Dấu ấn thương mại biên giới Việt - Trung

(PLO) - Sau 2 năm thực hiện, Hiệp định Thương mại biên giới (TMBG) Việt Nam - Trung Quốc đã tạo điều kiện để các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc khai thác và phát huy thế mạnh tiềm năng, kết hợp nội lực và ngoại lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý hơn…
XK hàng hoá tại Cảng ICD Thành Đạt (TP Móng Cái)
XK hàng hoá tại Cảng ICD Thành Đạt (TP Móng Cái)

Phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu

Các Hiệp định song phương Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là Hiệp định TMBG Việt Nam - Trung Quốc ký kết vào tháng 9/2016 (thay thế Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới Việt - Trung năm 1998) là những cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các ngành, các địa phương biên giới, DN hai nước tiến hành hợp tác kinh tế và trao đổi hàng hóa, mở ra một thời kỳ mới cho giao lưu kinh tế qua biên giới Việt - Trung.

Theo Hiệp định TMBG Việt Nam - Trung Quốc, TMBG hai nước được thực hiện thông qua các cửa khẩu biên giới đất liền và khu (điểm) chợ biên giới được hai bên thỏa thuận mở tại 7 tỉnh: Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên của Việt Nam và 2 tỉnh/khu Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Hoạt động tại các chợ biên giới của người và phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh; hàng hóa xuất, NK (XNK) ra, vào các khu (điểm) chợ biên giới mà hai bên thỏa thuận mở.

Hiện tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 32 cặp cửa khẩu. Phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, trong 2 năm qua, 3 cặp cửa khẩu phụ đã được nâng cấp thành cửa khẩu chính gồm các cặp cửa khẩu: Chi Ma (Lạng Sơn) - Ái Điểm (Trung Quốc); Xín Mần (Hà Giang) - Đô Long (Trung Quốc); Sóc Giang (Cao Bằng) - Bình Mãng (Trung Quốc). Đến nay, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính và 19 cửa khẩu phụ.

Thông qua hoạt động TMBG, các mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm được xuất khẩu (XK) biên mậu sang Trung Quốc đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và các dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ khác của Việt Nam. Đồng thời, thông qua hoạt động TMBG, Việt Nam đã nhập khẩu (NK) được một số nguyên, nhiên vật liệu, vật tư cần thiết từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất trong nước như than cốc, phân bón và hóa chất công nghiệp… 

Thị trường Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng khá lớn trong XK nông sản của Việt Nam, điển hình như các mặt hàng sắn, gạo, cao su… Trên nền tảng đó, hoạt động TMBG đang trên đà phát triển mạnh và dần trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên những địa bàn biên giới trọng yếu của đất nước. 

Theo Bộ Công thương, hiện nay, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trung Quốc đang là thị trường rộng lớn của Việt Nam về XK trên phương diện tổng thể và cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất. 

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, năm 2016, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt gần 72tỷ USD. Năm 2017, XK sang Trung Quốc lên tới 60,6%, đạt 35,3 tỉ và kim ngạch NK ở mức 58,5 tỷ USD. Tổng kim ngạch XNK sang Trung Quốc năm 2017 đạt 93,8 tỷ USD, tăng 21,79 tỷ USD so với năm 2016.

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai
Cửa khẩu quốc tế Lào Cai

Tăng cường xuất chính ngạch

Hiện nay, Việt Nam đang gặp phải nhiều bất cập trong cơ chế quản lý TMBG như: Chưa có chính sách cụ thể về XK hàng hóa phù hợp với từng cửa khẩu và khu vực biên giới; chưa có quy định cụ thể về thủ tục XK hàng hóa TMBG với hoạt động thương mại thông thường đặc biệt là quy định về XNK qua đường tiểu ngạch, cho nên chưa khai thác được lợi thế để tăng kim ngạch XK của nước ta.

Việc phân cấp quản lý hoạt động TMBG chưa gắn kết giữa quyền lợi, quyền hạn và trách nhiệm của các tỉnh có đường biên giới, nên chưa phát huy được tính chủ động và sáng tạo của các địa phương trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Quy định về điều kiện đối với thương nhân, chính sách mặt hàng, đặc thù về cửa khẩu, điểm thông quan hàng hóa, phương thức thanh toán… đối với hoạt động TMBG chưa được quy định cụ thể, phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Chính sách miễn thuế cho cư dân vùng biên giới đang tạo ra nhiều lỗ hổng cho tình trạng trốn thuế, buôn lậu. 

Theo nhận định của một số chuyên gia, từ Hiệp định TMBG Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam cần xây dựng chiến lược, chính sách hỗ trợ hoạt động TMBG cụ thể, bài bản. Về lâu dài, chúng ta cần có chính sách phù hợp để hạn chế dần XK tiểu ngạch và tăng cường xuất chính ngạch. Hình thức XK tiểu ngạch không chỉ nhiều rủi ro, mà còn khiến hàng hóa Việt Nam không có động lực để cải thiện chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Lam Hạnh

Những điểm sáng khu kinh tế cửa khẩu

Hầu hết hàng hóa XK qua Trung Quốc đều qua hai Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Đăng (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh). Việc thành lập hai KKT cửa khẩu này đã thúc đẩy hàng hóa XNK không chỉ riêng hai tỉnh mà cho cả nước. 

Quy hoạch KKT cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn
Quy hoạch KKT cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn

KTT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được thành lập theo Quyết định 138/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có diện tích tự nhiên 394 km2, có 2 cửa khẩu chính (Cửa khẩu quốc tế đường bộ Hữu Nghị, Cửa khẩu quốc tế đường sắt ga Đồng Đăng) và 3 cửa khẩu phụ (Tân Thanh, Cốc Nam, Pò Nhùng). Ông Phan Hồng Tiến - Trưởng Ban quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, thu ngân sách trên địa bàn KKT từ năm 2009 đến năm 2017 là 15.841 tỷ đồng (bằng 85% số thu cả tỉnh), trong đó thu phí bến, bãi đạt khoảng 2.261,4 tỷ đồng, bằng 72,9% cả tỉnh. Tổng kim ngạch XNK tăng từ 1.520 triệu USD năm 2009 lên 4.329 triệu USD năm 2017. 

Còn KKT cửa khẩu Móng Cái có diện tích tự nhiên khoảng 121.197 ha, trong đó diện tích đất liền là 66.197 ha và diện tích mặt biển là 55.000 ha. Những năm qua, Móng Cái đã chào đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới tham quan, tìm hiểu cơ hội đầu tư về du lịch, như trao quyết định dự án chăn nuôi bò với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng trên vùng cao Nga Bát (Quảng Nghĩa), xây dựng Cầu Bắc Luân II để tạo cơ sở hạ tầng cho thúc đẩy khu hợp tác kinh tế song phương… và thành lập khu công nghiệp Texhong - Hải Hà thuộc Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà, huyện Hải Hà. Hiện trên địa bàn Móng Cái có hơn 720 DN hoạt động thường xuyên với vốn đăng ký hàng nghìn tỷ đồng. Móng Cái hiện đứng thứ 3 toàn tỉnh Quảng Ninh về thu hút FDI với 22 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 500 triệu USD, chiếm 13% tổng vốn FDI toàn tỉnh.

Đọc thêm