Cơ hội nào cho “ngành công nghiệp không khói” Việt Nam?

(PLO) - Nhằm thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng bền vững và có trách nhiệm giữa 4 nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), diễn đàn Kết nối không gian du lịch “Bốn Quốc gia - Một điểm đến” vừa được tổ chức tại Myanmar với nhiều kỳ vọng cho nền “công nghiệp không khói”.
Những địa danh như Sơn Đoòng sẽ được biết đến nhiều hơn khi sự liên kết giữa 4 nước được phát huy. Ảnh minh họa
Những địa danh như Sơn Đoòng sẽ được biết đến nhiều hơn khi sự liên kết giữa 4 nước được phát huy. Ảnh minh họa

Thúc đẩy phát triển

Dưới góc độ nhà quản lý, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, cho biết, “Bốn quốc gia – Một điểm đến” là sự hợp tác của các hãng hàng không, các doanh nghiệp du lịch, các ngân hàng của 4 nước, điều này sẽ tạo triển vọng cho du lịch 4 nước cùng phát triển, đặc biệt là đối với Việt Nam.

Đối với cấp chính phủ, sự kiện này đã khai thông về chủ trương, nguyên tắc, chính sách của 4 nước sẽ thúc đẩy ngành du lịch phát triển vì các quốc gia đều coi đây là ngành kinh tế quan trọng. Các nước nhìn thấy nhu cầu với nhau, điều này sẽ tạo nên sức mạnh to lớn.

Gần đây, nhiều chính sách, nhiều hoạt động hợp tác cấp chính phủ được diễn ra trong khuôn khổ ASEAN, 4 quốc gia thường xuyên có những kết hợp bằng những hành động hợp tác, những cuộc gặp thường niên, nội dung nhiều dự án được chia sẻ. Ngoài ra, chính sách đồng thuận, ưu tiên cũng khiến các doanh nghiệp hợp tác không còn rào cản như trước, đi lại du lịch giữa 4 nước dễ ràng hơn.

Đối với cấp doanh nghiệp, “Bốn Quốc gia – Một điểm đến” sẽ hình thành các doanh nghiệp của khu vực, các sản phẩm du lịch khu vực, chứ không phải sản phẩm riêng biệt như trước đây. Tạo thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp liên doanh, ký kết với nhau, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang nước bạn.

Ngoài ra, ngành hàng không cũng có những hành động nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển, hàng không 4 nước ngoài 23 chuyến bay trong 1 ngày từ Việt Nam sang 3 nước còn lại như hiện nay, sẽ mở thêm các chuyến bay chia sẻ với nhau. 

Đón nhận thông tin này, ông Bùi Trung Thành, Giám đốc Cty Du lịch khám phá Việt Nam phấn khởi, đây là dấu hiệu tốt đối với các doanh nghiệp du lịch. Kết hợp này sẽ khiến phần thông thương tốt hơn nhiều, thuế giảm, kết nối của 4 quốc gia được hỗ trợ hơn, nhất là phần vé máy bay, kéo dài được thời gian lưu trú của các điểm,… Ngoài ra, việc ký kết sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết được nhiều vấn đề, nhân sự của 4 nước có thể sang các nước còn lại để trao đổi, các kỹ năng, hỗ trợ tương đối nhiều thiếu hụt giữa các nước. 

Cùng chung quan điểm, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Cty Lữ hành Hà Nội tourist, Tổng Cty Du lịch Hà Nội chia sẻ, hợp tác 2 trong 1, 3 trong 1 có rồi, giờ có thêm kết hợp 4 nước trong 1 đó là điều rất tốt; Bởi sản phẩm thì có, đường bay tới các nước luôn sẵn sàng, nhưng hiện nay khách lại thất thường, nếu kết hợp như thế này thì rất hay. 

Vẫn lo lắng…

Bên cạnh những mặt tích cực, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng nhìn nhận sự kết nối không gian du lịch này tạo ra nhiều khó khăn khi hiện nay các doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm, trình độ nhân lực còn nhiều hạn chế; hợp tác giữa các doanh nghiệp của các nước còn lỏng lẻo. Các quốc gia có sự khác nhau về thể chế chính trị khiến điều kiện hợp tác bị vênh nhau.

Du lịch phát triển sẽ ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát tăng trưởng, điều này sẽ tác động đến ngành và mối quan hệ của các nước trong khu vực. Hiện du lịch cũng lệ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự nhiên, trong khi vai trò của chính phủ, nhà nước, tiềm lực của doanh nghiệp yếu, chưa phát triển; chưa tham gia vào chuỗi các doanh nghiệp toàn cầu, tính phù hợp giữa các quốc gia còn hạn chế.

Nhiều năm làm doanh nghiệp lữ hành, ông Lưu Đức Kế thẳng thắn, các doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn cần ngành du lịch hỗ trợ. Hiện nay dịch vụ các nước chưa tương thích, nước này rất rẻ, nước kia đắt, với Việt Nam giá đang tương đối hợp lý, nhưng Campuchia đắt, Myanma đắt hơn nhiều mà dịch vụ lại chưa thực sự đáp ứng với số tiền người đi du lịch bỏ ra.

Khó khăn khi triển khai sự kết nối của các doanh nghiệp du lịch của 4 nước với nhau. Ví dụ, Myanma rất rộng, nếu bay nội địa phải có doanh nghiệp du lịch tham gia, nếu chung chung thì rất khó để kết nối. Quan trọng, kết nối này phải có ngành hàng không vào cuộc, nếu không thì rất khó vì chi phí hàng không đang quá lớn. 

“Trước đây đã có sự kết hợp giữa các nước nhưng việc thực hiện không triệt để, nên các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự có sự kết nối cũng như đẩy mạnh việc khai thác, thu hút khách hàng. Chúng tôi mong muốn với chương trình này triển khai ra thì các doanh nghiệp du lịch được Tổng cục Du lịch tổ chức những chuyến khảo sát, ký kết với các nước thì sẽ đạt hiệu quả tốt hơn”, ông Kế nói. 

Ông Bùi Trung Thành, Giám đốc Cty Du lịch khám phá Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong điều này từ lâu, nhưng quan trọng là thông điệp như thế nào, truyền tải tới khách hàng là cái gì, sản phẩm đi kèm ra sao? Vì hiện nay, các doanh nghiệp cũng chưa có cái gì, chưa biết chủ trương chính sách ra sao để mà triển khai các hoạt động. Quan trọng là ngành hàng không phải vào cuộc mạnh mẽ, không thì giá sẽ vẫn cao và khó thu hút được”.

Đọc thêm