Công tác phòng chống buôn lậu: Nhiều thách thức, thủ đoạn ở vùng biên

(PLVN) - Công tác phòng chống buôn lậu, hàng gian lận thương mại tại các cửa khẩu, vùng biên đang được triển khai tích cực, đặc biệt sau khi có công tác phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường (QLTT) và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong công tác kiểm soát các hoạt động này. 
Các đối tượng đầu nậu thường gắn trách nhiệm bồi thường hàng lậu cho người mang vác thuê nên công tác phòng chống buôn lậu, hàng gian lận thương mại tại vùng biên, cửa khẩu trở nên khó khăn hơn
Các đối tượng đầu nậu thường gắn trách nhiệm bồi thường hàng lậu cho người mang vác thuê nên công tác phòng chống buôn lậu, hàng gian lận thương mại tại vùng biên, cửa khẩu trở nên khó khăn hơn

Vẫn diễn biến phức tạp

Theo báo cáo mới nhất, sau 1 năm triển khai phối hợp thực hiện, 2 bên đã thu giữ, xử lý hàng hóa vi phạm với số lượng lớn, các mặt hàng nổi cộm như 21.360 bao thuốc lá ngoại, 32.000 kg thuốc lá nhập lậu, 253 kg pháo, 5.850 kg đường các loại, 102.111 lít dầu DO, 3.044 lít xăng, 978 tấn than và hơn 30 m3 gỗ. Số tiền thu nộp ngân sách lên đến gần 14 tỷ đồng. 

Ngoài ra, với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, 2 bên đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng bố trí lực lượng, điều kiện trang thiết bị cần thiết tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn, tuyến đường trọng điểm về buôn lậu tại khu vực biên giới, vùng ven biển tạo sức mạnh tổng hợp góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), ở tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, đáng chú ý là ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, đồ điện tử gia dụng, hàng tiêu dùng, máy móc, phế liệu, gia cầm... Trọng điểm là địa bàn các cửa khẩu, lối mở, đường mòn qua biên giới các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang. Bên cạnh đó, hàng hóa xuất lậu như than, quặng các loại, gỗ, động vật hoang dã và các loại hàng nông thuỷ sản cũng diễn biến khó kiểm soát. 

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm như ma túy, vũ khí, vật liệu nổ gia tăng và diễn biến phức tạp tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi. Hoạt động buôn lậu rượu ngoại, thuốc lá, hàng điện tử, điện lạnh, động vật hoang dã tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị... Tình trạng buôn lậu, khai thác, vận chuyển trái phép gỗ tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum cũng là vấn đề nổi cộm thời gian qua.

Hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá ngoại, đường cát trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, manh động. Đáng chú ý, gần đây tình trạng vận chuyển phế liệu, rác thải từ Campuchia vào Việt Nam với số lượng lớn đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ. Đặc biệt, tình trạng buôn lậu, khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản diễn biến phức tạp trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước. 

Thủ đoạn tinh vi, khó lường hơn ở khu vực biên giới biển

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, về phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu tại các tuyến biên giới đường bộ nhìn chung không có nhiều thay đổi, các đối tượng chỉ thay đổi thời gian, địa điểm và cách thức giao - nhận hàng. Hàng lậu được tập kết sát biên giới, sau đó sử dụng các xe môtô, ghe, xuồng máy có tốc độ cao hoặc thuê nhiều người đai vác lén lút vận chuyển qua biên giới theo các đường mòn, kênh rạch.

Sau khi qua biên giới hàng lậu sẽ nhanh chóng chuyển lên các xe môtô, ghe, tàu đang chờ sẵn để tiếp tục vận chuyển vào nội địa tiêu thụ hoặc chia nhỏ tập kết tại các nơi vắng vẻ để bàn giao cho các đối tượng tuyến sau vận chuyển.

Để đối phó với các lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu cử người theo dõi, giám sát trong suốt quá trình hoạt động để báo tin cho nhau, thường xuyên thay đổi địa điểm, phương tiện giao nhận hàng, sử dụng các hóa đơn quay vòng và các bộ hồ sơ bán hàng phát mãi...

Đặc biệt, trong quá trình tổ chức hoạt động, các đối tượng đầu nậu gắn trách nhiệm bồi thường hàng lậu đối với người đai vác, vận chuyển khi bị bắt. Vì vậy, các lực lượng chức năng chống buôn lậu thường gặp phải sự chống đối từ các đối tượng đai vác, vận chuyển trong các cuộc kiểm tra, thu giữ.

Riêng tuyến biên giới biển, hoạt động buôn lậu xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát do có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Theo đại diện Tổng cục QLTT, địa bàn trọng điểm ở tuyến này vẫn là khu vực cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP HCM, Đồng Nai; vùng biển Đông Bắc, Miền Trung và Tây Nam bộ.  

Thủ đoạn được dùng thường xuyên như hợp thức hóa bằng các bộ hồ sơ mua bán quay vòng nhiều lần, chứng từ vận chuyển nội địa. Tuy nhiên, hiện xuất hiện nhiều hình thức tinh vi hơn như cải hoán tàu đánh bắt thủy sản thành tàu chở dầu, nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Đáng chú ý, tình trạng cất giấu hàng cấm, hàng có giá trị, thuế suất cao, xen lẫn trong các lô hàng phế liệu vẫn xảy ra tại các cảng biển quốc tế như cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, cảng Cát Lái, TP HCM.

Đọc thêm