Cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước: “Làm chậm, làm thất thoát thì phải xử lý”

(PLO) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 – 2020 diễn ra hôm qua (6/12).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Quyết liệt trong CPH doanh nghiệp nhà nước

Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011 – 2015, nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN Lê Mạnh Hà cho biết, sau 15 năm sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 khóa 9, DNNN đã giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là những DN quy mô nhỏ, DN kém hiệu quả, DN ở lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. 

Năm 2001 cả nước có khoảng 6.000 DNNN, đến năm 2011 có 1.369 DNNN, đến hết tháng 10 năm 2016 còn 718 DNNN. Nếu thời điểm năm 2011, DNNN dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực, đến nay chỉ còn 19 ngành, lĩnh vực và đại đa số có quy mô vừa và lớn. Trong giai đoạn 2011 – 2015, cơ bản không còn phát sinh các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ lớn, các dự án không hiệu quả, gây hậu quả nghiêm trọng như Vinasin (2010), Giấy Phương Nam (2003), Xơ sợi Đình Vũ (2007), Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (2005). 

Trong những năm trở lại đây, hiệu quả hoạt động của DNNN sau sắp xếp, đổi mới được nâng lên rõ rệt, tổng số vốn chủ sở hữu tại các DNNN tăng từ 810 ngàn tỷ đồng lên 1,234 triệu tỷ đồng; tổng tài sản tăng từ 2,274 triệu tỷ đồng lên 3,105 triệu tỷ đồng. Các DNNN sau khi cổ phần hóa (CPH) hầu hết sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên. Bộ Tài chính tổng hợp kết quả hoạt động 350 DN sau CPH năm 2015 cho thấy so với năm trước khi CPH, lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân người lao động tăng 33%. Một số DN điển hình như Công ty Cổ phần sữa Việt Nam doanh thu tăng 10 lần, nộp ngân sách tăng trên 6 lần; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trước khi CPH lỗ 1.461 tỷ nhưng sau CPH đã có lợi nhuận 2.021 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ, quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN tiến triển vẫn chậm so với yêu cầu đặt ra. Tỷ lệ vốn nhà nước bán ra khi CPH và sau khi thoái vốn còn thấp. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN thấp so với nguồn lực đang nắm giữ. Năng lực quản trị, điều hành còn nhiều yếu kém, một số DNNN tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao như Tổng Công ty (TCT) Xăng dầu quân đội; TCT 36; TCT Thái Sơn,…Vẫn còn tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực; một số vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây hậu quả kinh tế lớn, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Giao trách nhiệm cho từng cá nhân 

Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh việc đổi mới, sắp xếp, CPH DNNN là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2017, góp phần phòng chống tham nhũng. Thủ tướng nêu rõ 3 yêu cầu để DNNN hoạt động hiệu quả. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu cần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy CPH, tạo môi trường cạnh tranh để thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Thứ hai, khi tiến hành CPH, quy mô khu vực kinh tế nhà nước nhỏ đi, nhưng hiệu quả hoạt động của từng DNNN phải cao hơn, vốn nhà nước phải được bảo toàn và phát huy giá trị tốt hơn. Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu tái cơ cấu DNNN, giải phóng nguồn lực để tăng trưởng nhanh, bền vững hơn. 

Trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng nêu các nhóm nhiệm vụ cơ bản: Phải xác định rõ lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào cần rút ra thì thực hiện rút vốn theo tỉ lệ phù hợp; sớm xác định danh mục DN với tỷ lệ giữ vốn cụ thể như DN nào giữ 100%, DN nào rút vốn, tỉ lệ rút vốn…; lành mạnh hóa hoạt động DN, xóa bỏ mọi rào cản trong quá trình CPH; xây dựng hệ thống đánh giá phù hợp DNNN sau CPH thực hiện mục tiêu chính sách với mục tiêu kinh tế; áp dụng quản trị DN theo thông lệ quốc tế; hoàn thiện quy trình thủ tục về đầu tư, mua sắm, phân phối, công tác cán bộ; xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, hoạt động hiệu quả thấp; quản lý chặt chẽ việc vay nợ; rà soát, tháo gỡ mọi rào cản về chính sách để đẩy nhanh quá trình CPH, sắp xếp lại DNNN…

Thủ tướng nhấn mạnh việc giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương, DN trong thực hiện lộ trình CPH với phương châm bộ nào, tổng giám đốc DN nào “không làm, làm chậm, làm thất thoát thì phải xử lý”, “đồng chí nào không làm thì phải đổi”. Thủ tướng cũng nêu rõ trong quá trình CPH thì mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước, bán đúng giá trị thị trường. “Chúng ta không CPH bằng mọi giá, không phải Nhà nước bán hết để tư nhân chi phối. Lĩnh vực nào cần có vai trò của Nhà nước như ngân hàng, các thủy điện quan trọng... thì tính toán để quản lý cho hiệu quả, còn lại thì rút vốn ra, tạo điều kiện để tư nhân hoạt động...” – Thủ tướng nói. 

Để thực hiện các mục tiêu trên, theo Thủ tướng, cần mời tư vấn quốc tế và trong nước có uy tín, trình độ tham gia còn các tập đoàn, DN cần đột phá trong tư vấn thuê tư vấn theo hướng đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, kể cả thương hiệu giá trị DN, vị trí đất đai. Thủ tướng cũng nhấn mạnh các vấn đề công khai, minh bạch trong CPH các DNNN, chú trọng thanh tra, kiểm tra để không thất thoát tài sản Nhà nước trong các doanh nghiệp, đảm bảo việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bãi miễn phù hợp với kết quả hệ thống kinh doanh… 

Đọc thêm