Có "thuyền trưởng" mới, đường sắt đặt mục tiêu tăng thị phần vận tải lên trên 4% năm 2020

(PLO) - Hay tin Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) Vũ Anh Minh được điều động làm Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), một số người nói đó là điều thuận bởi trước kia, vị này từng quản cả mảng việc liên quan tới doanh nghiệp của một bộ kinh tế ngành. Nhưng, số khác thì tỏ ra thận trọng: Đường sắt trì trệ và chậm đổi mới quá lâu, ông Minh có đủ sức mang tới đây một “làn gió” mới?
Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa trao Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN cho ông Vũ Anh Minh
Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa trao Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN cho ông Vũ Anh Minh

Mấy thập kỷ trước, tàu Thống Nhất là phương tiện giao thông mơ ước của nhiều người mỗi khi ra Bắc vào Nam, bởi sự an toàn và vận tốc ổn định hơn các phương thức vận tải khác. Thế nhưng, gần đây, đường bộ và hàng không đặc biệt là hàng không giá rẻ… không ngừng tăng trưởng, trong khi đường sắt không chịu làm mới mình nên đành chấp nhận đánh mất thị phần.

Gặp những “sứ giả” của ĐSVN

Giới kinh doanh vận tải nói, hai vấn đề cốt lõi quyết định sự thành bại trong trong lĩnh vực này là: Chất lượng dịch vụ và giá thành sản phẩm. Cả hai vế trên, ĐSVN đều yếu, dù thời gian gần đây ít nhiều có thay đổi chuyển biến, nhưng nhìn chung vẫn chưa đuổi kịp các phương thức vận tải khác. Điều đó được chứng minh rõ ở thị phần mà ngành này đang nắm giữ chỉ vẻn vẹn hơn… 1% trong cơ cấu chung của toàn ngành

Nguyên Vụ trưởng Vũ Anh Minh ngay sau khi ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch dường như nhận thức rõ đó là vấn đề “nóng”, nếu tháo được “nút thắt” này, đường sắt may ra có cơ giành lại hành khách, hàng hoá từ đường bộ và hàng không - những ngành vốn đang tăng trưởng “nóng”, với nhiều giải pháp kinh doanh hiệu quả, sức cạnh tranh cao.

Quan sát 1 tháng sau ngày ông Minh nhậm chức, thấy rằng bên cạnh việc xử lý những công việc nội bộ ngành, một trong những nơi mà tân Chủ tịch ĐSVN chọn để thực tế cơ sở đó là những cuộc làm việc và đối thoại với người lao động tại các Đoàn tiếp viên đường sắt trực thuộc 2 doanh nghiệp vận tải chủ lực của ngành này, vì cho đó là mắt xích quan trọng trong chuỗi vận hành của hệ thống vận tải hành khách.

Hơn nữa, những người mặc đồng phục, đeo phù hiệu… của ngành đứng trên mỗi toa xe còn được xem như những “sứ giả mang hình ảnh ĐSVN đến gần hơn với khách hàng”. Và trên thực tế, nếu những hình ảnh này luôn đẹp, thì chắc chắn người dân sẽ quay trở lại với tàu hoả ngày một nhiều hơn.

“Tuy nhiên, để thay đổi được nếp nghĩ và cung cách phục vụ tồn tại bấy lâu trong họ là vấn đề không phải một sớm, một chiều nhưng vì sự sống còn của doanh nghiệp, thì phải quyết tâm làm. Lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN cho cơ chế và chủ trương, tôi nghĩ vấn đề “nóng” nhất mà tân Chủ tịch đang bắt tay vào tháo gỡ sẽ chuyển biến”, ông Trần Thế Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) - đơn vị chủ quản Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội nói với PLVN. 

Cụ thể, trong cuộc gặp gỡ mới đây với người lao động thuộc Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội - bộ phận trực tiếp làm dịch vụ trên các đoàn tàu khách chạy tuyến Hà Nội - Sài Gòn, Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - Quán Triều, tân Chủ tịch Minh cho biết: “Trong chuyến thị sát đầu tháng 3 vừa qua, trên tuyến đường sắt Thống Nhất, vẫn còn những tồn tại và yêu cầu đơn vị khẩn trương khắc phục, nổi cộm nhất là vấn đề vệ sinh các toa xe…”

Việc này, Tổng Giám đốc Haraco cho rằng: “Rất cần một sự chuyên nghiệp trong các khâu liên quan đến một sản phẩm đầu ra của Đường sắt trên thị trường. Tôi thí dụ, vệ sinh toa xe, trước mình khoán cho anh, em ở Đoàn người ta làm 100.000 đồng/toa chẳng hạn, nhưng chất lượng không tốt, có khi còn “xập xí xập ngầu” vì tất cả đều trong một đơn vị. 

