Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online

(PLVN) -Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn.
Hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân. (Hình minh họa).
Hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân. (Hình minh họa).

Đi sau, song tốc độ phát triển nhanh

Tại diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam - Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online”, diễn ra vào sáng nay -20/8, Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu cạnh tranh, cho biết, tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. 

Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn.

Việt Nam vẫn là quốc gia phát triển sau về chuỗi cửa hàng tiện lợi nhưng lại có tốc độ phát triển rất nhanh. Theo số liệu thống kê, tăng trưởng giá trị của cửa hàng tiện lợi, cửa hàng mini là 27% trong khi Hàn Quốc và Philippines là 14%, Thái Lan và Malaysia là 5%... Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh với 80% đã từng mua hàng online. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, IT và mỹ phẩm. Theo khảo sát mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2019: mua sắm quần áo: 24%, hàng cá nhân: 21%, hàng điện tử: 18%, vé máy bay, xem phim: 17%, nội dung online: 19%, …

Hiện nay, người tiêu dùng và đặc biệt là giới trẻ, đã gắn chặt với các thiết bị di động, mạng xã hội và đặc biệt thích nghi với việc mua hàng trực tuyến (với hơn 50% dân số).

Theo nhận định của Nielsen, đến năm 2020, 55% dân số Việt Nam hoàn toàn có khả năng truy cập internet. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các Doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.

Theo ông Võ Trí Thành: “Trong bối cảnh hiện nay, Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online. Đối với các doanh nghiệp, đây là câu chuyện chuyển đổi dịch vụ với khách hàng, là cách thức sống còn trong giai đoạn này”.

Cũng theo ông Thành, Chính phủ đang chuẩn bị xây dựng chính sách hỗ trợ với gói kích thích kinh tế lần thứ 2, theo đó sẽ tập trung lớn vào tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Cách thức ở đây là giải pháp hỗ trợ nhóm bị thiệt hại nặng, nhóm yếu thế, làm sao kích thích tiêu dùng tầng lớp trung lưu. Vì vậy, xu hướng tiêu dùng online, thanh toán trực tuyến sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Đại diện phía doanh nghiệp công nghệ, ông Ôn Như Bình, Giám đốc kinh doanh chiến lược VNPAY cho biết, hiện có rất nhiều ngành nghề ứng dụng thanh toán không tiền mặt.

Cụ thể là hành chính công; bán lẻ; điện máy, gia dụng, điện thoại; thời trang; nhà hàng, quán ăn; bệnh viện, nhà thuốc; dịch vụ du lịch; giao thông; bất động sản…

Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này, ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại cấp cao, đại diện Tiki miền Bắc cho biết, sàn thương mại điện tử là lĩnh vực khuyến khích để chuyển đổi số, có tốc độ tăng nhanh, nhưng thanh toán không dùng tiền mặt hiện lại diễn ra chậm.

“Một tháng khoảng từ 4,5-5 triệu đơn hàng thì số thanh toán online chỉ khoảng từ 40-60% là tiền mặt. Điều đó cho thấy, sự lệch pha rất lớn giữa thanh toán online và thương mại điện tử”- ông Quyền nói.

Nguyên nhân đưa ra là do người tiêu dùng chưa tin tưởng với giao dịch điện tử.

Cần chế tài cụ thể, đồng bộ

Để người mua hàng sẵn sàng cho việc thanh toán online, không dùng tiền mặt, theo ông Quyền, cần kiên quyết kiểm tra, xử lý những sàn thương mại điện tử bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc.

Cùng đó có chế tài và biện pháp mạnh mẽ để tạo niềm tin cho người mua sắm và thanh toán online. Các ngân hàng, cổng thanh toán và nhà mạng cần tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online; đồng thời, tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

Bên cạnh đó, cần tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng, bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường và tiếp cận dịch vụ đối với các chủ thể có chức năng tương tự như nhau; hình thành cơ chế bảo vệ khách hàng hữu hiệu và bảo đảm quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả.

Ngoài ra, cần thay đổi thói quen và nhận thức tiêu dùng của người dân. Muốn phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Cũng như có các biện pháp để bảo mật thông tin dữ liệu của người dùng, tránh trường hợp gian lận tài khoản thẻ và thẻ giả…

Đọc thêm