Đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ: Dù thiếu vốn vẫn phải duy trì thi công

(PLO) - Trả lời Báo PLVN, ông Trần Tố Nghị, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng công trình, Bộ NN&PTNT khẳng định: Để đảm bảo an toàn công trình trước mùa mưa lũ, các dự án vượt lũ, chống lũ và dự án phục vụ chống hạn vẫn phải duy trì thi công chờ trung ương bố trí vốn.  
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chỉ 5 dự án có vốn

Đề nghị ông cho biết 42 dự án thủy lợi sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch trung hạn giai đoạn 2017-2020 đã được bố trí nguồn vốn trong năm 2017 như thế nào?

- Theo tôi Chính phủ xây dựng kế hoạch trung hạn như thế là rất tốt. Trên cơ sở đó nhìn vào trong cả nhiệm kỳ thấy có bao nhiêu tiền để mà cân đối, bố trí cho phù hợp, tránh đầu tư dàn trãi, nợ đọng, “xin-cho”.   

Tuy nhiên, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch trung hạn, Bộ NN&PTNT và Bộ KH-ĐT làm việc với nhau rất nhiều lần để thỏa thuận danh mục để trình Chính phủ, Quốc hội duyệt. Tháng 3 vừa rồi, sau khi đã được thẩm định về nguồn vốn, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt xong chủ trương dự án đầu tư.

Hiện đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư để đánh giá dự án nào có khả năng đầu tư hiệu quả. Mặc dù nguyên tắc lập dự án đầu tư thì phải có tư vấn, đấu thầu mà muốn đấu thầu thì phải có vốn. Nhưng cho đến nay vốn trung hạn cho danh mục 35 dự án mới giai đoạn 2017-2020 vẫn chưa được cấp vốn.

Mặt khác, theo Luật Đầu tư công, các dự án phải được duyệt trước 30/10 của năm hiện tại thì mới được cấp vốn để triển khai thi công cho năm tiếp theo. Quy định như vậy khiến chúng tôi rất lúng túng.  Nếu năm nay Bộ NN&PTNT mà không duyệt kịp thời hạn nói trên thì nhiều dự án buộc phải lùi lại sang năm mới được cấp vốn.

Ông Trần Tố Nghị, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NN&PTNT
 Ông Trần Tố Nghị, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NN&PTNT

Vậy 6.053 tỷ đồng phân bổ vốn cho 5 dự án thực hiện theo Nghị quyết 726 của UBTVQH đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Năm nay, đợt 1 chúng tôi được thông báo có 5 dự án thuộc NQ 726 được bố trí 1500 tỷ đồng. Nhưng qua kiểm tra cho thấy chỉ có 3 dự án triển khai được, 1 dự án triển khai được một phần và 1 dự án không thể triển khai. Đúng là có một nghịch lý đang diễn ra, trong bối cảnh hàng loạt các dự án không được bố trí vốn, nhưng có dự án trong nhóm này mặc dù đã được bố trí vốn nhưng địa phương lại không có vốn bố trí thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng như dự án kênh Tà Pao, kênh Krông Pách.

Lý do không triển khai được là Bộ NN&PTNT chỉ được phép kéo dài phần dự án do TW thực hiện, còn hợp phần của địa phương (như công tác GPMB, hỗ trợ tái định cư….) lại không thuộc thẩm quyền của Bộ, trong khi theo tìm hiểu thì vốn đầu tư cho hạng mục này thì địa phương đã tiêu hết sạch.

Chúng tôi đã báo cáo và đề xuất Chính phủ, nếu không bố trí thêm tiền cho các địa phương thì lấy phần của Bộ NN&PTNT ra để thực hiện công tác đền bù. Nhưng với phần kênh cấp dưới thay vì nhà nước đầu tư thì phải cho xã hội hóa để lấy nguồn thu bù vào chi phí công tác đền bù. Làm như vậy vừa không thay đổi tổng mức đầu tư, số vốn bố trí mà quốc hội, chính phủ đã ghi, vừa đảm bảo tiến độ thi công công trình.

“Không để lũ về chết cả làng”

Từ đầu năm đến nay, vốn kế hoạch năm 2017 chưa được bố trí đã có ảnh hưởng gì đến việc thi công các dự án cấp bách chống hạn, chống lũ?

- Có thể nói, tại thời điểm này, từ Bắc vào Nam các công trình xây dựng đều đang vào mùa mưa. Trong khi đáng lý từ sau tết nguyên đán đến tháng 6 là mùa khô, là mùa thi công trình.  Rõ ràng, việc bố trí vốn chậm khiến việc triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn.      

Từ đầu năm đến nay, tuy vốn kế hoạch năm 2017 chưa được bố trí, giải ngân nhưng để đảm bảo an toàn công trình trước mùa mưa lũ, các dự án vượt lũ, chống lũ và dự án phục vụ chống hạn trong điểm như: kênh 2 Cửa Đạt, dự án Ngàn Trươi – Cẩm Trang, công trình đầu mối Krông Pách, công trình đầu mối Ia Mơ, dự án Tân Mỹ vẫn phải triển khai thi công.

Về yếu tố kỹ thuật cũng không thể dừng thi công với các dự án này lại được. Chúng tôi hay nói với nhau, dự án chặn dòng rồi thì như “cưỡi trên lưng hổ”. Không thể dừng được mà phải làm cho bằng xong. Bởi nếu lũ mà về mà bỏ dở thì chết cả làng.

Năm nào Bộ NN&PTNT cũng xem xét danh mục các dự án để xem cái nào phải vượt lũ, cái nào phải chống lũ, cái nào phải chống hạn... để đánh giá mức độ ưu tiên. Tôi khẳng định những công trình này khi có vốn lúc nào chúng tôi cũng ưu tiên số 1 để bố trí.

Cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

Chậm trễ do quy định

Theo Bộ KH&ĐT, Tổng vốn đầu tư TPCP năm 2017 là 66.485 tỷ đồng, bao gồm 50.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch năm 2017 và 16.458,02 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư năm 2016 được Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2017. Qua 6 tháng, Bộ KH&ĐT mới giao được 5.197,3 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2017, chiếm 10,4%. Còn vốn TPCP chuyển nguồn mới giao được hơn 6.200 tỷ đồng (38,2%). Như vậy vốn TPCP chưa giao vẫn còn gần 55.000 tỷ đồng.

Theo Bộ KH&ĐT, nguyên nhân giao chậm trễ vốn TPCP là do quy định, điều kiện để bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm cho dự án khởi công mới là phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 30/10 của năm trước năm kế hoạch, mà các dự án khởi công mới đề xuất bố trí kế hoạch năm 2017 nguồn vốn TPCP đều có quyết định đầu tư sau ngày 31/10/2016.

Đọc thêm