“Cơn bão” ký gửi cà phê hoành hành Tây Nguyên

(PLO) -Ký gửi cà phê là hình thức giao dịch đơn giản, thuận tiện, có thể giúp người dân bán được sản phẩm với mức giá phù hợp. Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khiến nông dân “tiền mất tật mang”. Khoảng mười năm trở lại đây, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ “vỡ nợ”. 
 Những chủ nợ khóc mếu vì đại lý cà phê tuyên bố vỡ nợ
Những chủ nợ khóc mếu vì đại lý cà phê tuyên bố vỡ nợ

Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ cà phê” của đất nước, nhưng đây cũng là nơi manh nha những “cơn bão vỡ nợ” của hình thức ký gửi cà phê. 

“Bão vỡ nợ”

Theo ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng quản lý Thương mại, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, tính đến nay, trên toàn tỉnh có 203 ngàn héc-ta cây cà phê, trong đó có 192 héc-ta đã cho thu hoạch với sản lượng bình quân 444 ngàn tấn/năm.

Trong vụ mùa 2014-2015, toàn tỉnh xuất khẩu hơn 177 tấn cà phê nhân ra thị trường nước ngoài, giảm 51 ngàn tấn so với vụ mùa 2013-2014. 

Việc các chủ đại lý nhận ký gửi cà phê của bà con rồi tuyên bố vỡ nợ không còn xa lạ. Liên tiếp hai vụ trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua một lần nữa làm rúng động dư luận. Còn trước đó, từ những năm 2000, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra hàng loạt vụ việc tương tự khiến hàng trăm hộ dân phải trắng tay. 

Điển hình, từ năm 2007-2010, trên địa bàn các xã Ea H’Dinh, Cư Dliê M’Nông, Ea Kpam và thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk có năm doanh nghiệp, cơ sở thu mua cà phê tuyên bố vỡ nợ. Theo thống kê sơ bộ, cả năm đại lý này đã nhận ký gửi hơn 500 tấn cà phê nhân của 314 hộ dân. 

“Cơn bão vỡ nợ” tiếp tục lan rộng trên nhiều huyện khác như Ea H’Leo, Krông Pắk, thị xã Buôn Hồ... Tính đến cuối năm 2012, trên toàn tỉnh Đắk Lắk có 43 cơ sở, doanh nghiệp nhận ký gửi cà phê tuyên bố vỡ nợ với khoảng 300 tỷ đồng và 300 tấn cà phê nhân. Tiếp đó, vấn nạn này lan rộng sang địa bàn tỉnh Đắk Nông và toàn bộ khu vực Tây Nguyên. 

Đại lý cà phê đóng cửa sau tuyên bố vỡ nợ.
 Đại lý cà phê đóng cửa sau tuyên bố vỡ nợ.

Nhìn chung, khi các chủ đại lý nhận ký gửi nông sản tuyên bố vỡ nợ, những người nông dân phải “thiệt đơn thiệt kép” vì không đòi lại được tài sản. Trước khi tuyên bố vỡ nợ, hầu hết các chủ đại lý đều tìm cách để cho, tặng và chuyển quyền sử dụng những tài sản có giá trị như nhà, đất…cho người thân. Bởi vậy, khi đến đòi nợ, xiết nợ, bà con chẳng còn gì để lấy ngoài những đồ dùng lặt vặt của con nợ. 

Rủi ro từ khi ký gửi

Để có câu trả lời khách quan, XLPL đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Lắk. Theo ông Tư, việc nông dân ký gửi cà phê đến các đại lý, cơ sơ kinh doanh đã manh nha từ rất lâu. Thông thường, đó là những hộ có diện tích, sản lượng lớn, chưa có nhu cầu bán ngay, không có chỗ để sản phẩm, không bảo quản được sản phẩm. 

Các hộ dân thường có quan hệ thường xuyên với chủ đại lý về mặt tài chính và tình cảm. Hình thức giao dịch này giúp bà con đỡ tốn công sức, tiện lợi, nhanh gọn. Ngoài ra, bà con cũng có thể ứng dần tiền và đến thời điểm cà phê được giá thì bán luôn. Tuy nhiên, việc ký gửi cà phê luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh “dở khóc dở mếu”. 

Khi đến ký gửi cà phê, người dân và chủ đại lý thường làm giấy tờ rất sơ sài. Hầu như đó chỉ là tờ “giấy biên nhận” giữa hai bên, không có người làm chứng, cũng không có giá trị thuyết phục về mặt pháp lý. Đây chính là “lỗ hổng” khiến các chủ đại lý dễ dàng lách luật khi tuyên bố vỡ nợ. 

