“Cò” chạy dự án làm giả chữ ký lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng: Nghi phạm lừa tiền chỉ cần “viết cam kết” là… thoát tội

(PLO) - Như phản ánh của PLVN trong số báo trước, bà Nguyễn Thị Trúc Linh (SN 1993, đại diện Công ty TNHH Phụng Trà Linh, chuyên sản xuất các loại trà, trụ sở thôn 5, xã B’Lá, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) có đơn phản ánh tố cáo ông Trần Thạch Anh (SN 1961, ngụ TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) có hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 900 triệu nhằm “chạy dự án”. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng chỉ khởi tố đối tượng về tội làm giả giấy tờ, bỏ qua tội danh lừa đảo.
Một số giấy tờ giả bị cáo sử dụng trong vụ án.
Một số giấy tờ giả bị cáo sử dụng trong vụ án.

Lời khai nghi phạm

Theo LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM): “Thứ nhất, hồ sơ vụ án cho thấy, Thạch Anh không phải là người có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận dự án trồng chè nguyên liệu cho Phụng Trà Linh. Thạch Anh cho rằng có quen biết Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Phạm S nhưng ông Phạm S lại cho rằng không quen biết Thạch Anh.

Thứ hai, những người mà Thạch Anh cho rằng đã gặp, đã nhờ và đưa tiền để họ giúp làm dự án đều không thừa nhận sự việc và không nhận tiền từ Thạch Anh. Trong biên bản hỏi cung, Thạch Anh khai đến 6/2016 biết là không xin được dự án nhưng vẫn nhận tiền để tiêu dùng cá nhân. 

Như vậy, thủ đoạn gian dối thể hiện ở việc thuê người làm giấy tờ giả và sử dụng giấy tờ giả để làm cho bà Linh tin rằng mình có thể xin được phê duyệt dự án, và sau đó nhận tiền sử dụng cá nhân.

Hành vi của Thạch Anh đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm khi dùng thủ đoạn gian dối là trình giấy tờ giả để bà Linh tin là thật và nhận được tiền của bà Linh để tiêu xài cá nhân. Hành vi diễn ra rất nhiều lần và mỗi lần chiếm đoạt thì số tiền đều trên hai triệu đồng.

Như vậy, hành vi của Thạch Anh có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc Thạch Anh thỏa thuận, hứa trả tiền và trên thực tế đã trả tiền cho bà Linh 580 triệu đồng chỉ là tình tiết giảm nhẹ, cụ thể là khắc phục hậu quả”.

“Hỏi: Ông Thạch Anh cho biết thời điểm ông biết không thực hiện được việc “xin” dự án cho Phụng Trà Linh là vào thời điểm nào?

Đáp: Tôi biết dự án không thể thực hiện được là vào khoảng tháng 6/2016 nhưng tôi vẫn giấu việc này với cô Linh. Tôi vẫn nói với cô Linh dự án vẫn đang thực hiện theo cam kết. Tôi nói với cô Linh vẫn đang xin chủ trương của UBND tỉnh Lâm Đồng và giấy chứng nhận đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư để tạo niềm tin với cô Linh. Trong thời gian này, tôi vẫn yêu cầu cô Linh đưa trà và tiền để xin cấp dự án nhưng thực tế là để sử dụng vào mục đích cá nhân (Trích bút lục số 158, lời khai của ông Thạch Anh tại Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Lâm Đồng ngày 14/9/2017).

Trích dẫn trên là một trong những lời khai thừa nhận biết việc “xin” dự án trồng chè cho Phụng Trà Linh không thực hiện được nhưng Thạch Anh vẫn nói dối bà Linh là đang triển khai và tiếp tục yêu cầu bà Linh đưa thêm tiền, trà làm quà.

Ngoài ra, trong đề nghị phê chuẩn quyết định khởi tố bị can về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” gửi VKSND tỉnh, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Lâm Đồng nêu “...nhằm tạo lòng tin cho bà Linh là bản thân vẫn đang trong quá trình “chạy” dự án nên Trần Thạch Anh đã làm giả giấy “Thông báo mời họp” số 746/UBND-TB ngày 24/10/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng bằng cách scan, in màu chữ ký, con dấu; và một “Giấy xác nhận số dư tài khoản” ngày 29/6/2016 của Ngân hàng Công thương Chi nhánh số 14 TP HCM”.

