Đấu thầu giá mua điện mặt trời: Doanh nghiệp trong nước chưa đấu… đã thua?

(PLVN) - Cuối cùng thì giá điện mặt trời (ĐMT) sẽ không theo phương án 1 vùng hay 4 vùng như các dự thảo tờ trình Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trước đây. Thay vào đó, giá ĐMT cho giai đoạn sau 2020 sẽ được quyết định bằng phương án đấu thầu. Cơ chế này có dễ thực hiện?
Tỷ trọng đầu tư thiết bị trong dự án điện mặt trời chiếm tới 90%. (Ảnh minh họa)
Tỷ trọng đầu tư thiết bị trong dự án điện mặt trời chiếm tới 90%. (Ảnh minh họa)

Cuối năm 2020 sẽ thí điểm 

Theo văn bản kết luận cuộc họp thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: “Thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh để giảm giá mua điện từ các dự án (DA) ĐMT”.

Như vậy, sẽ chỉ có biểu giá khuyến khích cố định (biểu giá FIT) áp dụng chung cho ĐMT áp mái; việc ban hành biểu giá cố định cũng được xem xét áp dụng cho các DA đã ký hợp đồng mua bán điện và đang triển khai thi công xây dựng đưa vào vận hành trong năm 2020. Như vậy, tất cả các DA ngoài danh mục “vận hành năm 2020” sẽ được tiến hành đấu thầu để hướng đến mục tiêu giảm giá mua ĐMT. 

Đại diện Ban Năng lượng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra một thông tin “rất đáng chờ đợi”: Trước khi Campuchia tiến hành đấu thầu giá ĐMT thì giá mua điện ở nước này là 7,06 cent/kWh nhưng hiện nay (sau khi thực hiện cơ chế đấu thầu), giá mua ĐMT ở Campuchia chỉ còn 3,77 cent/kWh.

Vị này khẳng định, rõ ràng, việc thay đổi cơ chế đấu thầu đã có thể đưa đến mức giá tốt nhất. Tuy nhiên, tùy từng nơi mà giá có thể thay đổi tốt nhất nhưng phải có quy trình thực hiện như thế nào mới đạt được hiệu quả tốt như thế. 

Hiện ADB cũng làm việc với Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam để chuẩn bị thí điểm đấu thầu, sớm nhất có thể tiến hành đấu thầu thí điểm vào cuối năm 2020. 

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, đấu thầu là xu hướng tất yếu, nếu làm tốt có thể giảm đến 30-40% giá mua. Trên thế giới, sau khi có biểu giá khuyến khích cố định thì đến giai đoạn đấu thầu. Đây là hình thức bảo đảm công khai, minh bạch nhất để mọi doanh nghiệp (DN) đều có thể tham gia. Bộ Công Thương đang nghiên cứu quy trình để đấu thầu thành công DA ĐMT. Đang thực hiện các bước rà soát các vấn đề quy định của pháp luật, ai đứng ra tổ chức đấu thầu.

Hiện có 2 phương án đang được tính đến, bao gồm đấu thầu theo trạm biến áp (có trạm còn đủ dung lượng truyền tải lên hệ thống sẽ tiến hành đấu thầu với các DA xung quanh trạm này để chọn được DA bán với mức giá thấp nhất). Phương án thứ 2 là giải phóng mặt bằng sạch, sau đó mời nhà đầu tư vào thực hiện một phần hoặc toàn bộ DA. 

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho rằng,  việc đấu thầu là cần thiết, đã có luật và quy chế rồi nên cần khẩn trương làm một số DA thí điểm để năm 2021 có thể tiến hành rộng rãi. Bước lập hồ sơ mời thầu là quan trọng nhất, phải xác định được 1ha đất sản xuất ra được bao nhiêu kWh điện, từ đó sẽ xác định suất đầu tư và tổng mức đầu tư để đưa ra giá hợp lý nhất để các nhà đầu tư dự thầu. 

Doanh nghiệp trong nước chưa đấu đã… thua?

Nhiều người cho rằng, với cơ chế đấu thầu mà Thủ tướng vừa kết luận, số tiền ngân sách bỏ ra để bù giá điện sẽ ít hơn, EVN sẽ mua được giá điện “phải chăng” hơn. Nhưng để thực hiện được đấu thầu không dễ, nhất là trong tình thế hiện nay, thiếu điện đang ở ngay trước mắt. 

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hà Đô Ninh Thuận bày tỏ: “Đấu thầu để đảm bảo mục tiêu minh bạch, công khai là tốt nhưng mục tiêu trước mắt là chúng ta phải có điện để sử dụng. Vậy bao giờ mới có cơ chế đấu thầu để có thể có điện để cung cấp lên lưới? Thứ hai nữa, Luật Đấu thầu quy định, muốn thực hiện đấu thầu phải có mặt bằng sạch. Muốn có đất sạch thì phải có quy hoạch.

Trong khi đó, 10 tháng nay tất cả các quy hoạch đều bị dừng lại, không thể triển khai. Bao giờ có quy hoạch thì mới triển khai công tác giải phóng mặt bằng, có đất sạch bàn giao thì chủ đầu tư mới có cơ sở để thực hiện DA mời thầu. Mất bao lâu mới xong những công đoạn này, trong khi tài nguyên gió, tài nguyên mặt trời vẫn cứ phát quanh năm. Sẽ thất thoát rất nhiều tài nguyên”. 

Ông Vinh cho rằng, cơ chế đấu thầu này có thể khiến DN trong nước “thua trắng” trước các DN nước ngoài. Cụ thể, về lý, muốn thực hiện đấu thầu thì phải có mặt bằng rồi, phải có đường dây truyền tải hiện hữu. Do đó, câu chuyện đấu thầu DA ĐMT trở thành câu chuyện đấu thấu thiết bị bởi tỷ trọng đầu tư thiết bị trong một DA năng lượng mặt trời chiếm cao nhất, có thể tới 90%. Trong khi hiện Việt Nam hoàn toàn phải nhập khẩu nguồn này, xem như chưa đấu thầu DN Việt đã… thua chắc. 

Do đó, ông Vinh cho rằng, đấu thầu là cần thiết, là ý nghĩa nhưng cũng cần phải đánh giá lại tình hình thực hiện các DA ĐMT hiện nay để xem xét nên đưa ra phương án nào đúng đắn và phù hợp nhất với tình hình của DN Việt Nam hiện nay, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên sẵn có mỗi ngày? 

Đọc thêm