Có liên minh ma quỷ trong Vụ án chiếm đoạt 863 tỷ đồng của ngân hàng và các đối tác

(PLO) -Vay vốn sử dụng sai mục đích dẫn đến nợ xấu, Hồng bàn bạc với giám đốc chi nhánh ngân hàng lập hồ sơ khống vay tiếp 80 tỷ đồng“trang trải” nợ quá hạn.
Hình minh họa
Hình minh họa

Khi công ty hết khả năng thanh khoản, Hồng sử dụng bảo lãnh ngân hàng huy động hàng trăm tỷ; mua lại công ty khác lấy tư cách pháp nhân vay tiếp hơn trăm tỷ. Với những thủ đoạn trên, Hồng chiếm đoạt của nhiều đối tác và ngân hàng gần 900 tỷ đồng.

“Cánh rừng” 20,5 triệu USD

Bị cáo trong vụ án này, Trịnh Khánh Hồng (SN 1967, quê Bắc Giang,  ngụ phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội), là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Hồng (trụ sở tại Hà Nội). Công ty có giấy phép kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có trồng rừng, mua bán gỗ, giấy.

Năm 2009, xuất phát từ chủ trương của tỉnh Nghệ An phát triển dự án trồng rừng kinh tế tại địa phương, Hồng lập dự án, hồ sơ vay 20,5 triệu USD (tương đương 380 tỷ) của ngân hàng Agribank để trồng rừng nguyên liệu.

Tuy nhiên sau khi vay được vốn, Hồng không thực hiện dự án mà sử dụng vào mục đích riêng. Để che giấu hành vi, Hồng chỉ đạo cấp dưới tạo dựng 965 chứng từ chi tiền khống cho các hộ dân trồng rừng. 

Một năm sau, Hồng có một số khoản nợ đến hạn phải trả nhưng không có tiền trả, dẫn đến nợ xấu. chịu lãi suất cao. Do công ty không thể vay vốn thêm, nên Hồng tới gặp Đỗ Đức Hưng (SN 1956, quê Hưng Yên, ngụ quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, nguyên giám đốc chi nhánh ngân hàng Agribank Hồng Hà) bàn phương án: Chi nhánh của Hưng cho công ty Đức Hùng (người khác làm giám đốc nhưng thực tế do Hồng thành lập, chỉ đạo hoạt động - PV) vay vốn bằng lập hồ sơ khống, lấy tiền.

Hồng chỉ đạo lập khống các báo cáo tài chính, ký khống các hợp đồng kinh tế, ký khống thế chấp tài sản hình thành trong tương lai và chứng từ, hóa đơn để lập hồ sơ đề nghị vay 80 tỷ, được ngân hàng giải ngân.

Nhóm nhân viên ngân hàng khai nhận việc cho công ty Đức Hùng vay vốn, thực tế là để đảo nợ cho công ty Tân Hồng. Vì vậy các thủ tục, quy trình cho vay từ khâu thẩm định, định giá tài sản, giải ngân đều trái quy định. Việc làm này có hành vi gian dối từ đầu, tạo lập hồ sơ khống để được vay vốn, dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 BLHS.

“Đâm lao thì phải theo lao”

Đầu năm 2011, dư nợ của Hồng tại Agribank chi nhánh Hồng Hà vượt con số 700 tỷ. Trong đó vay xây dựng nhà máy sản xuất giấy 320 tỷ đồng, dự án trồng rừng 380 tỷ đồng và công ty “ma” vay 80 tỷ đồng. Hồng không có nguồn thu để trả nợ gốc và lãi.

Cùng tại thời điểm trên, ngân hàng Agribank có quy định nếu chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu từ 10% trở lên thì giám đốc phải kiểm điểm trách nhiệm xử lý kỷ luật, kể cả mất chức. Hưng giục trả nợ nhưng Hồng không tiền, cũng không đủ điều kiện vay vốn tiếp.

Hai đối tượng sau đó nghĩ ra “mưu” Hồng ký các hợp đồng mua bán hàng trả chậm nhằm huy động vốn. Hưng sẽ đại diện chi nhánh ngân hàng ký các bảo lãnh thanh toán để tạo niềm tin. Bởi không có bảo lãnh ngân hàng, các DN sẽ không chuyển vốn, hàng cho Hồng, và Hồng không thể huy động vốn. Hai bên thỏa thuận sau khi nhận được tiền thì Hồng lấy trả nợ vay ngân hàng.

Bị cáo Hồng (đứng, hàng đầu) trước vành móng ngựa.
Bị cáo Hồng (đứng, hàng đầu) trước vành móng ngựa.

