Đặt cược thể thao: Cần luật hóa để quản lý?

(PLVN) - Thông tin doanh số thị trường đặt cược bóng đá bất hợp pháp Việt Nam ước tính lên tới 3-5% GDP  được TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đưa ra tại Tọa đàm: "Công nghệ số và quản lý nhà nước về đặt cược thể thao” khiến cho câu chuyện sửa Nghị định 06/2017/NĐ-CP (NĐ 06) về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế được đẩy lên việc có nên ban hành Luật để quản lý hay không?

Sửa Nghị định phải trên tư duy khác biệt

Tại Tọa đàm, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn cho biết cuộc Tọa đàm nhằm thảo luận sâu về các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghiệp vui chơi giải trí nói chung và đặt cược thể thao nói riêng, góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 06 về những quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ.

Toàn cảnh tọa đàm: "Công nghệ số và quản lý nhà nước về đặt cược thể thao".
 Toàn cảnh tọa đàm: "Công nghệ số và quản lý nhà nước về đặt cược thể thao". 

Nhắc lại việc xây dựng Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên của Việt Nam chỉ trong vòng 6 tháng trong khi đây là vấn đề rất mới lúc bấy giờ, GS - TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng việc sửa NĐ 06 cũng trên tinh thần đó. “Việc sửa đổi NĐ 06 nói riêng, cũng như xây dựng thể chế để phát triển các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng kinh tế số cần dựa theo tư duy khác biệt từ việc xây dựng, quản lý đến thực thi…”- Chủ tịch VAFIE nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Mại có 2 nội dung cần lưu ý: Thứ nhất, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và nghiên cứu, xây dựng các khu thử nghiệm dành cho DN công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới; Hai là, hoàn thiện pháp luật, chính sách về tài chính-tiền tệ, thanh toán điện tử, quản lý thuế và các dịch vụ xuyên biên giới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số...

Chủ tịch VAFIE cũng chia sẻ lo ngại của các DN kinh doanh vui chơi giải trí có thưởng về việc nếu chỉ cho đặt cược qua smarphone mà không cho sử dụng mạng internet sẽ hạn chế đối với người tham gia, không thể ngăn chặn dân cá cược lậu trên các server nước ngoài đặt cược hợp pháp tại nước ta; làm cho doanh thu không nhiều, chi phí đặt cược cao không hấp dẫn.

Xây dựng Luật - Tại sao không? 

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước tương đối hạn chế hình thức kinh doanh đặt cược trực tuyến và thường chỉ cho phép đặt cược trực tuyến khi có điều kiện và những quy định giám sát chặt chẽ. Thứ hai, họ quy định tương đối chặt chẽ về DN được kinh doanh đặt cược, do đó không có nhiều DN dám đăng ký tham gia vì vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng; Thứ ba, họ quy định chặt chẽ về người được tham gia, về người dân và thường trú nhân (người nước ngoài) là phải thu thuế được, lứa tuổi tham gia và điều kiện tham gia.

Chuyên gia này cũng khẳng định, kinh doanh đặt cược tại Việt Nam là tất yếu, cả trực tuyến, cả trực tiếp đã xuất hiện. Dẫn nghiên cứu của Công ty cá cược Ladbrokes tại Anh, TS Cấn Văn Lực lưu ý, doanh số đặt cược bóng đá tại Việt Nam tương ứng 3-5% GDP. 

Con số này khiến cuộc Tọa đàm sôi động hơn và ngay lập tức được quy ra là 10 tỷ USD/năm. Rõ ràng dù không có quy định để quản lý thì thực tiễn hoặt động cá cược vẫn diễn ra. Nhiều chuyên gia xuýt xoa: “Nếu thu thuế trên số tiền trên sẽ là con số rất lớn!”.

Dưới góc độ pháp lý, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự- Kinh tế (Bộ Tư pháp), ông Dương Đăng Huệ đặt vấn đề: “Tại sao bây giờ chúng ta vẫn giữ văn bản pháp lý ở tầm Nghị định mà không nâng thành luật?”. 

Theo ông Huệ, có 3 lý do để nâng NĐ 06 thành luật: Một là cá cược có nhiều vấn đề xử lý bằng luật chứ không phải bằng các văn bản dưới luật; Hai là, Nghị định 06 đã được gần 4 năm và đủ để nâng Nghị định thành luật; Ba là chúng ta đã có thực tiễn, đã thí điểm hoạt động này được 2 năm và đây là vấn đề phức tạp cần có luật để đủ tính răn đe xử lý. 

Ông Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế TW:

“Sau 20 năm chúng ta vẫn loay hoay tạo ra những hạn chế...”

Năm 2000 Việt Nam đã có đua chó nhưng sau 20 năm chúng ta vẫn lúng túng. Sau đàm phán WTO, Việt Nam đã mở cánh cửa hội nhập nhưng chúng ta vẫn không theo kịp được thế giới, mất thị phần kinh tế và mất nhiều cơ hội không đo đếm được.

Tuy nhiên, Covid-19 lại là một cơ hội để nhìn lại những vấn đề cần điều chỉnh, có thể thấy trong nguy có cơ. Về đặt cược thể thao, rõ ràng Nhà nước rất thận trọng, nhưng khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết 11 ngành dịch vụ phải mở cửa. Đến nay chúng ta vẫn loay hoay mở như thế nào, mở đến đâu?

Đối với vui chơi có thưởng, đây là bộ phận cấu thành quan trọng, là nguồn cảm hứng cho du lịch phát triển. Vì thế chúng ta cần phải làm chứ không phải còn bàn làm hay không làm và sau 20 năm ta vẫn đang loay hoay tạo ra những hạn chế. Riêng với NĐ 06 chúng ta loay hoay từ  năm 2000 rồi 2006 đến nay vẫn loay hoay sửa.

Theo tôi cần suy nghĩ lại về cách làm, không thể mãi loay hoay mà cần hành động, hành động có trách nhiệm, hành động kịp thời. Lúc này mà tiếp tục loay hoay là có lỗi với đất nước. 

Đọc qua dự thảo Nghị định sửa đổi NĐ 06 có thể thấy là chúng ta tạo nên rào cản mới không phải là tháo gỡ. Nền kinh tế hiện nay là nền kinh tế số, nên thiết nghĩ phải sửa toàn diện Nghị định theo hướng này.

Tôi cũng băn khoăn, liệu NĐ 06 có thay thế nghị định hướng dẫn chi tiết Điều 67a của Luật Thể dục thể thao? Tôi cho là không thay thế được, vì bản thân NĐ 06 không bao được tất cả các ngành đặt cược thể thao. Nội dung quá sâu và  quá cụ thể. Nên cần nhìn nhận lại toàn diện NĐ 06, Nghị định này cần gắn liền với Luật Thể dục thể thao. 

Về yêu cầu áp dụng công nghệ số vào NĐ 06 tôi cho là rất cần thiết, hiển nhiên. Công nghệ giúp chúng ta kiểm soát tốt, đây là cơ hội giải đáp những băn khoăn về quản lý. Công nghệ phục vụ cho kiểm soát, giúp chúng ta quản lý tại nguồn nên không thể không làm. Ai vi phạm thì đã có luật, quản lý nhà nước cũng phải quản lý số. Không phải không quản được là đưa rào cản.

Về quan điểm thí điểm, thí điểm bao nhiêu năm, Luật Thể dục thể thao không nói thí điểm và quan điểm là cũng không nên thí điểm. Theo tôi, đây là vấn đề lớn về kinh tế giúp Nhà nước mạnh lên, dân mạnh lên và minh bạch mọi hoạt động...

Đọc thêm