Đề xuất giảm thuế cho DN nhỏ và vừa: “Đòn bẩy” giúp DN phát triển

(PLO) - Đề xuất giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phổ thông từ 20% hiện nay xuống còn 15-17% cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Bộ Tài chính sẽ giúp cho DN có cơ hội tiếp tục tái đầu tư, mở rộng sản xuất, từ đó góp phần tăng thu cho ngân sách…
Đề xuất giảm thuế cho DN nhỏ và vừa:  “Đòn bẩy” giúp DN phát triển

Giảm thuế không lo hụt thu

Triển khai thực hiện Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DNNVV, trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 và năm 2017, Bộ Tài chính đã trình phương án giảm thuế cho đối tượng DNNVV đề xuất Chính phủ trình Quốc hội.

“Nếu các bộ ngành liên quan cũng đề xuất những chính sách cụ thể như của Bộ Tài chính, cùng với việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, thì đây sẽ là một xung lực cần thiết để DNNVV vượt lên và phát triển bền vững. Tuy nhiên, giảm thuế nhưng phải làm sao để công khai minh bạch hệ thống sổ sách kế toán, dần loại bỏ chi phí không chính thức để giúp ngành thuế thu đúng, thu đủ. Như vậy, NSNN không lo hụt thu đối với thuế TNDN…”.

(Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng CIEM, Bộ KH&ĐT)

Theo đó, dự thảo bổ sung quy định giảm thuế suất phổ thông áp dụng cho đối tượng DNNVV với hai phương án: Phương án 1, áp dụng thuế suất phổ thông 17% từ 1/1/2016 đến hết năm 2020 cho DNNVV; Phương án 2, áp dụng thuế phổ thông 15% từ 1/1/2016 đến năm 2020. Được biết, mức thuế phổ thông hiện nay đang áp dụng là 20%.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất phương án giảm thuế TNDN cho các DN khởi nghiệp mới thành lập có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi hoặc tại các khu vực kém phát triển, nông thôn, vùng sâu, vùng xa: áp thuế TNDN 10% trong 15 năm; miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với dự án mới.

Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế suất phổ thông đối với DNNVV xuống còn 17% trong giai đoạn 2017 - 2020 vừa đảm bảo sự khuyến khích đối với DNNVV, vừa không ảnh hưởng nhiều tới số NSNN do số lượng DNNVV chiếm phần lớn trong nền kinh tế nhưng tỷ trọng đóng góp vào NSNN về thuế TNDN lại nhỏ.

Tính toán từ số liệu DN của năm 2015, Bộ Tài chính cho biết, nếu xác định DNNVV theo tiêu chí doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng thì số lượng DN này mặc dù chiếm đến 86,2% nhưng số thu về thuế TNDN chỉ có 2.746 tỷ đồng; mức giảm thu ngân sách khoảng 473 tỷ đồng.

Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng CIEM, Bộ KH&ĐT
Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng CIEM, Bộ KH&ĐT
Bộ Tài chính cho rằng việc giảm thuế cho DNNVV dự kiến sẽ giảm thu NSNN năm 2016 và các năm tiếp theo nhưng sẽ được bù đắp tăng thu từ các loại thuế gián thu và thuế thu nhập cá nhân.

Đặc biệt việc giảm thuế này sẽ góp phần tạo điều kiện cho các DN tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), từ đó tăng thu từ thuế TNDN vào giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, việc giảm thuế suất phổ thông đối với DNNVV sẽ đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư so với các nước khác.

Hợp lý và kịp thời

Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, trong 3 năm gần đây, mỗi một năm có khoảng 60.000-70.000 DNNVV phá sản hoặc ngừng hoạt động. Đáng lo ngại hơn, việc phá sản hoặc ngừng hoạt động của DNNVV không có chiều hướng giảm mà đang tăng lên.