Thực hiện kế hoạch trên, hai công ty của Hồng ký 14 hợp đồng kinh tế. Còn giám đốc chi nhánh ngân hàng ký 15 bảo lãnh thanh toán với các hợp đồng. CQĐT xác định tại thời điểm Hưng ký các bảo lãnh thanh toán, các công ty này đã hết hạn mức tín dụng, theo quy định Hưng phải báo cáo chủ tịch HĐQT Agribank Việt Nam.

Thế nhưng trên thực tế, nhờ có ngân hàng bảo lãnh thanh toán, một số nạn nhân tin tưởng chuyển tiền, hàng cho Hồng với tổng giá trị 540 tỷ. Hồng lấy 107 tỷ trả nợ ngân hàng, dùng tiền của chủ nợ sau trả cho chủ nợ trước 154 tỷ đồng, sử dụng cá nhân 195 tỷ, nay không còn khả năng thanh toán, chiếm đoạt của các đối tác 281 tỷ.

Kẻ chung thân, kẻ 23 năm tù

Theo kết luận điều tra, từ 2009 đến năm 2012, Hồng vay được vốn nhưng không thực hiện dự án trồng rừng mà sử dụng vào mục đích riêng. Đến nay Hồng không còn khả năng thanh toán toàn bộ số tiền hơn 380 tỷ đồng này vay của ngân hàng.

CQĐT cũng kết luận trong quá trình hoạt động, Hồng cùng với sự giúp sức các bị cáo khác đã có hành vi gian dối, sử dụng các chứng thư bảo lãnh không hợp pháp, qua đó chiếm đoạt của một số DN hơn 281 tỷ.

Ngoài ra Hồng còn cấu kết với một số DN lập hồ sơ khống để vay vốn ngân hàng nhằm trả các khoản nợ cũ, qua đó chiếm đoạt hơn 200 tỉ. Tổng cộng, Hồng và các đồng phạm đã chiếm đoạt của ngân hàng và đối tác số tiền hơn 863 tỉ đồng.

Sau khi cơ quan công an vào cuộc, tháng 5/2012 đã bắt giam Đỗ Đức Hưng (SN 1956, quê Hưng Yên, ngụ quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Mở rộng điều tra, đến tháng 8 công an bắt giữ trưởng chi nhánh ngân hàng phục vụ điều tra.

Mới đây, Tòa án TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 11 bị cáo trong vụ án, với bị cáo Hồng giữ vai trò chính. Sau 3 ngày xét xử, tòa tuyên phạt Hồng 20 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài ản” và chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hình phạt là chung thân. Còn bị cáo Hưng là giám đốc chi nhanh ngân hàng lĩnh án 23 năm tù về hai tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Một cú lừa ngoạn mục khác mà Hồng và Hưng thực hiện, là vụ mua hàng loạt công ty làm “bình phong” phạm tội. Nhờ có một số chứng thư bảo lãnh ngân hàng do Hưng ký, Hồng nhận 150,5 tỷ đồng tiền đặt cọc mua bột giấy của hai công ty đối tác.

Nhưng vì không sản xuất kinh doanh nên Hồng không có khả năng thanh toán cho đối tác. Chờ đợi quá lâu, đại diện 2 công ty đối tác yêu cầu Hồng trả nợ, nếu không ngân hàng phải trả theo nội dung chứng thư bảo lãnh.

Lúc này Hồng không có tiền, công ty thì hết hạn mức vay vốn, trách nhiệm dồn lên vai ngân hàng mà cụ thể là Hưng. Do đó Hưng bàn với Hồng cần có công ty mới tạo tư cách pháp nhân mới lập hồ sơ vay vốn trả nợ.

Thực hiện thủ đoạn trên, Hồng mua lại công ty Giang Linh sau đó cử nhân viên làm giám đốc, công ty này không có hoạt động gì nhưng đã làm khống phương án sản xuất, báo cáo tài chính để vay 70 tỷ tại Agribank chi nhánh Hồng Hà. Do cấp trên đã chỉ định cho vay, nhân viên ngân hàng không thẩm định mà giải ngân luôn. 

Để đủ điều kiện giải ngân, Hồng mượn sổ đỏ của chính chủ nợ đưa nhân viên ngân hàng định giá 71 tỷ đồng. Sau này kết luận giám định của ngân hàng nhà nước Việt Nam xác định thửa đất thế chấp chỉ có giá 3 tỷ đồng, tức đã được nâng khống lên 23,2 lần so với giá trị thực.

Tương tự, Hồng mua lại công ty Thái An rồi cử nhân viên làm giám đốc, lập hồ sơ vay trót lọt 60 tỷ đồng của Agribank chi nhánh Hồng Hà. Trong thương vụ này, các đối tượng nâng hợp đồng thế chấp 4 tỷ đồng lên 85 tỷ. Sau khi được giải ngân 130 tỷ đồng, Hồng dùng 111,5 tỷ trả nợ đối tác, phần còn lại sử dụng vào mục đích cá nhân.

Đọc thêm