Đã có 7.598 doanh nghiệp tham gia Cơ chế một cửa quốc gia

(PLO) - Cơ chế một cửa quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì và chính thức triển khai từ cuối năm 2014. Đến 29/8/2016, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức 10 bộ. Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa (Bộ Tài chính), 33 thủ tục hành chính của 9 bộ, ngành còn lại đã thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. 
Đã có 7.598 doanh nghiệp tham gia Cơ chế một cửa quốc gia

Hơn 165.000 bộ hồ sơ được xử lý

Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến 15/9/2016, tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia là hơn 165.000 bộ hồ sơ với sự tham gia của khoảng 7.598 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên trong các lĩnh vực này.

Từ tháng 9/2015, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối kỹ thuật thành công với 04 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN; sẵn sàng để chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một cửa ASEAN có hiệu lực trong năm 2016. Hiện tại đã có 5 nước thành viên ASEAN phê duyệt Nghị định thư, Việt Nam là nước thứ ba trong khu vực phê duyệt Nghị định thư này.

Quá trình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với các bộ, ngành để thống nhất quy trình nghiệp vụ, chỉ tiêu thông tin, rà soát văn bản pháp lý; xây dựng và kiểm thử hệ thống; tập huấn cho doanh nghiệp và cán bộ công chức; vận hành và hỗ trợ vướng mắc…

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi đã đạt được, Tổng cục Hải quan cũng cho biết còn một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Một trong những khó khăn đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về các thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu và vận tải quốc tế chưa được rà 

soát triệt để để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi đưa lên thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Bên cạnh đó, các bộ, ngành vẫn chưa thực sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện do đây là phương thức thực hiện mới, vẫn có sự lo ngại về trách nhiệm xử lý hồ sơ cũng như chưa thực sự tin tưởng vào tính ổn định của hệ thống.

Về kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2016-2020, Tổng cục Hải quan cho biết mục tiêu tổng quát được đặt ra là tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.  Đồng thời, tham gia và triển khai 

đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các hiệp định và thỏa thuận mà Việt Nam tham gia. Bộ Tài chính cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể cho quá trình thực hiện. 

Để triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Bộ Tài chính đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 để các bộ, ngành làm căn cứ thực hiện đầu tư, lập kế hoạch tổ chức thực hiện.

Đồng thời, kiến nghị Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại kiện toàn lại Cơ quan thường trực theo hướng lấy nhân sự của Tổng cục Hải quan làm nòng cốt và bố trí một số cán bộ của các bộ, ngành làm việc thường trực tại Tổng cục Hải quan để làm công tác tham mưu, điều phối, đôn đốc cũng như giúp việc cho Ủy ban chỉ đạo quốc gia trong các công việc hành chính, báo cáo và các công việc thường xuyên khác. 

Đọc thêm