Đấu thầu dự án: “Đẻ” thêm tiêu chí “ép” nhà thầu có năng lực

(PLO) - Đấu thầu là một phương thức khoa học để lựa chọn nhà thầu có uy tín, năng lực tốt nhất tham gia gói thầu. Trong các dự án có vốn Nhà nước thì việc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm khai thác hiệu quả nhất nguồn vốn, tránh thất thoát, đảm bảo các công trình, dự án được triển khai với chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, thực tế có câu chuyện chủ đầu tư đã tự ý thêm các tiêu chí trái quy định của pháp luật theo kiểu “đo chân đóng giày”, tạo sự cạnh tranh không công bằng…
Tiêu chí tỷ lệ giữ lại phí BH gốc 3 năm liên tiếp 2014, 2015, 2016 trên 50% của TCty Đường sắt Việt Nam gây khó cho nhà thầu có năng lực. (Ảnh minh họa)
Tiêu chí tỷ lệ giữ lại phí BH gốc 3 năm liên tiếp 2014, 2015, 2016 trên 50% của TCty Đường sắt Việt Nam gây khó cho nhà thầu có năng lực. (Ảnh minh họa)

Nhà thầu lớn không lọt qua “cửa hẹp”

Theo lý thuyết, các nhà thầu lớn, có tiềm năng tài chính vững mạnh, kinh nghiệm dồi dào thì sẽ có cơ hội hơn khi tham gia đấu thầu. Nhưng tại gói thầu mua bảo hiểm (BH) đầu máy của TCty Đường sắt Việt Nam câu chuyện dường như đang đi ngược lại. 

Trong số các điều kiện để đánh giá năng lực tài chính, hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu nhà thầu phải đáp ứng tiêu chí: tỷ lệ giữ lại phí BH gốc 3 năm liên tiếp 2014, 2015, 2016 trên 50%. Đây là một trong những tiêu chí thầu phi tiêu chuẩn, khi áp dụng các tiêu chí này thì nhà thầu càng lớn, năng lực càng tốt càng dễ bị loại. Thực trạng vô cùng nguy hiểm khi nhiều gói thầu có nguồn vốn Nhà nước sử dụng những rào cản kỹ thuật đối với các nhà thầu lớn, để mở đường cho các nhà thầu yếu hơn dễ trúng thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 42 Nghị định73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 thì mức trách nhiệm giữ lại trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ là không quá 10% vốn chủ sở hữu. DN BH càng triển khai nhiều gói thầu BH tài sản, kỹ thuật có giá trị lớn thì tỷ lệ giữ lại phí BH gốc càng thấp, phải tái BH để kiểm soát rủi ro, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Trên thị trường, DN BH có vốn chủ sở hữu lớn nhất tính đến thời điểm 31/12/2016 chưa tới 3.000 tỷ đồng nên mức giữ lại đối với mỗi rủi ro riêng lẻ của DN này chỉ giới hạn ở mức dưới 300 tỷ đồng.  Các Hợp đồng BH thuộc loại hình BH bán lẻ (BH xe cơ giới) hoặc có số tiền BH nhỏ thì các DN BH có thể giữ lại nhiều nên đương nhiên tỷ lệ mức giữ lại phí BH gốc cao. Do đó, đưa ra tiêu chí “tỷ lệ giữ lại phí BH gốc 3 năm liên tiếp 2014, 2015, 2016 trên 50%” trong HSMT là không phù hợp với quy định về mức giữ lại theo các Quy định của pháp luật. 

Theo ý kiến của các chuyên gia và phản ánh của nhà thầu, điều kiện này đã hạn chế sự tham gia của nhà thầu, không đảm bảo yêu cầu cạnh tranh trong tổ chức lựa chọn nhà thầu. Do đó, nếu các tiêu chí không được quy định theo hướng dẫn tại Mục 2 Chương III của Mẫu HSMT dịch vụ phi tư vấn ban hành kèm theo Thông tư  14/2016/TT-BKHĐT ngày 29/9/2016 của Bộ KH&ĐT dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu thì việc quy định các tiêu chí đánh giá này trong HSMT là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định  63/2014/NĐ-CP và khoản 5 Điều 3 của Thông tư 14/2016/TT-BKHĐT.

Vì thế, chủ đầu tư không được tùy ý đưa các điều kiện làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, vi phạm Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng  mang lại tổn thất cho các bên. Thời gian gần đây, một số gói thầu đưa ra tiêu chí này trong HSMT đã phải điều chỉnh sau khi có kiến nghị của các DN BH tham gia đấu thầu.

Chỉ tiêu nào để đánh giá năng lực nhà thầu?

Theo Thông tư 195/2014/TT-BTC quy định về đánh giá, xếp loại DN BH thì các tiêu chí hàng đầu để đánh giá DN BH bao gồm: khả năng thanh toán, dự phòng nghiệp vụ, hiệu quả hoạt động kinh doanh BH gồm chỉ tiêu tỷ lệ biên khả năng thanh toán, chỉ tiêu trích lập dự phòng nghiệp vụ BH và chỉ tiêu tỷ lệ kết hợp. Trong đó, chỉ tiêu tỷ lệ biên khả năng thanh toán có ý nghĩa để đánh giá biên khả năng thanh toán của DN BH phi nhân thọ trong việc đáp ứng các trách nhiệm đã cam kết với khách hàng.

Chỉ tiêu này càng lớn thì mức độ đảm bảo khả năng thanh toán của DN càng cao. Một ý nghĩa quan trọng nữa đó là công tác tư vấn, đề phòng hạn chế rủi ro cho khách hàng bởi không một ai mong muốn tổn thất sẽ xảy ra đến với mình.

Vì vậy, các chủ đầu tư ngoài việc cần tuân thủ các quy định của pháp luật đấu thầu, khi ban hành HSMT phải dựa trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế; không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu thì còn phải chọn lựa các tiêu chí để đánh giá đúng năng lực nhà thầu nhằm đảm bảo an toàn cho dự án của mình. 

Đọc thêm