Công nghiệp ô tô có còn hy vọng?

(PLO) - Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cảnh báo, nếu không có biện pháp sớm cho giai đoạn 2014 - 2018 thì việc cắt giảm thuế ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN xuống còn 0% vào năm 2018 sẽ đe dọa ngành công nghiệp ô tô non trẻ ... 
Ngành công nghiệp ô tô dù đã đi được một chặng đường khá dài (20 năm) nhưng kết quả đạt được thì vô cùng khiêm tốn, chỉ được ở mức... công nghiệp lắp ráp.  Chiếu vào các chỉ tiêu ghi tại Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn năm 2020 được phê duyệt từ năm 2004 nhiều chỉ tiêu đều không đạt được. Ngành sản xuất ô tô trong nước mới dừng ở mức độ lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hóa đạt thấp, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010 đối với loại xe thông dụng (xe tải, xe khách, xe con) nhưng đến nay chủ yếu mới đạt bình quân khoảng 10% đối với xe con  và 35% đối với xe tải nhẹ so với mục tiêu 60%.
Tính đến nay, đã có 18 DN FDI và 38 DN 100% vốn trong nước tham gia sản xuất, lắp ráp ôtô với năng lực khoảng 460.000 xe/năm, gồm đầy đủ các chủng loại: Xe con (200.000 xe/năm), xe tải (215.000 xe/năm)..., cho dù “đủ mặt anh tài” ngành ô tô đã có mặt tại Việt Nam như Toyota, Ford, Nissan, Mercedes... 
Số liệu của EuroCham cho thấy, năm 2013 sau khi Chính phủ có Nghị quyết giảm phí trước bạ xuống còn 10% tổng giá trị xe đăng ký lần đầu và 2% đối với xe đăng ký lại, thị trường ô tô hồi phục đáng kể, nhưng năm nay “kịch bản tốt nhất” cũng chỉ có lượng tiêu thụ bằng mức của năm 2007 (110.000 xe con và xe tải nhập nguyên chiếc và lắp ráp). 
Còn từ nay đến 4 năm nữa, ngành lắp ráp ô tô trong nước có khả năng chỉ đạt tăng trưởng 3%/năm do phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh ngày càng khốc liệt với dòng xe nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN và các nước là thành viên của Hiệp định hợp tác kinh tế như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. 
EuroCham cảnh báo, nếu không có biện pháp sớm cho giai đoạn 2014 - 2018 thì việc cắt giảm thuế này đe dọa ngành Công nghiệp ô tô trong nước còn non trẻ, khiến cho ngành này khó cạnh tranh kể cả về giá cả và chất lượng sản phẩm so với các sản phẩm nhập khẩu. Minh chứng, từ năm 2012, khi Việt Nam giảm thuế cho ô tô bán tải có xuất xứ từ khối ASEAN xuống còn 15%, tất cả các nhà lắp ráp dòng xe này trong nước đã dừng hoạt động trong thời gian dài và chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan. 
Ông Michael Behrens, đại diện Nhóm các doanh nghiệp ôtô Châu Âu tại Việt Nam khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam nên thiết lập một lộ trình thuế ổn định và chính sách phát triển ngành rõ ràng trong dài hạn để phát triển một ngành công nghiệp ô tô bền vững cho thị trường ô tô lắp ráp trong nước cũng như thị trường kinh doanh ô tô nhập nguyên chiếc. Ngành công nghiệp ô tô trong nước tạo 53.000 việc làm cho người lao động nhưng người tiêu dùng Việt vẫn còn e ngại sản phẩm trong nước. 
Để giúp các nhà lắp ráp trong nước phát triển, thậm chí là tồn tại, nên hỗ trợ để sản xuất các loại ô tô có tỷ lệ nội địa hóa 40% - đủ điều kiện hưởng chính sách thuế có lợi trong khối ASEAN. Các sản phẩm này nên được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn 2014 - 2018 để cho ngành lắp ráp có thời gian định hình, cơ cấu và củng cố vị thế trên thị trường.

Đọc thêm