Đề án bảo lãnh thông quan: Giải pháp tạo thuận lợi thương mại hiệu quả

(PLVN) - Đề án bảo lãnh thông quan (BLTQ) đối với hàng hóa xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) và các tài liệu kèm theo đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ, ngành chức năng trước khi trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Hải quan, cơ chế này hiện được nhiều quốc gia công nhận là một biện pháp tạo thuận lợi thương mại hiệu quả và từ lâu đã được đưa vào các hiệp định thương mại quốc tế với các tên gọi khác nhau.

2 phương thức bảo lãnh thông quan

Theo dự thảo Đề án, cơ chế BLTQ là một hình thức cam kết bảo đảm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và các khoản phải nộp khác đối với hàng hóa XK, NK, quá cảnh của DN bảo hiểm với cơ quan Hải quan thay cho người được bảo lãnh khi người được bảo lãnh chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về hải quan. Cơ quan Hải quan quyết định việc thông quan, giải phóng hàng hóa hoặc cho đưa hàng về bảo quản để chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở BLTQ.

Dự kiến, cơ chế BLTQ sẽ được thực hiện thí điểm đối với hàng hóa XK, NK trong các lĩnh vực sau: Hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện phải nộp thuế ngay trước khi thông quan, giải phóng hàng; Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn); Hàng hóa quá cảnh đi qua lãnh thổ Việt Nam; Các trường hợp chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ thuộc hồ sơ hải quan; Hàng hóa nhập khẩu đưa hàng về bảo quản, chờ kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (kiểm tra chuyên ngành).

Dự thảo đưa ra 2 phương thức BLTQ. Thứ nhất, bảo lãnh dựa trên số tiền thuế phải nộp áp dụng đối với các trường hợp: Hàng hóa XK, NK thuộc diện phải nộp thuế ngay trước khi thông quan, giải phóng hàng. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn); hàng hóa quá cảnh đi qua lãnh thổ Việt Nam; chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ thuộc hồ sơ hải quan (trong các trường hợp: chưa có Giấy chứng nhận xuất xứ để được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do hoặc để chứng minh hàng hóa có xuất xứ từ các nước không thuộc diện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại). 

Thứ hai, bảo lãnh dựa trên trị giá của lô hàng NK áp dụng đối với các trường hợp: Bảo lãnh đưa hàng về bảo quản, chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành; bảo lãnh chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ thuộc hồ sơ hải quan trong trường hợp hàng hóa có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát; Hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ theo các chế độ nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Việt Nam và nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ cùng là thành viên.

Nhiều quốc gia đã áp dụng

Dự thảo cũng quy định, tổ chức tham gia phát hành bảo lãnh cho hàng hóa XK, NK theo quy định tại Nghị quyết này bao gồm các tổ chức kinh doanh bảo hiểm hoạt động theo pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Tổ chức phát hành BLTQ phải đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định và được Bộ Tài chính công nhận. 

Tổ chức phát hành BLTQ chịu trách nhiệm về việc: Nộp đủ số tiền phạt và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo trị giá của lô hàng trong trường hợp bảo lãnh theo trị giá lô hàng NK; Nộp đủ số tiền phạt, tiền thuế, tiền chậm nộp trong trường hợp bảo lãnh dựa trên số tiền thuế phải nộp; Chỉ định địa điểm bảo quản hàng hóa đối với trường hợp bảo lãnh dựa trên trị giá lô hàng NK.

Tổng cục Hải quan cho biết, cơ chế BLTQ đã và đang được nhiều quốc gia đang phát triển áp dụng với rất nhiều loại bảo lãnh khác nhau dùng cho nhiều mục đích chi tiết khác nhau. Ngày nay, nhiều quốc gia công nhận BLTQ là một biện pháp tạo thuận lợi thương mại hiệu quả và giải pháp này từ lâu đã được đưa vào các hiệp định thương mại quốc tế với các tên gọi khác nhau như “cam kết bảo lãnh” (Surety) hay “công cụ đảm bảo” (security instruments) hay “một đảm bảo” (guarantee). Đây không phải là tiêu chuẩn áp dụng toàn cầu nên có thể áp dụng theo nhiều hình thức và cách tiếp cận khác nhau, phụ thuộc vào hệ thống pháp lý của mỗi nước và quyết định của các cơ quan quản lý.

Đọc thêm