Như vậy, hồ sơ cho thấy Thạch Anh tạo lòng tin cho bà Linh bằng thủ thuật làm giả giấy tờ con dấu nhằm tạo dựng việc “chạy” dự án đang tiến triển. Tuy nhiên, cũng trong đề nghị phê chuẩn này nói rằng, ý thức ban đầu của ông Thạch Anh không phải là lừa mà là “chạy” dự án. Dự án không thực hiện được, Thạch Anh đã trả lại một phần tiền nên “không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Có điều Cơ quan điều tra chưa làm rõ lời khai biết dự án không thực hiện được nhưng Thạch Anh không cho bà Linh biết và làm giả giấy tờ, con dấu của UBND tỉnh Lâm Đồng để tạo niềm tin cho bà Linh. Thạch Anh vẫn yêu cầu đưa thêm tiền, trà làm quà để “xin dự án” như lời chính Thạch Anh khai. Hành vi đó có phải là hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay không?

PV liên lạc với ông Trần Thạch Anh để thông tin về vụ án mà ông đang là bị cáo được khách quan, đa chiều. Tuy nhiên, qua điện thoại, ông Thạch Anh nói: “Vụ án chưa gì hết cả. Chuyện người ta (tức bà Linh) tố cáo là chuyện của người ta”, rồi tắt máy.

VKS “chờ quan điểm của tòa”

Nhằm làm rõ tố cáo của bà Linh về việc bỏ lọt tội phạm và tình hình “cò” nhận tiền “chạy dự án” cho doanh nghiệp trên địa bàn, PV đã liên hệ tìm hiểu tại Công an tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, phía Công an tỉnh cho rằng lãnh đạo đi họp, hồ sơ theo thông báo của Phòng Nghiệp vụ đã chuyển xuống Công an TP Bảo Lộc theo thẩm quyền nên yêu cầu PV liên hệ Công an TP Bảo Lộc.

Mặc dù đã đến trước và được hẹn trong ngày 24/4 nhưng PV vẫn không gặp được lãnh đạo Công an TP Bảo Lộc và được nhân viên văn thư truyền đạt ý kiến rằng hồ sơ đã chuyển sang VKS TP Bảo Lộc để truy tố.

Trao đổi với PLVN, ông Trần Văn Chung – Phó Viện trưởng VKSND TP Bảo Lộc cho hay: “Vụ án được khởi tố, phê chuẩn khởi tố từ tỉnh. Sau đó tỉnh chuyển hồ sơ xuống Bảo Lộc. Vì vậy, nhiệm vụ của VKSND Bảo Lộc là phục tùng mệnh lệnh và bảo vệ quan điểm của cấp trên về tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Qua kiểm sát hồ sơ, việc khởi tố, truy tố tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với Trần Thạch Anh là có cơ sở. Còn những tội danh khác, VKSND TP Bảo Lộc chờ phán quyết của tòa án. Trong quá trình xét xử, nếu tòa án nhận thấy bị cáo có dấu hiệu phạm tội khác và tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung. VKSND Bảo Lộc sẽ có cơ sở kiến nghị, báo cáo với VKSND tỉnh. Còn bây giờ, VKSND TP Bảo Lộc sẽ bảo vệ quan điểm truy tố tội danh mà VKSND tỉnh đã phê chuẩn khởi tố”.

Đối với tố cáo “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Chung nói: “Quan điểm của VKSND TP Bảo Lộc, Trần Thạch Anh có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng chứng cứ buộc tội yếu. Thứ hai, trước khi bị tố cáo, Thạch Anh đã trả một phần tiền lại cho công ty này. Sau khi được mời làm việc ở công an, Thạch Anh cũng có cam kết trả lại tiền. Vì thế đây là hành vi dân sự. Đến nay, Thạch Anh chưa trả đủ tiền như cam kết có thể do nhiều lý do khác”.

Khi được hỏi việc Thạch Anh đưa giấy tờ giả và làm giả giấy tờ đưa cho bà Linh có phải là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản hay không, ông Chung nói rằng “đó là quan điểm của mỗi người, mỗi cơ quan”. Còn việc Phụng Trà Linh đưa tiền cho Thạch Anh “xin dự án” là “một hợp đồng với nhau. Không thực hiện được, Thạch Anh cam kết trả lại tiền là hành vi dân sự”.

Dự kiến phiên tòa xét xử bị cáo Trần Thạch Anh về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được TAND TP Bảo Lộc mở vào ngày hôm nay 4/5. PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ án.

Đọc thêm