Đánh giá thực trạng doanh nghiệp “núp bóng” hợp tác xã

(PLVN) - Đó là yêu cầu được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển kinh tế tập thể nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp về xây dựng Đề án tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/3/2002 của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) được tổ chức sáng 20/11.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp.

Đề án sẽ được trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các chủ trương, chính sách phát triển KTTT - thành phần kinh tế được coi là nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Đã có bước phát triển khởi sắc 

Dự thảo báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, sau 15 năm triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW, nhận thức về quan điểm phát triển KTTT của các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến tích cực. Từ chỗ chưa nhận thức đầy đủ, thống nhất về bản chất của tổ chức hợp tác xã (HTX) đến nay người dân đã từng bước phân biệt sự khác nhau giữa HTX với doanh nghiệp (DN), giữa HTX kiểu cũ với HTX kiểu mới; giữa HTX với các tổ chức xã hội, từ thiện. Qua đó, tâm lý người dân dần được xóa bỏ những mặc cảm do mô hình HTX kiểu cũ để lại. 

Theo báo cáo của 61/63 tỉnh, TP, cả nước có 101.405 tổ hợp tác, tăng 587 tổ hợp tác so với thời điểm cuối năm 2003, thu hút 1,34 triệu thành viên tham gia, tăng khoảng 57,3% so với năm 2003. Doanh thu bình quân của 1 tổ hợp tác là 408 triệu đồng/năm, lãi bình quân 61,2 triệu đồng/năm, tăng 127,5% so với năm 2003.

Thu nhập bình quân của 1 lao động thường xuyên trong tổ hợp tác là 26 triệu đồng/năm, tăng 21% so với năm 2003. Hết năm 2018, cả nước có 22.861 HTX, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số HTX tăng 8.513 HTX so với năm 2003, trong khi số thành viên HTX giảm 358.246 người. Trong giai đoạn 2003-2018, cả nước có 19.872 HTX thành lập mới, giải thể khoảng 11.230 HTX.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành phải xác định rõ thực trạng và yêu cầu phát triển KTTT trong giai đoạn hiện nay.

Theo Phó Thủ tướng, dù còn khó khăn nhưng đến nay KTTT đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài và có bước phát triển khởi sắc, nhất là trong 5 năm gần đây sau khi có Kết luận số 56 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 13. Khoảng 50% HTX phát triển hiệu quả, tạo thêm việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng hoạt động của HTX còn nhiều tồn tại; sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với KTTT không đồng đều; quản lý nhà nước về KTTT còn yếu kém, chưa có hệ thống thông tin dữ liệu của lĩnh vực này…

“Có địa phương khó khăn nhưng KTTT, HTX, tổ hợp tác phát triển tốt như Hà Giang, Sơn La… nhưng nhiều địa phương thì chưa quan tâm phát triển”, Phó Thủ tướng nhận xét. Theo Phó Thủ tướng, để đánh giá hiệu quả của KTTT không chỉ tập trung vào số lượng HTX, quy mô tài sản, doanh thu mà phải tính tới sự đóng góp tổng thể về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự tại cơ sở, giảm chi phí đầu vào, gia tăng giá trị đầu ra cho từng thành viên của KTTT theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 13.

Theo đại diện Ban Kinh tế Trung ương, kinh tế hợp tác khác với DN ở tính đa dạng để liên kết, kết nối sức mạnh của kinh tế hộ. Để đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các bộ, ngành cung cấp các số liệu cụ thể về đóng góp của KTTT trong chuỗi thị trường và tỉ lệ chi phối trên thị trường đối với một số ngành hàng và nêu rõ các chỉ số về phát triển cộng đồng.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế 

Về vấn đề luật pháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng HTX và tổ hợp tác trong nông nghiệp là phổ biến và có đặc thù riêng vì gắn chặt chẽ với sử dụng đất đai và kinh tế hộ gia đình. 

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành thảo luận xin ý kiến Bộ Chính trị về việc xây dựng luật riêng về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên cơ sở hệ thống pháp lý hiện nay. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đặt ra trường hợp DN “đội lốt”, “núp bóng” HTX để hoạt động. Việc chính sách cho phép thành lập DN trong HTX nhưng qua thực tiễn nhiều HTX lại đề nghị được chuyển đổi thành DN cũng cần đánh giá.

Cùng với đó, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển cũng đề nghị đánh giá được thực trạng về việc xử lý triệt để các HTX không thể giải thể, chuyển đổi được; xem xét việc uỷ thác chức năng kiểm toán HTX cho Liên minh HTX Việt Nam thực hiện để minh bạch tài chính của khối này...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị các bộ, ngành rà soát các quan điểm của Đảng về KTTT tại Nghị quyết số 13, bổ sung các ý nghĩa của KTTT về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN, có tác động quan trọng tới các chính sách xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội...

Sau hội nghị này, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển sẽ tiếp tục chắt lọc các ý kiến phát biểu và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm triển khai Nghị quyết số 13 được tổ chức vào tháng 10 vừa qua để hoàn thiện báo cáo tổng kết, trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị thảo luận, xem xét ban hành các chủ trương để phát triển KTTT trong giai đoạn tới. 

Đọc thêm