Công khai phải minh bạch

(PLO) - Một nguyên Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy tại Ninh Thuận bị bắt giam vì lợi dụng chức quyền lừa đảo để chiếm đoạt tiền trong một vụ khiếu nại đất đai và chạy việc làm. Một Trưởng phòng Văn hóa của Hải Phòng cũng lợi dụng chức vụ của mình lừa đảo trong việc nhận tiền để chạy biên chế rồi trốn mất tích.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Hai trường hợp dẫn ra trên đây chỉ là dẫn chứng cho hiện tượng lợi dụng chức vụ để lừa đảo người dân trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện và rất phổ biến là việc “chạy biên chế”. Rất đáng lưu ý là các việc giải quyết khiếu kiện hoặc chỉ tiêu biên chế, tuyển viên chức, công chức đều có những quy định, trình tự rõ ràng, công khai để mọi người được biết, thế mà chuyện lừa đảo trong lĩnh vực này xảy ra khá phổ biến.

Lý giải điều này, nguyên nhân của nó đơn giản là công khai đấy nhưng thiếu minh bạch. Ví dụ, chuyện thi tuyển công chức rất công khai từ chỉ tiêu đến tiêu chuẩn nhưng lại thiếu minh bạch trong quá trình thi tuyển, mập mờ trong cách chấm, đánh giá, thậm chí còn thay đổi, đánh tráo kết quả nên người ta vẫn phải “chạy”, tạo cơ hội, đất sống cho bọn lừa đảo có chức, có quyền.

Gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ cháy ở các tụ điểm karaoke buộc các nhà quản lý phải siết chặt hoạt động này. Ở những cơ sở xảy ra tai nạn, đều thấy các nhà chức trách đã thực hiện đúng chức năng của mình. Đó là sự công khai nhưng chưa minh bạch ở chỗ tại sao kiểm tra phát hiện những sai sót, chưa đủ điều kiện, chưa có giấy phép, buộc chủ cơ sở phải ngừng hoạt động nhưng các cơ sở này vẫn ngang nhiên mở cửa đón khách cho đến khi tai họa xảy ra. Tương tự, nhà xây không phép hoặc trái phép vẫn bị công khai kiểm tra, đình chỉ nhưng vẫn được tiến hành xây dựng, có gì khuất tất ở đây?

Việc mượn và cho mượn xe công diễn ra không cần giấu diếm, cơ quan sử dụng các xe này vẫn công khai đi lại và có những giải thích “hợp lý” cho chuyện mượn xe này. Thế nhưng, xe đó ở đâu, nguồn gốc ra sao, có được tùy tiện cho mượn và sử dụng như thế không thì chẳng được làm rõ. Thiếu minh bạch là ở chỗ đó!

Rất nhiều việc khác diễn ra một cách công khai như đấu thầu, chỉ định thầu... nhưng khi thi công những công trình từ nhỏ như làm một con mương đến lớn như xây dựng một tuyến đường đô thị thì diễn ra hết sức bí mật, người dân cũng như báo chí chẳng thể tiếp cận được, nói gì đến việc giám sát nữa. 

Ai cũng biết, thiếu minh bạch là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng sinh sôi và cả cho các hành vi phạm pháp như lừa đảo nữa. Vậy, các việc lớn, nhỏ đều cần minh bạch, đặc biệt, khi những việc khuất tất bị dư luận hay truyền thông phanh phui thì cần đến một sự làm rõ, tức minh bạch hóa vấn đề. Đó không chỉ là động thái trấn an dư luận mà còn góp phần đảm bảo trật tự xã hội, tạo dựng niềm tin và tránh được việc thông tin bị lợi dụng, xuyên tạc, bóp méo theo chiều hướng xấu.

Đọc thêm