Đài Loan đề nghị điều tra nghi án xuất khẩu dầu ăn “bẩn”

(PLO) - Theo nguồn tin của PLVN, phía Đài Loan đang muốn điều tra Hình sự công ty Việt Nam được cho là xuất khẩu dầu ăn không đủ tiêu chuẩn và quy trình kiểm tra chất lượng cũng như xác nhận sản phẩm của Cty giám định Vinacontrol tại TP.Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đề nghị được hỗ trợ tư pháp 
Văn phòng Kinh tế và Văn hóa (KT&VH) Đài Bắc tại Hà Nội xác nhận, tháng 2/2015, cơ quan Tư pháp Đài Loan đã gửi yêu cầu hỗ trợ Tư pháp trong lĩnh vực Hình sự tới VKSNDTC Việt Nam bày tỏ mong muốn được cử 4 điều tra viên Đài Loan sang Việt Nam để điều tra, thu thập chứng cứ; đồng thời đề nghị phía Việt Nam giúp đỡ cử cán bộ đi cùng với đoàn tới Công ty Đại Hạnh Phúc thẩm vấn người phụ trách công ty này là bà Lã Thị Hạnh. Vì trước đó, Văn phòng KT&VH Đài Bắc tại TP.Hồ Chí Minh đã liên hệ với bà Hạnh đề nghị cung cấp một số tài liệu liên quan nhưng đã bị bà Hạnh từ chối.    
Theo như Văn phòng này cho biết, năm 2014 nhà chức trách Đài Loan phát hiện vụ việc liên quan tới an toàn dầu ăn thực phẩm nghiêm trọng, điều tra cho thấy Tập đoàn Đỉnh Tân (Đài Loan) nhập khẩu dầu ăn rởm từ Công ty Đại Hạnh Phúc làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân Đài Loan. Cơ quan điều tra Đài Loan đã bắt tạm giam người phụ trách Tập đoàn Đỉnh Tân để chờ điều tra xét xử. 
Đại diện Văn phòng KT&VH Đài Bắc cho rằng, vụ việc liên quan và ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề sức khỏe  cũng như hình ảnh của Việt Nam và Đài Loan trong mắt bạn bè quốc tế. Hơn nữa, Công ty Đại Hạnh Phúc không chỉ xuất khẩu dầu ăn không đủ tiêu chuẩn mà còn có thể tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân Việt Nam (?). 
“Ngoài ra, việc kiểm tra đánh giá chất lượng của Phòng giám định Vinacoltrol tại TP.Hồ Chí Minh cũng không trung thực, ảnh hưởng tới uy tín quốc tế về chất lượng sản phẩm của Việt Nam. Hơn nữa, vì  dầu ăn chất lượng kém, chế biến với giá thành rẻ mạt, lợi nhuận cao, liệu công ty này có hành vi trốn thuế hay không cần phải có sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam và Đài Loan. 
Phía Đài Loan đang muốn điều tra công ty cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất dầu không đủ tiêu chuẩn trên  và quy trình kiểm tra chất lượng cũng như xác nhận sản phẩm của Phòng giám định Vinacontrol.z”- đại diện Văn phòng KT&VH Đài Bắc cho biết.  
Nghiêm trọng
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) khẳng định Cty Đại Hạnh Phúc - địa chỉ bán “dầu bẩn” cho Cty Đỉnh Tân (Đài Loan - Trung Quốc) đã cố tình sai phạm khi tổ chức sản xuất, kinh doanh mặt hàng dầu mỡ động thực vật làm thực phẩm cho người khi chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp. 
Theo đó, từ tháng 1/2011 đến tháng 9/2014, công ty này đã sản xuất, chế biến và xuất khẩu sang Đài Loan 276 lô hàng dầu mỡ (chủ yếu dầu mỡ cá, mỡ heo, mỡ bò và phần nhỏ dầu dừa) với khối lượng khoảng 43.000 tấn, mục đích ghi trong tờ khai là làm thức ăn gia súc. Từ tháng 1/2012 đến tháng 6/2014, công ty này đã xuất khẩu xen kẽ 42 lô ghi là “phù hợp làm thực phẩm cho người” với khối lượng khoảng 6.000 tấn vào các lô hàng thức ăn cho gia súc. 
Hiện cơ quan chức năng đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đình chỉ hoạt động đối với doanh nghiệp này trong thời gian thanh, kiểm tra. Bộ Công Thương cũng đã có công văn đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện việc thanh tra, kiểm tra toàn diện và xử lý nghiêm các vi phạm của Công ty Đại Hạnh Phúc trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm.
Đáng chú ý, cơ quan chức năng khẳng định số dầu “bẩn” do Cty Đại Hạnh Phúc sản xuất và xuất khẩu chỉ được đưa sang một thị trường duy nhất là Đài Loan (Trung Quốc), không phát hiện những loại dầu này tiêu thụ tại thị trường nội địa. 
Cty Đại Hạnh Phúc được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký sản xuất kinh doanh với ngành nghề sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản và sản xuất và chế biến dầu thực vật; ngoài ra còn có đăng kí một số hoạt động thương mại như bán buôn và sản xuất, chế biến gỗ.