Quan điểm của tôi là DN nhỏ cũng như đứa con nhỏ trong gia đình, thấy con nhỏ, yếu thì phải hỗ trợ cho nó lớn hơn và khỏe hơn. Là chủ một DN, tôi rất đồng tình với giải pháp này. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, việc giảm thuế cho DN dù chỉ 1% thôi cũng rất đáng quý vì DN nhỏ thường có ít vốn. Xét về giá trị của việc giảm thì không nhiều, nhưng giá trị lớn nhất là động viên tinh thần giúp DN có niềm tin, là đòn bẩy để thúc đẩy DN phát triển hơn. Chính sách này rất thực tế đối với cộng đồng DN…”.

(Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT CTCP Chăn nuôi và Chế biến XNK -Aprocienex)

Khảo sát với khoảng 1.000 DN mới đây của Trung tâm hỗ trợ DN hội nhập và phát triển, thuộc Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho thấy, để đầu tư cho một DNNVV tham gia thị trường sẽ cần số tiền khoảng 100 triệu đồng cho năm đầu tiên, bao gồm các loại phí liên quan đến tư vấn và thành lập DN.

Nếu sau một năm có 60.000 – 70.000 DNNVV dừng hoạt động, thì chúng ta sẽ tổn thất một nguồn lực xã hội là vô cùng lớn, lên đến 6.000 – 7.000 tỷ đồng.

Theo ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ KH&ĐT, việc Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế TNDN vào thời điểm này là rất hợp lý và phù hợp với chủ trương phát triển DNNVV của Chính phủ.

DNNVV đang rất cần những chính sách mạnh mẽ, cụ thể và kịp thời như vậy. Ông Hiếu cũng cho rằng giảm thuế TNDN là một trong những giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu quan trọng hàng đầu.

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc  cũng khẳng định, việc giảm thuế suất thuế TNDN cho các DNNVV là hoàn toàn phù hợp.

“Theo Luật số 32 sửa đổi bổ sung thuế TNDN, từ năm 2016 các DN đang áp dụng thuế suất 22%. Với mức thuế suất này thì các DNNVV có doanh thu từ 20 tỷ đồng trở xuống được áp dụng thuế suất ưu đãi hơn là 20%, tuy nhiên từ 1/1/2016 do thuế suất cơ bản chung cho DN điều chỉnh giảm từ 22% xuống còn 20% nên không còn sự phân biệt thuế suất giữa DN bình thường và DNNVV.

(Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT CTCP Chăn nuôi và Chế biến XNK -Aprocienex)
(Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT CTCP Chăn nuôi và Chế biến XNK -Aprocienex)

Do đó, việc giảm thuế cho DNNVV xuống 17% lần này có thể sẽ giảm thu ngân sách một phần, tuy nhiên, việc giảm 3% thuế cho DNNVV sẽ giúp cho DN thêm vốn để tái đầu tư, thông qua đó DN có thể mở rộng đầu tư SXKD, tăng thêm doanh thu. Đồng thời DN có thể giảm thiểu được lãi vay để đầu tư…”- bà Cúc phân tích.

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng cho rằng, trước mắt NSNN sẽ mất đi một phần thuế thu từ DN nhưng sau này khi DN phát triển hơn, tăng thêm thu nhập thì DN sẽ có điều kiện để đóng góp cho NSNN nhiều hơn. “Điều này cũng hoàn toàn phù hợp!…”- bà Cúc khẳng định.

Theo Bộ Tài chính, chính sách hỗ trợ về thuế là công cụ thường được các nước sử dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển DNNVV.

Nhiều nước có quy định DNNVV được áp dụng thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông như: Singapore áp dụng thuế suất phổ thông là 17%, trong đó giai đoạn 2016 - 2017 giảm 50% số thuế TNDN phải nộp nhưng tối đa không quá 20.000 SGD/năm với điều kiện DN có doanh thu bán hàng hàng năm dưới 100 triệu SGD hoặc sử dụng dưới 200 lao động. Malaysia áp dụng thuế suất 19% đối với 500.000 RM thu nhập chịu thuế đầu tiên, trong khi thuế suất phổ thông là 24%.

Hà Lan quy định DN có thu nhập chịu thuế lớn hơn 200.000 EUR thì áp dụng thuế suất 20% đối với 200.000 EUR thu nhập chịu thuế đầu tiên và 25% đối với phần thu nhập chịu thuế vượt 200.000 EUR…

Đọc thêm