Cơ chế nào “mở lối” cho thị trường đất nông nghiệp?

(PLVN) - Có đến 63% hộ nông dân có diện tích đất nhỏ hơn 0,5ha, 26% có từ 0,5 - 2ha. Ngoài ra, có những hộ sở hữu nhiều mảnh đất nhỏ, rải rác… Sự manh mún này đang là hạn chế lớn trong sản xuất nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực đang được đánh giá rất tiềm năng này…
Giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất mới có thể nâng cao được sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp.
Giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất mới có thể nâng cao được sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp.

Tích tụ ruộng đất chưa  được như kỳ vọng

Tại Hội thảo “Phát triển các thể chế hỗ trợ thúc đẩy thị trường nông nghiệp ở Việt Nam” mới đây,  ông Hoàng Vũ Quang – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) - cho hay, mặc dù Nhà nước đã có chủ trương, chính sách tích tụ ruộng đất theo quy mô lớn, trong những năm gần đây đã có biến chuyển nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng. “Nếu giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất thì mới có thể nâng cao được sức cạnh tranh cho ngành Nông nghiệp…” - ông Quang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Tốn, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương), cũng cho rằng, việc tập trung ruộng đất, chống manh mún, đẩy mạnh công tác “dồn điền, đổi thửa” đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện đã đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp rõ rệt. Tuy nhiên, nhận thức về tập trung ruộng đất còn chưa thống nhất, tổ chức thực hiện còn hạn chế. 

Trên thực tế, đã có hiện tượng một số dự án chưa đảm bảo mục đích tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn mà lách luật để chuyển đổi mục đích sử dụng đất (SDĐ) như chuyển thành khu đô thị hay khu, cụm công nghiệp…” - vị này thẳng thắn đề cập.

Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cũng nhận định, thị trường chuyển nhượng quyền SDĐ nông nghiệp còn sơ khai, thiếu minh bạch, chưa hấp dẫn, thậm chí có xu hướng giảm. Thị trường cho thuê đất thậm chí còn kém hơn rất nhiều. Ngoài ra, một số quy định của pháp luật còn chưa thúc đẩy thị trường quyền SDĐ nông nghiệp. Các hình thức tích tụ và tập trung đất còn ẩn chứa các yếu tố chưa bền vững…

Ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng (IPSARD) -  cũng cho rằng thị trường đất nông nghiệp của Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Việc chuyển nhượng, chuyển đổi quyền SDĐ trầm lắng, tỷ lệ mảnh đất của hộ nông dân có nguồn gốc từ chuyển nhượng chiếm chưa tới 10%. Hình thức góp vốn bằng quyền SDĐ ít phổ biến, thiếu bền vững và rủi ro cao…

Cần hoàn thiện khung pháp lý

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, để thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp phải có môi trường, hành lang pháp lý; Nhà nước có chính sách bổ trợ cho quá trình phát triển thị trường; hệ thống quản lý đất đai hiệu quả, minh bạch. Ngoài yếu tố chính sách, quy định pháp luật, cần có tổ chức cung cấp hạ tầng cho giao dịch thị trường đất hoạt động.

Tại Việt Nam, theo đại diện Ban Kinh tế Trung ương, bước đầu cho thấy có 4 loại mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp gồm: Tổ chức, hộ gia đình cá nhân nhận chuyển nhượng (mua) quyền SDĐ; thuê đất; góp đất; Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, vẫn có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tập trung đất nông nghiệp. Nguyên nhân là nhận thức về tập trung ruộng đất còn chưa thống nhất; tổ chức thực hiện còn hạn chế; xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh (SXKD) trong nông nghiệp còn chưa theo kịp tình hình.

Để phát triển thị trường đất nông nghiệp, các chuyên gia của IPSARD cho rằng, trước hết cần hoàn thiện hệ thống đăng ký đất đai. Trong đó, sẽ hoàn thiện, cập nhật hệ thống này; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tích hợp, thống nhất trên cả nước; xây dựng hệ thống thông tin thị trường đất nông nghiệp minh bạch, hiện đại hóa…

Bên cạnh đó, cần xây dựng khung pháp lý và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, đảm bảo để Tổ chức phát triển quỹ đất hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp; thực hiện các chức năng cung cấp thông tin, cân đối cung cầu, kích thích và hoàn thiện thị trường; xây dựng cơ chế, tổ chức hỗ trợ xử lý tranh chấp giao dịch đất nông nghiệp, hợp đồng nông sản.

IPSARD cũng kiến nghị bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng, bỏ thuế vượt hạn điền và thay bằng đánh thuế tài nguyên đối với đất nông nghiệp; bỏ thời hạn giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, thay vào đó là giao đất sản xuất ổn định lâu dài cho người dân.

Ngoài ra, cần nâng thời hạn thuê đất công ích của xã từ 5 năm lên 20 năm để khuyến khích đầu tư SXKD dài hạn; xem xét giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong giao dịch đất nông nghiệp; xây dựng cơ chế giám sát việc tính giá trị đất đai và phân chia lợi tức theo luật định của DN đối với các hộ nông dân góp quyền SDĐ vào DN… 

31% DN cho rằng TTHC liên quan đến đất đai gây phiền hà 

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, số lượng DN ngành Nông nghiệp đang gia tăng nhanh chóng nhưng có đến 31% các DN cho rằng TTHC liên quan đến đất đai gây phiền hà cho DN. Con số này cao hơn cả thuế, BHXH, môi trường, quản lý thị trường…

Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận và tích tụ đất đai của DN, góp vốn bằng quyền SDĐ chưa khả thi, cơ chế định giá đất chưa rõ ràng, minh bạch và nguy cơ tranh chấp, sa lầy trong đền bù giải phóng mặt bằng vẫn còn hiện hữu.

Để tháo gỡ rào cản cho thị trường đất nông nghiệp, ông Tuấn đề xuất, cần đẩy mạnh cải cách TTHC, rà soát tháo gỡ các chồng chéo về pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu và quyền hợp đồng của DN… Đồng thời, Nhà nước nên khuyến khích thành lập thị trường đất đai để người cung cấp quỹ đất và người có nhu cầu đất đai gặp nhau. Bởi ở đó, quyền và lợi ích các bên được đảm bảo, thông tin minh bạch…

Đọc thêm