Cơ sở kinh doanh 'chết' trong dịch Covid-19: Phát lộ bất hợp lý trong việc thuê mặt bằng kinh doanh

(PLVN) - Hàng loạt nhà hàng, khách sạn đóng cửa, trả mặt bằng; nhiều người cung cấp dịch vụ “bỏ của chạy lấy người”… là tình trạng đang thấy thời điểm này. Ảnh hưởng từ dịch bệnh là không nhỏ, nhưng cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác sâu xa hơn.
Cơ sở kinh doanh 'chết' trong dịch Covid-19: Phát lộ bất hợp lý trong việc thuê mặt bằng kinh doanh

Nhiều dịch vụ điêu đứng thời Covid- 19

Những tấm bảng “Đóng cửa, trả mặt bằng” từ một tháng nay bắt đầu xuất hiện tại rất nhiều địa điểm kinh doanh trên địa bàn thành phố. Đơn cử, trên Đường Phan Xích Long (Phú Nhuận, TP HCM) - con đường từng đông đúc với hàng loạt thương hiệu ẩm thực, dịch vụ lớn nhỏ, đã có hàng loạt cuộc đóng cửa, dẹp tiệm, trả mặt bằng. Từ những quán cafe, salon tóc, quán ăn nhỏ cho đến các thương hiệu dạng chuỗi, nhượng quyền thương hiệu… đều chung số phận  

Bà Kim H., chủ một thương hiệu ăn uống có tiếng trên con đường này chia sẻ: “Mỗi tháng chúng tôi trả tiền thuê mặt bằng là 5.000 USD, tiền nhân viên vài chục triệu nữa. Trước đó, tuy các chi phí cao nhưng cũng còn duy trì được. Từ thời điểm Tết đến nay, mỗi tháng chúng tôi lỗ gần 50 triệu. Cân nhắc có lẽ càng kéo dài càng đuối, nên tôi cũng quyết định đóng cửa để cắt lỗ”.

Tại nhiều vị trí “vàng” ở quận 1, quận 3, quận Phú Nhuận… cũng chứng kiến những cuộc rút lui của các doanh nghiệp, tư nhân làm dịch vụ. Trên trục đường Nguyễn Thị Minh Khai, một đoạn 3km chứng kiến 4 cơ sở kinh doanh gắn biển “tạm đóng cửa” hoặc “trả mặt bằng”.

Chủ một cửa hàng hoa cho biết, chị mở ra 6 tháng nay với dự định khởi nghiệp bằng dịch vụ cung cấp hoa tươi. Số vốn tôi bỏ ra là 700 triệu, cả tiền đặt cọc thuê mặt bằng, trả mặt bằng hàng tháng, sửa chữa trang trí cửa hàng, đặt hàng hoa…

Xác định 3 tháng đầu sẽ lỗ rồi bứt lên từ từ. Tuy nhiên, sau 3 tháng, càng ngày mức lỗ càng nặng nên tôi đành đóng cửa, chấp nhận mất trắng số tiền khởi nghiệp, coi như là mình không may mắn, mà cũng coi như bài học kinh nghiệm cho mình.

Nhưng có lẽ điêu đứng nhất là nhà hàng, quán nhậu. Thời điểm bắt đầu áp dụng quy định xử phạt nặng đối với người có nồng độ cồn khi tham gia giao thông, hàng loạt nhà hàng, quán nhậu đã rơi vào tình trạng khó khăn khi doanh thu giảm từ 30 - 70%.

Nhiều quán chống chọi được một thời gian rồi đóng cửa, chỉ còn một số quán có khách quen, mạnh vốn mới trụ lại được. Thế nhưng, đến đợt dịch Covid-19 thì lại thêm một lượng quán xá khác bỏ cuộc. Con đường Trường Sa dọc bờ kênh Nhiêu Lộc, đường Phạm Văn Đồng vốn là hai “con đường ăn nhậu” nổi danh Sài Gòn, giờ buổi tối về chỉ còn thưa vắng quán xá.

Bất hợp lý từ giá thuê mặt bằng

Lý do lớn khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp không thể trụ nổi một khi có biến cố, rủi ro xảy ra cho việc kinh doanh chính là mặt bằng. Giá mặt bằng Việt Nam hiện nay đang thuộc hàng “top” trên thế giới, khi có những mặt bằng cho thuê hàng tháng với giá bằng tiền… mua cả căn hộ chung cư cao cấp. 

