Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có an toàn?

(PLVN) - Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng, nhất là lãi suất ngắn hạn giảm, một số doanh nghiệp (DN) đã phát hành trái phiếu (TP) với lãi suất khá hấp dẫn. Liệu đây có phải kênh đầu tư an toàn? Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính đã có cuộc trao đổi với báo chí...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thưa ông, hiện trên thị trường, một số DN phát hành với lãi suất rất cao, đây có phải là trường hợp phố biến không?

- Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), trong 10 tháng đầu năm 2019, bình quân lãi suất phát hành TPDN là 9%/năm, tương đương với mức lãi suất phổ biến cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố (9 - 11%/năm). Trong đó, 82% khối lượng TP có lãi suất dưới 11%/năm, 17% khối lượng có lãi suất từ 11% -13%, 0,9% khối lượng TP có lãi suất trên 13%/năm.

Có 2 DN phát hành TP với lãi suất cao mà báo chí có đề cập là các giao dịch riêng lẻ, cá biệt, không mang tính chất đại diện và không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất huy động vốn từ phát hành TP của các DN. Các DN có tình hình tài chính tốt, độ tín nhiệm an toàn cao vẫn huy động với mức lãi suất phù hợp. 

Chúng tôi có đi kiểm tra trường hợp DN bất động sản phát hành lãi suất trên 14%/năm thì thấy rằng, đây là DN đang niêm yết trên HNX, TP huy động cho các dự án được đánh giá là an toàn và có khả năng sinh lời. Nhà đầu tư (NĐT) bao gồm quỹ đầu tư chuyên nghiệp và một nhóm NĐT cá nhân có khả năng đánh giá được rủi ro đầu tư. Đến nay, DN này thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của TP. 

Đối với trường hợp phát hành lãi suất ở mức 20%/năm, chúng tôi đã rà soát và đề nghị DN, tổ chức tư vấn phát hành báo cáo thì lãi suất 20%/năm là mức lãi suất trần, lãi suất cụ thể được tính theo từng kỳ trả lãi (hàng tháng) và theo với lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của 2 NHTM nhà nước cộng với độ lệch, theo tính toán thì lãi suất cho kỳ trả lãi đầu tiên khoảng trên 11%/năm. 

Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính
 Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính

Theo ông, TPDN phù hợp với những NĐT nào? Bộ Tài chính có khuyến nghị gì?

- TPDN được phát hành theo nguyên tắc DN tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Thông lệ các nước cho thấy, NĐT TPDN riêng lẻ là các NĐT chứng khoán chuyên nghiệp là những NĐT có kinh nghiệm đầu tư, có năng lực tài chính và khả năng đánh giá, phân tích rủi ro. 

Thị trường TPDN tăng trưởng nhanh nhưng quy mô vẫn nhỏ

Theo số liệu của Bộ Tài chính, từ năm 2017 trở lại đây, thị trường TPDN có sự phát triển nhanh để đáp ứng yêu cầu huy động vốn của DN. Năm 2018, quy mô thị trường đạt 9,01% GDP, tăng 58% so với năm 2017 (6,29% GDP) và tăng gấp 3,5 lần so với năm 2015 (3,4% GDP). 10 tháng đầu năm 2019, thị trường TPDN tiếp tục tăng trưởng, quy mô thị trường tăng 28% so với cuối năm 2018, đạt tương đương 10,47% GDP dự kiến năm 2019.

Mặc dù phát triển nhanh nhưng quy mô thị trường TPDN còn nhỏ so với các cấu phần khác của thị trường vốn như thị trường TP Chính phủ (27,25% GDP năm 2018), thị trường cổ phiếu (71,9% GDP năm 2018); so với kênh huy động vốn tín dụng ngân hàng (dư nợ tín dụng năm 2018 đạt 131% GDP) và so với quy mô của các nước trong khu vực (thị trường TPDN các nước trong khu vực có quy mô đạt 20-50% GDP).

Các DN vẫn chủ yếu phát hành theo phương thức riêng lẻ, khối lượng TP ra công chúng có xu hướng tăng trong 2 năm gần đây nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 3% tổng khối lượng phát hành).

Do khả năng trả nợ của DN phụ thuộc rất lớn vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, hiệu quả sử dụng nguồn vốn huy động nên các NĐT cá nhân cần rất thận trọng khi quyết định đầu tư vào TPDN. TPDN, đặc biệt là TP phát hành theo hình thức riêng lẻ chỉ phù hợp với các NĐT tổ chức, còn NĐT cá nhân nếu mua TP thì phải am hiểu về tài chính, có khả năng phân tích rủi ro và dám chấp nhận rủi ro trong đầu tư. Theo đó, TPDN riêng lẻ không phù hợp với NĐT cá nhân nhỏ, lẻ. 

Khi mua TPDN các NĐT phải nắm được thông tin đầy đủ như: TP do DN nào phát hành, mục đích phát hành? Có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo? Cam kết của chủ thể phát hành đối với TP như thế nào? Kỳ hạn và phương thức trả nợ gốc, lãi? Tình hình tài chính của DN phát hành?... Do đó, NĐT cá nhân không nên chỉ mua TPDN vì lãi suất cao mà không tìm hiểu kỹ về rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư.

