Công lý phải được thực thi

(PLO) - Hơn hai mươi năm trước, khách sạn Hữu Nghị được nhiều người biết đến như là một điểm sáng của du lịch Thủ đô. Rồi những năm đầu thế kỷ này, không cạnh tranh nổi với thị trường khách sạn này dần dần để mất vị thế vốn có của mình. Khách sạn được cổ phần hóa trở thành Công ty Cổ phần Hữu Nghị, một số cổ đông ngán ngẩm với sự thua lỗ, bán đi cổ phần của mình.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Song, dưới bàn tay chèo lái của những người lãnh đạo mới, Công ty lại ăn nên làm ra và các cổ đông cũ đã làm một cuộc “đảo chính” gây ra sự tranh chấp trong nội bộ Công ty. Chính quyền thành phố đã kịp can thiệp bằng những mệnh lệnh hành chính để ủng hộ Hội đồng quản trị mới, sau đó, xảy ra vụ án “tranh chấp con dấu” do Công an khởi tố năm 2005. Vụ án này đã bỏ lửng từ năm đó vì chẳng tìm được ai là thủ phạm và bị hại, cùng với sự bỏ lửng này thân phận, quyền lợi của một số cổ đông cũng bị bỏ lửng theo.

Hơn 10 năm trời khiếu nại, đề nghị, đòi hỏi nhưng tất cả các nỗ lực đó không thu lại kết quả gì vì nhà chức trách giữ một thái độ im lặng khó hiểu. Hai lần Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét lại vụ án, đại biểu Quốc hội lên tiếng, báo chí vào cuộc tìm hiểu và phanh phui sự thật,... nhưng tất cả chìm vào vô vọng.

Câu chuyện này phản ảnh rất rõ nét bức tranh quản lý xã hội của chúng ta với những “bước đi” điển hình: Một quan hệ dân sự đơn thuần bị hành chính hóa, rồi bị hình sự hóa, rồi treo đó, một biểu tượng của tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, chỉ đạo từ Chính phủ cũng bị phớt lờ.

Hai lần chỉ đạo đó đều của ông Nguyễn Xuân Phúc, lúc đó giữ chức Phó Thủ tướng. Mới đây nhất, người kế nhiệm cương vị ông là Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo xem xét và giải quyết dứt điểm vụ việc này. Liệu các cơ quan chức năng ở Hà Nội có nghe không thì chưa biết, song có thể tin tưởng rằng chuyện này sẽ không còn chìm trong bóng tối, khi người ta đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm!

Đọc thêm