Đề xuất nhập cảnh đặc biệt cho các chuyên gia nước ngoài

(PLVN) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho các chuyên gia trong các dự án có vốn đầu tư nước ngoài của các tập đoàn lớn được nhập cảnh vào Việt Nam.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Theo đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho các chuyên gia trong các dự án có vốn đầu tư nước ngoài của các tập đoàn lớn được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Bộ LĐTB&XH, trong phạm vi cả nước hiện còn khoảng 8.459 người là những chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Trong đó, có khoảng 2.000 lao động của một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia, dự án áp dụng công nghệ mới của các tập đoàn đa quốc gia như: dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (76 người), dự án LG Display tại Hải Phòng (200 người), Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam tại Bắc Ninh (700 người), Công ty TNHH Samsung Elecho-Mechanics Việt Nam và công ty đối tác tại Thái Nguyên (150 người), Công ty TNHH Texhong (77 người).

Điều kiện được nhập cảnh là có văn bản đề xuất của UBND cấp tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp hoạt động và chuyên gia có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính với dịch Covid-19 do cơ quan y tế của quốc gia/vùng lãnh thổ nơi chuyên gia cư trú cấp. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT lưu ý chuyên gia cần thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, sau đó được về làm việc tại dự án với sự giám sát về y tế của chính quyền địa phương.

Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐTB&XH gia hạn giấy phép lao động cho các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Và cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật người nước ngoài mới để thay thế cho những chuyên gia nước ngoài không được nhập cảnh hoặc không nhập cảnh trở lại Việt Nam.

Đồng thời, để tạo nhất quán trong chỉ đạo và xử lý, Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo UBND cấp tỉnh, trong vòng 03 ngày kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc doanh nghiệp, kèm theo danh sách nhập cảnh vào Việt Nam (với các thông tin về: tên, tuổi, quốc tịch, số hộ chiếu, vị trí công tác, thời gian dự kiến vào Việt Nam, thời gian và địa điểm lưu trú, số Giấy phép lao động, cửa khẩu nhập cảnh vào Việt Nam), phải có văn bản trả lời, đồng thời gửi cơ quan nhập cảnh (Công an hoặc Quốc phòng) nơi cửa khẩu dự kiến nhập cảnh để xem xét cho phép nhập cảnh; UBND tỉnh/thành phố nơi dự kiến nhập cảnh và nơi cách ly để phối hợp, hỗ trợ và giám sát việc cách ly.

Trước đó, như Báo PLVN đã thông tin, trong khi dự án đường sắt Cát Linh –Hà Đông đang được đẩy nhanh để đưa vào hoạt động, nhưng từ cuối tháng 1/2020 đến nay, xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam, Trung Quốc và thế giới khiến 80 kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật của Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát thực hiện dự án về Trung Quốc để nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã không thể trở lại Việt Nam tiếp tục làm việc như dự kiến.

Để đảm bảo tiến độ Dự án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo Bộ Công an, Bộ LĐTB&XH, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về thủ tục nhập cảnh, quy trình khi nhập cảnh (cách lý, giám sát, theo dõi...) đối với các nhân sự quay trở lại Việt Nam. 

Đọc thêm