Được biết, thị trường TPDN trong mấy năm gần đây phát triển khá nhanh và không tránh được những rủi ro có thể phát sinh. Bộ Tài chính có những giải pháp gì để hạn chế rủi ro?

- Khi đầu tư TPDN, NĐT có thể gặp rủi ro như: DN không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của TP, không thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi TP; DN không thực hiện cam kết với NĐT về mua lại TP trước hạn... 

Rủi ro khác có thể xảy ra là các DN, chủ thể phát hành và tham gia thị trường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều chuyển dòng tiền để tránh các giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc phục vụ các mục tiêu có lợi của DN. Điều này trở nên phức tạp đối với thị trường tài chính ngày càng phát triển. 

Do đó, cần thiết phải tăng cường cơ chế giám sát nhất là giám sát liên thông giữa thị trường tiền tệ, tín dụng và thị trường vốn. 

Để hạn chế rủi ro cho cả DN phát hành, NĐT mua TPDN, Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý giám sát đối với thị trường TPDN; chủ động đào tạo, phổ biến quy định pháp luật về phát hành TPDN; chủ động thông tin tuyên truyền về thị trường TPDN và khuyến nghị NĐT. Chúng tôi đang tổ chức tuyên truyền phổ biến Nghị định cho DN phát hành, NĐT, các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN…

Hiện Bộ Tài chính đang rà soát, đánh giá về cơ chế chính sách liên quan đến phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về TPDN để có kiến nghị điều chỉnh nhằm tăng cường quản lý giám sát, đảm bảo thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.

Trên cơ sở quy định tại Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Luật DN (sửa đổi), sẽ hoàn thiện khung pháp lý về phát hành TPDN theo cả 2 phương thức ra công chúng và riêng lẻ theo hướng: Đối với phát hành ra công chúng gắn với bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và niêm yết, giao dịch trên TTCK; Đối với phát hành riêng lẻ, quy định đối tượng phát hành và giao dịch là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp như thông lệ quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Lưu ý khi mua TPDN từ ngân hàng: 

Ngân hàng có được mời chào khách hàng mua TPDN?

Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng thấp, nhất là đối với tiền gửi ngắn hạn, để giữ chân khách hàng, nhiều NHTM tư vấn mời chào khách hàng mua TPDN với lãi suất khá cao. Thậm chí, nhân viên ngân hàng còn so sánh lãi suất tiền gửi trung và dài hạn của ngân hàng còn thấp hơn lãi suất TPDN. Liệu các NHTM có được mởi chào khách hàng mua TPDN?

 

Trao đổi với PLVN, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khẳng định, một trong những nghiệp vụ ngân hàng là tư vấn đầu tư, tư vấn và môi giới phát hành chứng khoán cho các khách hàng, DN.  Cho nên, việc tư vấn, chào mời khách hàng mua TPDN cũng là một hoạt động bình thường của ngân hàng.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, đối với người dân, cần lưu ý đó là lời tư vấn, lời chào mời, quyết định thế nào là của người dân. Tuy nhiên, cả NHTM và người dân đều có quyền yêu cầu DN phát hành TP công bố thông tin phát hành và thông tin về DN một cách công khai, minh bạch, để có cơ sở tư vấn cũng như ra quyết định đầu tư…

Nhà đầu tư lẻ lưu ý gì khi mua TPDN từ ngân hàng?

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Chuyên gia kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI, việc các NHTM  mua TPDN sau đó chào bán lại cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại ngân hàng không phải là hiện tượng mới.  

 

Tuy nhiên, với loại hình này, ông Linh lưu ý, người mua TP phải xác định rất rõ mình đang gửi tiết kiệm hay mua TP. Nếu mua TP thì cần chú ý đến các điều khoản bảo lãnh, tài sản đảm bảo, xử lý tài sản đảm bảo, lãi suất thực nhận sau khi trừ thuế và phí…

“Đối với khách hàng có hiểu biết và đòi hỏi, ngân hàng có thể đưa ra điều khoản bảo lãnh nhưng đối khách hàng ít kinh nghiệm thì có thể sẽ bị bỏ qua các điều khoản bảo vệ cho quyền lợi của mình. Lãi suất cao hơn thì luôn có rủi ro cao hơn, điều này cần phải quán triệt ngay từ đầu. Với các bạn bán hàng thì thường tránh nhắc đến việc này…”- ông Linh chia sẻ.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý đến các NĐT lẻ là không phải DN phá sản thì NĐT mởi bị rủi ro bởi DN không phá sản nhưng có thể không trả được nợ. 

“Giả sử TP đến hạn nhưng DN không trả nợ thì trái chủ sẽ gặp rất nhiều vấn đề. Về mặt pháp lý, trái chủ có quyền đệ đơn yêu câu tuyên bố phá sản, nhưng thực tế để giải quyết được không đơn giản. Trình tự để một DN có thể phá sản được vô cùng phức tạp, liên quan đến rất nhiều quyền lợi của bạn hàng, cán bộ, công nhân viên,… nên đợi đến khi quyền lợi của trái chủ được giải quyết thì còn lâu hơn nữa. Bên cạnh đó, người mua nhỏ lẻ đầu tư không lớn, ít tiềm lực tài chính nên hiếm trường hợp thuê luật sư để theo đuổi những vụ như thế này…”- ông Linh phân tích.

T.Lan - Minh Nguyễn

Đọc thêm