Vụ Chính sách thuế cho rằng: Do hầu hết giá các dịch vụ này được giữ nguyên so mức phí, lệ phí hiện hành, nên việc chuyển các loại phí, lệ phí sang cơ chế giá về cơ bản không ảnh hưởng đến thu NSNN.

Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, khi được chuyển từ phí và lệ phí sang cơ chế giá, các dịch vụ này sẽ sử dụng phương pháp tính giá theo Luật Giá, đồng thời cơ bản Nhà nước sẽ không trực tiếp hỗ trợ đối với các dịch vụ này. Trong đó, đối với các nhóm mặt hàng Nhà nước còn định giá, sẽ tính đúng, tính đủ chi phí cung ứng dịch vụ, trường hợp cần tăng giá thì phải thực hiện có lộ trình. Đối với giá các dịch vụ Nhà nước không định giá thì thực hiện theo cơ chế thị trường.

Đại diện Cục Quản lý giá cũng cho rằng, về cơ bản, việc chuyển từ phí sang giá do Nhà nước định giá không làm xáo trộn hoạt động cung ứng dịch vụ của đơn vị và việc sử dụng dịch vụ của các tổ chức, cá nhân. Các đơn vị cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chấp hành nghiêm túc theo quy định của pháp luật về quản lý giá và pháp luật có liên quan.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị trong việc nghiên cứu, đánh giá để xây dựng giá dịch vụ phù hợp với quy định hiện hành về phương pháp định giá chung theo nguyên tắc xác định giá quy định tại Luật Giá; phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng dịch vụ và tình hình thị trường. 

Đọc thêm