Đại án tham nhũng tại Đắk Nông: VDB phải hoàn trả 511 tỷ đồng cho các ngân hàng bị lừa đảo?

(PLO) -Trong 2 ngày, từ 25-26/9, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Đưa, nhận hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng” tại tỉnh Đắk Nông. 
Đại án tham nhũng tại Đắk Nông: VDB phải hoàn trả 511 tỷ đồng cho các ngân hàng bị lừa đảo?
Kết thúc án sơ thẩm với một án  tử hình, 3 án chung thân và nhiều án tù có thời hạn dành cho các bị cáo, nhưng về phần dân sự, có nhiều ý kiến khác nhau trước kiến nghị xem xét việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) phải hoàn trả cho các ngân hàng Nam Á, Phương Đông (OCB) số tiền trên 511 tỷ đồng mà các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt của các ngân hàng này để trả nợ cho VDB. 
Các luật sư của VDB cho rằng cần  bảo vệ vốn, tài sản của Nhà nước tại VDB và việc hoàn trả lại tiền thuộc trách nhiệm của các doanh nghiệp có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Để rộng đường dư luận , chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO về vấn đề này 

Thưa ông, đại án tham nhũng tại Đắk Nông ngoài phần xử lý về trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo, thì nổi lên một vấn đề là tranh chấp giữa các ngân hàng VDB, Nam Á, OCB trong việc VDB phải hoàn trả lại số tiền trên 511 tỷ đồng, ông có thể cho biết  ý kiến của mình ?

Theo những tài liệu tố tụng của vụ án, thì vào năm 2010, một nhóm giám đốc các doanh nghiệp có nợ xấu cao và mất khả năng trả nợ tại VDB đã có sự câu kết với Giám đốc Chi nhánh VDB Đăk Lăk, lập nên những hợp đồng tiền gửi giả tạo và sử dụng lừa đảo về tài sản bảo đảm để vay vốn từ các ngân hàng Nam Á, OCB. Tin tưởng vào sự an toàn của tài sản bảo đảm là tiền gửi tại VDB, với sự xác nhận của Chi nhánh VDB Đăk Lăk, các ngân hàng Nam Á, OCB đã cho nhóm doanh nghiệp này vay tiền và sau đó, số tiền này đã bị chiếm đoạt trả nợ cho chính VDB. Bản án sơ thẩm số 17/2014/HSST của Tòa án Nhân dân tỉnh Đăk Nông đã xác định số tiền bị lừa đảo, chiếm đoạt này là vật chứng của vụ án và tuyên trả lại cho các ngân hàng bị lừa đảo. Do VDB đang chiếm giữ vật chứng nên theo phán quyết của Tòa án, VDB có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền vật chứng này (trên 511 tỷ đồng) cho các ngân hàng bị lừa đảo.
Các luật sư của VDB hiện công khai ý kiến cho rằng sau khi vay tiền của Nam Á, OCB, thì tiền vay là thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nên VDB thu nợ là đúng và không đồng ý việc phải trả lại số tiền này, ý kiến của ông như thế nào?  
Trong trường hợp này, điều đầu tiên cần xác định đây là một vụ án hình sự mà đến nay quá trình tố tụng đã làm rõ bị cáo Vũ Việt Hùng nguyên lãnh đạo Chi nhánh ngân hàng VDB Đăk Lăk, và nhóm các bị cáo Giám đốc các doanh nghiệp vỡ nợ tại VDB đều hướng tới việc chiếm đoạt tiền của OCB, Nam Á, nhằm mục đích bù đắp vào những khoản nợ xấu tại VDB. 
Tiền mà các doanh nghiệp vỡ nợ đưa cho VDB thu nợ có nguồn gốc từ giao dịch tín dụng mà trong đó OCB, Nam Á đã bị lừa đảo, chiếm đoạt. Nếu đem pháp luật dân sự để soi xét giao dịch tín dụng này dưới góc độ là một giao dịch dân sự, thì Điều 132, Bộ luật Dân sự có quy định: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu..”. Một khi giao dịch dân sự vô hiệu, thì hậu quả pháp lý của nó cũng theo quy định tại Điều 137, Bộ luật Dân sự là không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
Như vậy, không có quyền và nghĩa vụ gì được xác lập từ giao dịch vô hiệu cả, các doanh nghiệp không có quyền sở hữu số tiền nhận được từ giao dịch này, mà phải trả lại cho OCB, Nam Á. Số tiền này vẫn thuộc về các ngân hàng bị lừa đảo. Lý do của phía VDB đưa ra nhằm từ chối hoàn trả tiền là không có cơ sở pháp lý.
Ông suy nghĩ sao khi có ý kiến khác cho rằng nếu VDB phải trả lại số tiền trên 511 tỷ đồng cho các ngân hàng bị lừa đảo, thì một phần vốn Nhà nước sẽ bị thất thoát bởi dù sao VDB là ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước, trong khi các doanh nghiệp đã thực sự vỡ nợ.
Thiệt hại xảy ra đối với VDB, có thể khẳng định đã tồn tại ngay khi ngân hàng này cho nhóm doanh nghiệp vỡ nợ vay tiền từ năm 2008, với việc cho vay vốn sai mục đích, không có phương án kinh doanh khả thi, quản lý tín dụng lỏng lẻo, có yếu tố lừa dối, giả mạo trong thủ tục vay, chiếm đoạt tiền của ngân hàng, thua lỗ trầm trọng và mất khả năng thanh khoản từ phía doanh nghiệp. Đó là vấn đề từ chính VDB.
Số tiền trên 511 tỷ đồng là vật chứng của vụ án, thuộc sở hữu của OCB, do những bị cáo lừa đảo OCB để lấy tiền trả nợ cho các doanh nghiệp vỡ nợ tại VDB. Pháp luật đã có quy định rõ vật chứng phải được trả lại cho chủ sở hữu nên việc Tòa án tuyên buộc VDB phải trả lại số tiền vật chứng cho ngân hàng bị lừa đảo là hoàn toàn đúng pháp luật. 
Điều 51, Hiến pháp nước ta đã có quy định rõ “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”.
Mặc dù VDB là ngân hàng vốn thuộc sở hữu Nhà nước còn OCB, Nam Á là ngân hàng cổ phần, nhưng đều phải được đối xử bình đẳng trước pháp luật. 
Công lý, không có sự phân biệt giữa Vốn thuộc Nhà nước và vốn cổ phần, cho nên việc ra phán quyết của Tòa án phải bảo đảm tính công bằng và chỉ tuân theo pháp luật.  
Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm