Cuộc chiến đường phố và cuộc chiến tại tòa của Vinasun và Grab: Ai được, ai mất?

(PLO) -Cuộc chiến tại tòa giữa Vinasun và Grab sẽ phân tháng bại vào ngày 29/10 tới đây nhưng có lẽ cuộc đối đầu này chưa có hồi kết, bởi hàng triệu người liên quan chưa lên tiếng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuộc chiến đường phố giữa Vinasun và Grab chỉ là cách nói tượng trưng vì thực tế, trên đường phố còn có nhiều hãng taxi truyền thống khác đối đầu với Uber và Grab trong cuộc chiến giành thị phần dịch vụ vận chuyển. Với lợi thế tuyệt đối về công nghệ và lợi thế về giá rẻ, Uber và Grab đã khiến cho các hãng taxi truyền thống lao đao. Vậy là, trên đường phố, Vinasun, Mai Linh và nhiều hãng taxi khác đã thua đau.

Không chỉ thua trước mắt, các hãng taxi truyền thống còn đối diện với nguy cơ “diệt vong” khi nhiều ứng dụng gọi xe nội và ngoại liên tục xuất hiện. Để sống sót, các hãng taxi truyền thống cũng phải xây dựng dịch vụ gọi xe. Thậm chí Mai Linh còn làm luôn dịch vụ xe ôm công nghệ kiểu Grab và Uber. Âu cũng phải thích nghi để mà sống trong một xã hội mà công nghệ chi phối mọi hoạt động kinh doanh.

Sự ra đời của Uber hay Grab có thể chấm dứt sớm cái thời kinh doanh kiểu “lập hãng, thu tiền đầu xe hàng tháng” của taxi truyền thống. Tất nhiên, cái mất này khó mà nuốt trôi.

Thua trên đường phố, các hãng taxi truyền thống mở mặt trận pháp lý chống lại dịch vụ gọi xe công nghệ kiểu Grab và Uber.

Đầu tiên là vấn đề chính sách, với việc cố gắng định nghĩa Uber hay Grab là “taxi”, nhóm lợi ích taxi cố gắng tạo mặt bằng cạnh tranh với “xe công nghệ” nhằm cân bằng về giá qua đó triệt tiêu lợi thế nguy hiểm của “xe công nghệ”.

Mục tiêu này gần đạt được khi mới đây, Bộ GTVT đã trình một dự thảo Nghị định của Chính phủ, trong đó coi Grab là một hãng taxi, cùng chung điều kiện kinh doanh như Vinasun hay Mai Linh. Nghĩa là sau này khi Grab được coi là taxi thì đi Grab không còn rẻ hơn taxi truyền thống và người tiêu dùng sẽ không còn quan tâm đến Grab như nhân tố thay đổi cuộc sống của họ. Dấu chấm hết cho sự sáng tạo và cạnh tranh đã được đặt ra.

Cuộc chiến pháp lý thứ hai cuộc chiến tại Tòa án. Vụ kiện giữa hãng Vinasun và Grab do TAND TP Hồ Chí Minh xét xử vốn đã gây bất ngờ cho không ít người trong và ngoài ngành taxi, vì cho dù được xác định là tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại chẳng liên quan đến hợp đồng (ngoài hợp đồng) thì việc Vinasun kiện Grab để đòi bồi thường cũng khiến cho nhiều người hoảng hốt bởi có thể một ngày mát trời nào đó, mình cũng sẽ bị kiện chỉ vì hàng xóm cảm thấy khó sống vì yếu thế trong cạnh tranh.

Lý do mà Vinasun kiện Grab cũng được nhiều luật sư ví von giống như ông lái đò kiện người làm cầu vì từ ngày có cái cầu, ông đã bị giành mất phần lớn khách đi đò, khiến cho bến vắng, đò buồn và ông bị giảm thu nhập.

Nhiều người còn vui mồm mà nói, khi bạn giỏi hơn người khác, có thể bạn sẽ bị kiện chỉ vì bạn lấy đi cơ hội của người khác, kiểu như Vinasun đã mất lợi thế cạnh tranh vào tay Grab bởi hai thứ “tiện” và “rẻ” mà công nghệ mang lại cho Grab.

Cuộc đối đầu giữa Vinasun và Grab không đơn thuần là cuộc chiến tại tòa của hai doanh nghiệp, mà nó trở thành cuộc đối đầu giữa hai thế lực “cũ” và “mới”; đó còn là cuộc chiến về lợi ích rõ ràng giữa ngành dịch vụ taxi bất khả xâm phạm với nhóm start up có sức chiếm lĩnh thị trường vận tải quá lợi hại. Đó là cuộc chiến của tư duy tiến hay lùi.

Do đó, vụ kiện này không đơn giản chỉ nhìn vào hồ sơ vụ án mà các bên đệ trình tại tòa. Đây là vụ kiện mà người liên quan cần được triệu tập chính là những người sử dụng dịch vụ. Bởi lẽ, phán quyết của tòa án trực tiếp hành hưởng đến nhóm lợi ích này. Nếu tòa án không xem xét nhóm người liên quan này, bản án có thể bất hợp pháp.

Nguyên đơn là Vinasun cho rằng hãng này bị thiệt hại 41,2 tỷ đồng vì sự bùng nổ của Grab và vì hãng công nghệ này chơi không đúng luật khiến cho Vinasun mất thị phần. Đúng, với sự ra đời của Uber và Grag thì cái thời mà mấy doanh nhân chỉ cần mở hãng taxi, bán bộ đàm và thu tiền đã chấm dứt. Các công ty taxi truyền thống không còn cái cảnh ngồi mát ăn bát vàng thì thiệt hại là đúng.

Nhưng, tiền không vào túi Vinasun thì chưa chắc đã vào túi Grab, đơn giản là một phần đó ở lại túi người dân vì giá dịch vụ của Grab rẻ hơn. Trong bài toán tổng thể, tiền không mất đi mà sẽ phân phối cho ai mà thôi.

Trong cuộc chiến đường phố giữa Vinasun và Grab, người tiêu dùng được lợi. Do vậu, người dân nói chung cần có các cuộc chiến đường phố và cần nhiều chiến binh Grab mới để cho xã hội phát triển hơn, người dân được lợi hơn.

Thua ở đường phố nhưng nếu thắng ở tòa, thì Vinasun không chỉ khiến Grab thất vọng mà sẽ khiến người dân thất vọng. Lúc đó, người đi xe mới ước, giá mà Grab không thua!

Đọc thêm