Còn “căn cứ địa” trong cung ứng dịch vụ công ích

(PLO) - Hôm qua (5/1), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền tổ chức Hội thảo “Cơ chế chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị ở Việt  Nam”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thị trường tiềm năng chưa dành cho tất cả

Thông tin về việc cung ứng dịch vụ công tại 5 TP lớn trực thuộc T.Ư, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chất lượng dịch vụ công quyết định hiệu quả, số lượng và tính bền vững của hoạt động đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.

Khảo sát về tỷ lệ ảnh hưởng của yếu tố đến việc quyết định đầu tư vào các đô thị lớn cho thấy, yếu tố cơ sở hạ tầng chiếm tỷ lệ tương đối cao (như tại Đà Nẵng là 55%, Cần Thơ 42%, TP HCM 41%, Hải Phòng 35%, Hà Nội 29%).

Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM nhận định, quy mô thị trường của dịch vụ công tại các đô thị là rất lớn và có xu hướng tăng nhanh. Nhưng dù có Nghị định 130/2013/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, “căn cứ địa” cho cung ứng dịch vụ công vẫn mới dành cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc các DN có nguồn gốc là các DNNN đã cổ phần hóa, chứ chưa “mở cửa” thực sự cho các DN ngoài nhà nước thông qua phương thức đấu thầu. Vì theo Nghị định 130/2013/NĐ-CP, việc sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng giao kế hoạch, đấu thầu theo giá hoặc phí do nhà nước quy định. 

Từ thực tiễn tham gia cung ứng dịch vụ công với chuyên môn là vận hành hệ thống xử lý nước thải ở Hà Nội, Bắc Ninh, Nha Trang, Bình Định…, ông Lê Thanh – Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền nhận thấy, chính quy định như vậy đã “gây khó khăn cho DN tham gia cung ứng dịch vụ công ích vì các cơ quan nhà nước luôn có lý do để không thực hiện đấu thầu dịch vụ công ích”.

Nên sau 3 năm thực hiện Nghị định, tỷ lệ đấu thầu không đáng kể, thậm chí ở nhiều địa phương không có đấu thầu trong cung ứng dịch vụ công. Do đó, theo Viện trưởng CIEM, “đây là điểm cần đổi mới để việc cung ứng dịch vụ công mang yếu tố thị trường nhiều hơn, để người tiêu dùng được hưởng lợi”.

Chỉ ra “cái khó” của việc thực hiện đấu thầu dịch vụ công, ông Vũ Thừa Ân (Bộ KH&ĐT) cho rằng, chưa có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư khiến đầu thầu chưa được phổ biến. Cùng với đó, ngay cả việc “đặt hàng” cung ứng dịch vụ công cũng chưa thể rõ ràng vì chưa có định mức kinh tế kỹ thuật.

“Bài học từ chi phí cắt cỏ của TP Hà Nội do chưa có định mức kinh tế kỹ thuật nên không thể đánh giá đầy đủ, gây dư luận” - đại diện Bộ KH&ĐT dẫn ví dụ. Ngoài ra, trong cung ứng dịch vụ công mới có hợp đồng giao chứ không phải hợp đồng dịch vụ nên khi có hậu quả rất khó xử lý như trong hợp đồng cấp nước sông Đà, dù đường ống vỡ nhiều lần nhưng khó có thể đặt vấn đề đền bù cho dân…

Hạn chế đặt hàng để “mở cửa” cho DN

Đề xuất về sửa đổi Nghị định 130/2013/NĐ-CP, đại diện DN cho rằng cần làm rõ định nghĩa thế nào là “sản phẩm, dịch vụ công ích”? và chỉ nên quy định cụ thể những trường hợp nào được áp dụng phương thức đặt hàng hoặc giao kế hoạch. Còn tất cả các trường hợp còn lại đương nhiên phải thực hiện đấu thầu để đảm bảo nguyên tắc tối thiểu “thu bù chi” cho dù đơn vị đó thuộc loại hình DN nào tham gia cung ứng dịch vụ công ích và giúp tiết kiệm ngân sách. 

Điều này có thể thấy qua việc đấu thầu công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP HCM có nhiều hiệu quả. Như quận Bình Tân, tổng giá trị hợp đồng so với giá trị gói thầu giảm 48% (của 2 lần đấu thầu); tại Tân Phú, tổng giá trị hợp đồng so với giá trị gói thầu giảm 11% (của 3 lần đấu thầu).

Đồng thời, Công ty Phú Điền cũng đề nghị khuyến khích áp dụng các hình thức hợp đồng với giá hợp đồng và phương thức nghiệm thu theo nguyên tắc Nhà nước quản lý đơn giá, chất lượng của sản phẩm – dịch vụ cuối cùng. Nhưng để các DN ngoài nhà nước có cơ hội tham gia khai thác được thị trường dịch vụ công, quan trọng nhất là thay đổi được tư duy để thay đổi cách thức quản lý lĩnh vực này.

TS.Nguyễn Đình Cung gợi ý, cần thay đổi từ quản lý “đầu vào” theo cơ chế hành chính sang quản lý “đầu ra” theo cơ chế kinh tế thị trường để tạo dư địa cho các DN đổi mới, sáng tạo, tăng lợi nhuận và nâng cao sức cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ công. Theo ông Cung, dù thay đổi này không dễ dàng nhưng đó là lực cản nên cần phải làm. 

Tổng chi phí dịch vụ công ích năm 2016 của Hà Nội là 4.529 tỷ đồng (năm 2014 là 2.950 tỷ đồng), Đà Nẵng là 457 tỷ đồng (năm 2014 là 313 tỷ đồng), Bắc Ninh là 143 tỷ đồng (năm 2014 là 118 tỷ đồng). 

Đọc thêm