Để kinh doanh đa cấp không mang tiếng oan

(PLVN) - Là phương thức bán hàng lâu đời trên thế giới và được pháp luật công nhận, song nói đến đa cấp không ít người đánh đồng với chụp giật, lừa đảo… Minh bạch và công bằng thông tin đang là đòi hỏi cho lĩnh vực kinh doanh được đánh giá nhiều tiềm năng này…
Nói đến đa cấp không ít người đánh đồng với chụp giựt, lừa đảo… (Ảnh minh họa)
Nói đến đa cấp không ít người đánh đồng với chụp giựt, lừa đảo… (Ảnh minh họa)

Đánh đồng “đa cấp” và “đa cấp bất chính”

Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam (MLMA), bà Trương Thị Nhi trong Tọa đàm “Báo chí với doanh nghiệp (DN) kinh doanh đa cấp (KDĐC)” diễn ra mới đây cho rằng sở dĩ có sự đánh đồng “đa cấp” với “đa cấp bất chính” là do giữa DN và báo chí chưa thực sự hiểu nhau.

“Thực tế phải thừa nhận vẫn còn một số DN làm ăn chưa minh bạch, nhưng khi báo chí đăng tải thông tin lại không nêu rõ tên công ty mà chỉ nói chung về ngành nghề đa cấp dẫn tới nhiều người còn chưa hiểu cụ thể và chưa sáng tỏ, đánh đồng giữa DN đa cấp và DN đa cấp bất chính…”- bà Nhi nói.

Ông Phạm Văn Cao - Trưởng phòng Điều tra và xử lý hành vi Cạnh tranh không lành mạnh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện vẫn đang có sự nhầm lẫn về mặt thuật ngữ giữa “bán hàng đa cấp” và “bán hàng đa cấp bất chính”, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

“Thực tế cho thấy, khi nói về KDĐC bất chính, nhiều người chỉ dùng một cụm từ chung chung là “bán hàng đa cấp” nên nhiều DN KDĐC chân chính bị ảnh hưởng…”- ông Cao nhìn nhận.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc Đối ngoại Công ty AMWAY Việt Nam cho biết, trước đây, khi Nghị định 40/2018/NĐ-CP (Nghị định 40) về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa ra đời, số DN hoạt động trong lĩnh vực này là 67 DN. Tuy nhiên, khi Nghị định 40 ra đời, con số này chỉ còn 23 DN.

Theo ông Sơn, không phải tất cả 44 DN còn lại đều là bất chính, mà chỉ có khoảng 2/5 trong số này là KDĐC bất chính. Trong số đó, có những DN không muốn đầu tư, kinh doanh nữa nên chọn cách rút khỏi thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng, những quy định, tiêu chuẩn của Nghị định 40 đòi hỏi rất cao, không phải DN nào cũng có thể tồn tại được. Bởi vậy, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực này giảm cũng là điều dễ hiểu. 

Minh bạch và công bằng thông tin

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2017 doanh thu của ngành KDĐC là 8.000 tỷ đồng. Năm 2018, mặc dù có một số DN bị khai trừ hay cắt giấy phép và chỉ còn hơn 20 DN hoạt động nhưng doanh thu vẫn hơn 10.000 tỷ đồng.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, đây là con số rất ấn tượng. Luật sư cho biết, ông đã có nhiều năm làm việc liên quan tới các DN hoạt động KDĐC, đã thụ lý với nhiều nạn nhân, nhưng đây là lần đầu tiên MLMA chia sẻ thông tin. 

“Đây là điều đáng mừng, bởi thông tin tiêu cực đang làm mô hình KDĐC trở lên xấu xí, người dân nghe thấy là chạy. Nguyên nhân trước hết là do bản thân DN” – Luật sư Truyền nhìn nhận và đề nghị MLMA cần có hoạt động tuyên truyền tích cực hơn.

“Mỗi khi có sự việc liên quan DN KDĐC, Hiệp hội cần nhanh chóng đưa ra những thông báo từ Hiệp hội về thông tin DN đó: DN đó từ đâu, như thế nào, có thuộc Hiệp hội không… Đừng để hình ảnh mô hình kinh doanh này méo mó…” - Luật sư nói thêm. 

Ở góc độ cơ quan báo chí, Nhà báo Diệu Oanh - Thư ký Toà soạn Báo Thanh tra cho biết, thực tế hoạt động KDĐC do đã có nhiều biến tướng nên nó đã ghim sâu vào suy nghĩ của nhiều người là không tốt, là lừa đảo. Vì vậy, để thay đổi được nhận thức, thì trước tiên việc công bố thông tin của DN phải công khai, minh bạch, kịp thời.

“Định nghĩa “KDĐC” không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Chúng tôi tự hào về ngành bán hàng đa cấp. Chúng tôi cũng mong muốn thông qua báo chí, thay đổi quan điểm của rất nhiều người Việt Nam về ngành bán hàng đa cấp…”- Giám đốc Đối ngoại Công ty AMWAY Việt Nam bày tỏ.

Còn Luật sư Nguyễn Thế Truyền nhấn mạnh, ngay từ bây giờ DN phải sẵn sàng thông tin đầy đủ cho dư luận thông qua Hiệp hội để lấy lại lòng tin từ người tiêu dùng.

Đọc thêm