Đã có chuyển biến căn bản trong thực hiện cơ chế một cửa quốc gia

(PLVN) - Sáng nay (19/2), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đã chủ trì phiên họp lần thứ 4 nhằm kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng triển khai năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp lần thứ 4
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp lần thứ 4

Trong năm 2018, cả nước có 13 bộ, ngành mới hoàn thành 173 thủ tục hành chính kết nối với cơ chế một cửa quốc gia (đạt 97% so với mục tiêu của Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP), giải quyết 1,9 triệu hồ sơ của khoảng 27.000 doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao các bộ, ngành phấn đấu triển khai mới 138 thủ tục hành chính trên cơ chế một cửa quốc gia. Tới hết năm 2018, các bộ đã hoàn thành 106 thủ tục, chiếm 77% so với mục tiêu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đánh giá các bộ, ngành đã đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là có chuyển biến căn bản trong thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Phó Thủ tướng biểu dương, chỉ trong năm 2018, các bộ, ngành đã kết nối mới được hơn 100 thủ tục, đạt gấp 2 lần giai đoạn năm 2014 - 2017. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia và đạt kết quả rất tốt. Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải và Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành 100% kế hoạch...

Tuy vậy, theo Phó Thủ tướng, rằng vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc như số lượng thủ tục hành chính triển khai mới chưa đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng, cần phải tập trung khắc phục để góp phần đưa đất nước bứt phá, phát triển toàn diện trong năm 2019.

Qua trực tiếp khảo sát ở một số địa phương, Chủ tịch Uỷ ban cho rằng số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn, việc cắt giảm danh mục hàng hóa quản lý và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tốt hai mục tiêu tạo thuận lợi thương mại đi kèm với chống gian lận thương mại. “Quan điểm không phải cắt giảm lấy được để báo cáo thành tích mà phải đạt được cả hai mục tiêu trên, tăng cường khả năng quản lý, phối hợp các bộ, cơ quan với nhau và với Tổng cục Hải quan. Có những điều kiện, thủ tục kinh doanh không phải và không đáng phải cắt giảm hoặc buộc phải giữ để bảo đảm quản lý nhà nước mà lại cắt giảm đi là phải rà soát lại. Ngược lại khi ban hành văn bản “cắt giảm” nhưng lại “đẻ” ra thủ tục, điều kiện khác, đây là điều phải lưu ý”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Trong công tác kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc: “Bộ nào không ban hành được trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm tra thì không được phép kiểm tra chuyên ngành, phải chấm dứt và bãi bỏ chuyện này. Nếu không sẽ dẫn tới bộ nào cũng có quyền kiểm tra”./.

Đọc thêm