Trên thực tế, đa số các vụ vỡ nợ đều được cơ quan có thẩm quyền quy định là “tranh chấp dân sự”, và không bị xử lý hình sự dù có các yếu tố của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như có tài sản nhưng không chịu trả, cố tình tẩu tán tài sản…

Ông Tư chia sẻ: “Có thể nhiều đại lý, cơ sở làm ăn thua lỗ thật. Tuy nhiên, đó cũng có thể là “mưu mô” mà một số chủ đại lý bày ra nhằm trục lợi, chiếm đoạt tài sản của người dân. Khi tiến hành giao dịch, bà con chỉ viết giấy tay, ký gửi sản phẩm nhưng không có mức giá, không ấn định ngày bán cụ thể nên khi có hậu quả xấu, việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn”. 

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Đức Huy, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV XNK cà phê 2-9 Đắk Lắk cho rằng, quan hệ ký gửi của người dân và nhận gửi cà phê của chủ đại lý đều tiềm ẩn rủi ro cho cả hai bên.

Thông thường, khi ký gửi cà phê, người dân có thể ứng tiền từ chủ đại lý hoặc bán dần số cà phê theo từng đợt được giá. “Khi nhu cầu chi tiêu vượt quá giá trị sản lượng ký gửi, bà con sẽ tìm đến những đại lý quen thuộc để vay mượn và hứa hẹn sẽ trả vào vụ màu sau. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp mùa màng thất bát hoặc nhiều lý do khác khiến bà con không đủ nông sản để trả nợ. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến các chủ đại lý vỡ nợ”. 

Nạn nhân trắng tay

Khi tìm về huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, nơi trước đây từng xảy ra hàng loạt vụ vỡ nợ của đại lý thu mua cà phê, XLPL đã ghi nhận một thực tế rất đau lòng. 

Vụ việc đại lý Quang Trâm tuyên bố vỡ nợ, “quỵt” hàng chục tấn cà phê nhân của bà con đã trôi qua hơn 5 năm nhưng những người dân nơi xã nghèo Ea H’Đing vẫn chẳng đòi lại được một đồng bạc nào, “con nợ” là vợ chồng chủ đại lý trên đã cao chạy xa bay.

“Sau khi xảy ra vụ việc, tôi nghe nói hai vợ chồng trên đã qua địa bàn tỉnh Gia Lai sinh sống. Nhiều hộ dân trong xã “tiền mất tật mang” vì đã đặt niềm tin nhầm chỗ””, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch xã Ea H’Đing cho biết. 

Tại xã Cư Dliê M’Nông, ông Phạm Trung Kiên (48 tuổi, thôn Tân Thành) vẫn chưa hết bức xúc vì bị đại lý Nga - Sơn trên địa bàn cho “ăn quả đắng”. Theo đó, vào năm 2007, ông Kiên mua lại mảnh rẫy có diện tích 2,5ha của vợ chồng Nga - Sơn với giá 450 triệu. Tin tưởng là người làng, ông Kiên chỉ viết giấy mua bán (bằng tay), để làm tin chứ không đến cơ quan có thẩm quyền xác nhận. 

Thế rồi chỉ vài tháng sau, vợ chồng người này tuyên bố vỡ nợ. Mảnh rẫy ông Kiên mua đương nhiên không được chấp nhận và bị cơ quan thi hành án kê biên, bán đấu giá. Vừa mất tiền, vừa mất đất, mất luôn hơn hai tấn cà phê ký gửi, vợ chồng ông Kiên phải còng lưng trả nợ suốt mấy năm qua. 

Ông Kiên buồn rầu: “Từ khi vỡ nợ, vợ chồng Nga - Sơn bỏ đi biệt tích. Không những tôi mà hàng trăm hộ khác trong xã này cũng bị quỵt tiền, phải ngậm đắng nuốt cay. “Cạch tới già”, tôi không bao giờ dám ký gửi cà phê cho bất kỳ đại lý nào nữa”. 

Bị hài nhất là trường hợp của ông Lê Quang Sinh (54 tuổi, ngụ thôn 2). Khi đại lý Nga Sơn tuyên bố vỡ nợ, ông Sinh đang đương chức Trưởng công an xã Cư Dliê M’Nông. Dù là người có uy tín trong xã nhưng khi bị “xù” 18 tấn cà phê nhân, ông Sinh cũng chỉ biết “kêu trời” vì đã trót tin nhầm người. 