Nhưng tới, khi chúng tôi thuê các đơn làm dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp bên ngoài vào thì chắc chắn sẽ ổn, nhưng giá chắc sẽ cao. Cái này không chỉ cho cơ chế về kinh phí mà cả việc giải quyết lao động dôi dư. Nếu lãnh đạo tổng công ty có chủ trương thì làm được chứ trước mỗi khi tính chuyện cắt giảm hợp đồng lao động là có đơn thư kiện cáo”.

Mục tiêu đến năm 2020, ĐSVN tăng thị phần vận tải lên trên 4%
Mục tiêu đến năm 2020, ĐSVN tăng thị phần vận tải lên trên 4%

Bán hàng trọn gói như hàng không

Ngoài những bước đi đầu tiên nói trên, ông Vũ Anh Minh mới đây tuyên bố ĐSVN sắp tới sẽ tập trung làm mạnh việc tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác. Có nghĩa ngành này sẽ bán vé bằng nhiều phương thức, thay vì chỉ bán vé tàu Hà Nội - Vinh, thì sẽ bán vé Hà Nội tới Cửa Lò để phục vụ nhóm khách hàng đi du lịch bằng đường sắt đến miền Trung hay du lịch từ Hà Nội lên Sa Pa.

“Thực tế, Vietnam Airlines đâu phải có tất cả các đường bay, nhưng họ hợp tác với nhiều hãng bay khác để mở rộng mạng đường bay đến các điểm trên thế giới. ĐSVN chỉ chạy tàu đến Lào Cai nhưng đứng ra liên kết, tổ chức vận tải khách bằng đường bộ đi tiếp chặng từ Lào Cai đến Sa Pa. Làm trọn gói như thế sẽ tiện lợi và tăng sức hấp dẫn đối với khách hàng, còn doanh nghiệp thì cũng có phần lợi nhuận trong đó”, Tổng Giám đốc Haraco Trần Thế Hùng giải thích.

Có thể thấy rằng, với việc chủ động thay đổi phương thức kinh doanh cộng với chủ trương tái cơ cấu ngành Vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần đường sắt, đường biển… mà Bộ GTVT vừa công bố - biết đâu đó là cơ hội để thúc đẩy ngành này tiến về phía trước thời ông Vũ Anh Minh?

Được biết, theo chủ trương tái cơ cấu nói trên thì từ nay đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ sẽ còn 54,4%, đường sắt tăng lên 4,3%; thị phần vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ giảm xuống còn 93,22%, đường sắt nâng lên 3,38%...

Tiếp viên được ví như “sứ giả mang hình ảnh ĐSVN gần với khách hàng” nên nụ cười là điều không thể thiếu trong hành trình hoả xa
Tiếp viên được ví như “sứ giả mang hình ảnh ĐSVN gần với khách hàng” nên nụ cười là điều không thể thiếu trong hành trình hoả xa

Rõ ràng, việc thay đổi ngành Hoả xa để nó khác biệt so với lúc mới ra đời cách nay trăm năm là một mệnh lệnh. Nhưng từ mệnh lệnh đến kết quả thực tiển là cả một khoảng cách không hề nhỏ, mà nhiều khi chỉ với những tuyên bố hay lời nói hạ quyết tâm không thôi vẫn chưa đủ mà phải là sự đồng lòng, quyết liệt thậm chí phải lăn xả vào công việc vì sự đổi mới, tiến lên…

Chúng ta hãy chờ xem, người đứng đầu ngành Hoả xa sẽ kết hợp những yêu tố trên ra sao và sẽ dẫn dắt “đoàn tàu” về đích như thế nào?

Đường quan lộ của tân Chủ tịch ĐSVN như thế nào?

Cuối tháng 2/2017, Bộ GTVT công bố quyết định điều động, bổ nhiệm ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) giữ chức Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Theo Quyết định số 161/QĐ-BGTVT ngày 18/1/2017, ông Minh được  bổ nhiệm giữ chức vụ nói trên kể từ ngày 1/3/2017. Trước đó - năm 2011, ông Minh bắt đầu về công tác tại Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) khi đơn vị này thành lập. Tháng 11/2013, ông Minh được bổ nhiệm giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp. Chỉ một năm sau, ông được thăng chức Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp sau khi vượt qua kỳ thi tuyển vào vị trí này.

Đọc thêm