Nhiều người kinh doanh đã phải đóng cửa, trả mặt bằng vì không kham nổi.
 Nhiều người kinh doanh đã phải đóng cửa, trả mặt bằng vì không kham nổi.

Mới đây, ông Yukihiro Katsuta, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Fast Retailing, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Uniqlo, thừa nhận với báo chí rằng giá cả mặt bằng Việt Nam quá cao so với tưởng tượng chính là lý do khiến thương hiệu này phải 3 năm sau khi bắt đầu kế hoạch mới vào Việt Nam được. 

Theo báo cáo biến động giá thuê nhà mặt phố tại một số quận nội thành TP HCM do trang Batdongsan.com.vn công bố, các mặt bằng nhà phố có diện tích sàn cho thuê 70m2 tại các quận nội thành đều có xu hướng tăng cao, đầu năm 2019 đã tăng 15 - 30% so với cùng kì năm trước. 

Thời điểm thông thường, ở những địa điểm “vàng” như Phan Xích Long, Đồng Khởi, Hai Bà Trưng, Cách mạng Tháng 8, người kinh doanh “săn” mặt bằng khá khó khăn. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm thông thường, giá thuê mặt bằng quá cao cũng đã “bức tử” không ít doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp.

Thông thường, một mặt bằng là căn nhà tầm trung ở đường Phan Xích Long có giá khoảng 100 triệu, những mặt bằng lớn có giá 200, 300 triệu là bình thường. Đường Đồng Khởi có những mặt bằng nhỏ ở vị trí đẹp lên đến cả tỉ đồng. Khu vực các quận khác như Phú Nhuận, Bình Thạnh giá cũng từ vài chục đến hàng trăm triệu tùy vào diện tích và vị trí mặt bằng.

Anh Nguyễn Quang Khải, chủ salon tóc Nguyễn Khải có tiếng trên đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận) chia sẻ, salon của anh đông khách, tuy nhiên, giá làm tóc thì cạnh tranh, sản phẩm phải tốt, chất lượng, thợ đông, mà giá thuê mặt bằng thì cao ngất ngưởng, nên để trụ được quá khó khăn.

Trung bình, mỗi tháng salon của anh phải kiếm ra khoảng 60 triệu thì mới may ra huề vốn. Còn muốn dư giả, dành dụm được thì rất vất vả. Cuối cùng anh phải bỏ cuộc, sang mặt bằng để về quê kinh doanh lĩnh vực khác và may mắn thành công. Một nhà tạo mẫu tóc sang lại salon, nhưng cũng “lay lắt” và đến đợt dịch thì đành bỏ cuộc. Đồng thời, hàng loạt salon tóc khác trên địa bàn Phú Nhuận cũng bắt đầu đóng cửa.

Nhiều chủ cơ sở kinh doanh chia sẻ, thực tế, việc kinh doanh ngày thường cũng đã khá khó khăn vì mặt bằng cao, nhưng vẫn trụ được và nếu nỗ lực vẫn có lời, may mắn thì làm giàu. Nhưng khi có biến cố hoặc rủi ro, như thay đổi chính sách hoặc một đợt dịch bệnh thì phá sản, mất trắng hoặc gánh nợ là chuyện có thể xảy ra.

Trước tình hình này, một số tập đoàn đã công bố giảm giá thuê mặt bằng tại trung tâm thương mại để đồng hành với doanh nghiệp và đó là một phương án được ủng hộ nhằm “cứu” doanh nghiệp thời điểm này. 

Việc những người kinh doanh thất bát vì dịch là có thật, nhưng đằng sau đó, nguyên nhân sâu xa là do nhiều bất hợp lý khác đang tồn tại trong thị trường và dịch bệnh chỉ là cơ hội cho những bất hợp lý ấy biến thành khủng hoảng, chỉ sau một biến cố. Hy vọng, sau dịch, giữa chủ thuê và người thuê sẽ có sự thông cảm, thấu hiểu và điều chỉnh để có sự hợp lý, đi đường dài. 

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc bộ phận Tư vấn Savills Việt Nam:

 “Những thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho các ngành kinh doanh, dịch vụ là rất đáng kể và chưa thể lượng hóa hết được. Tuy nhiên, việc chủ động ứng phó với các kịch bản cũng như khả năng sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh được khống chế sẽ là cơ hội để ngành giảm bớt thiệt hại trong ngắn hạn.

Về lâu dài khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam và việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng”.

Đọc thêm