Ông Sinh kể: “Năm đó gia đình tôi thu hoạch được nhiều cà phê, tính đem gửi rồi khi được giá sẽ bán. Ai ngờ, đùng một cái bà Nga tuyên bố vỡ nợ, tôi cũng chỉ biết trách bản thân chứ không làm gì được. Từ ngày đó đến nay đã gần mười năm nhưng vợ chồng họ không trả cho bà con nơi đây cắc bạc nào”. 

Cũng theo ông Sinh, từ sau khi đại lý trên  “xù” nợ, người dân trên địa bàn xã đều tự xây kho để tích trữ cà phê, không ai dám đem ký gửi như trước nữa. “Người nông dân một nắng hai sương, làm quần quật cả năm mới có được hạt cà phê. Thế nhưng, chúng tôi đã sai lầm quá nhiều khi ôm cả gia tài đi giao cho người khác giữ. Giờ phải bỏ ra vài chục triệu mới xây được cái kho cất cà phê nhưng mình giữ của mình tôi thấy rất yên tâm”, ông Sinh trao đổi thêm. 

Tâm lý người gửi cà phê

Theo vị Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk, trước đây trên địa bàn tỉnh có Trung tâm giao dịch cà phê Đắk Lắk là nơi đáng tin cậy. Trung tâm này liên kết với một số ngân hàng uy tín, sẵn sàng hỗ trợ đầu ra, đầu vào cho bà con nông dân.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau như khoảng cách xa xôi, thủ tục rắc rối… khiến người dân không mặn mà đem sản phẩm tới đây giao dịch. Mới đây, trung tâm này được đổi tên thành Sở giao dịch cà phê Đắk Lắk và đang trong quá trình chuyển đổi mô hình nên tạm thời ngừng giao dịch. 

Về cách nhìn của mình, ông Lê Đức Huy - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV XNK cà phê 2-9 cho biết, khoảng cách từ người nông dân đến các công ty xuất nhập khẩu cà phê là cả một khâu trung gian “rộng lớn”. Khâu trung gian đó bao gồm cả địa lý và cả tâm lý. 

Về mặt địa lý, đa phần cây cà phê được trồng ở những nơi xa xôi, đường sá đi lại khó khăn. Hơn thế, các hộ dân thường thu hoạch theo kiểu nhỏ lẻ, không đồng loạt. Chính điều này khiến các công ty gặp rào cản khi muốn trực tiếp thu mua sản phẩm từ người dân. 

Về mặt tâm lý, khi ký gửi cà phê cho các đại lý ở địa phương, bà con sẽ rất tiện trong việc ứng tiền, giảm thời gian và chi phí đi lại. 

Ông Huy trao đổi: “Chỉ cần một tờ giấy, vài dòng chữ là người dân có thể cầm vài triệu từ tay chủ đại lý ra về. Thế nhưng, khi lên công ty ứng vài triệu, bà con sẽ rất ngại vì số tiền nhỏ, lại phải đi xa, thủ tục rắc rối. Nhìn chung, ký gửi cà phê ở đâu cũng có những ưu nhược điểm. Tuy nhiên, nếu nói về mặt pháp lý thì khi gửi cà phê ở các công ty lớn, quyền lợi của bà con sẽ được bảo đảm”.

Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai, hiện tượng chủ doanh nghiệp nhận ký gửi cà phê, vay mượn cà phê rồi tuyên bố phá sản, coi như “huề cả làng”, không thể xử lý hình sự được, đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Một số trường hợp do kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán là có thật.

Tuy nhiên, không ít trường hợp có sự tính toán từ trước, cố tình dùng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt số tài sản người khác ký gửi, nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn không xử lý hình sự được.

Theo quy định của pháp luật, hành vi vay mượn, ký gửi tài sản hợp pháp rồi dùng thủ đoạn để chiếm đoạt hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp hoặc có tài sản nhưng không chịu trả, tìm cách để chuyển hóa tài sản dưới mọi hình thức, được xem có dấu hiệu tội phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 175 BLHS.

Để có thể vạch trần được hành vi phạm tội của các đối tượng dùng thủ đoạn rất tinh vi, đòi hỏi cơ quan điều tra phải thật sắc sảo, quyết liệt. Ví dụ, một chủ doanh nghiệp đã thua lỗ, mất khả năng chi trả nhưng vẫn cố tình tiếp tục vay mượn, nhận ký gửi tài sản dù biết chắc không thể trả được khoản nợ này, là hành vi có dấu hiệu lừa đảo, có ý thức chiếm đoạt tài sản từ trước.

Bên cạnh đó, việc vay mượn, cho ký gửi tài sản hợp pháp nhưng không trả lại trong nhiều trường hợp vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự ở tội “Sử dụng tài sản ký gửi khi chưa được sự đồng ý của người ký gửi ” theo điều 175 BLHS.

Đọc thêm