Đề xuất quy định xử lý kiến nghị của doanh nghiệp ngay trong ngày

(PLO) - Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận, theo dõi, tổng hợp và trả lời kiến nghị của DN, cộng đồng DN kiến nghị rút ngắn việc chuyển phản ánh, kiến nghị của DN tới cơ quan có thẩm quyền.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời gian chuyển đơn tối đa là 3 ngày

Góp ý về quy trình tiếp nhận phản ánh, kiến nghị (Điều 8 Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện của cộng đồng DN Việt Nam cho rằng, ở trường hợp không tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, Văn phòng Chính phủ sẽ thông báo cho DN, tổ chức việc không tiếp nhận và nêu rõ lý do thông qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của DN.

Quy định này là phù hợp đối với các phản ánh, kiến nghị được thực hiện qua Hệ thống hoặc email nhưng lại chưa hợp lý đối với các phản ánh, kiến nghị được gửi trực tiếp bằng văn bản đến Văn phòng Chính phủ hoặc Cổng Thông tin.

“Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hai phương án xử lý cho các trường hợp DN, tổ chức đến trực tiếp trụ sở. Có thể cho cán bộ tiếp dân truy cập và in văn bản không tiếp nhận đó cho DN, tổ chức” – văn bản của VCCI gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất..

Về thời hạn nghiên cứu, đánh giá, phân loại phản ánh, kiến nghị (khoản d): phản ánh, kiến nghị sau khi được gửi vào Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị nghĩa là được thể hiện dưới dạng điện tử. Do đó, việc chuyển tới các cơ quan khác chỉ mất thời gian ở việc biên tập, xác định cơ quan nào chịu trách nhiệm xử lý phản ánh, kiến nghị đó và đều có bộ phận chuyên trách thực hiện (theo quy định tại Điều 9 Dự thảo). Phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền trả lời của VPCP thậm chí được quy định là xử lý ngay trong ngày. 

“Với các lý do trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc rút ngắn việc chuyển phản ánh, kiến nghị xuống còn 02 ngày đối với phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền của 01 cơ quan và 03 ngày đối với phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền của từ 02 cơ quan trở lên” – VCCI đề xuất.

Bên cạnh đó, cách tính thời hạn được cho là “còn chưa thống nhất”. Ví dụ đối với phản ánh, kiến nghị về nội dung quy định, thủ tục, yêu cầu thuộc thẩm quyền của một cơ quan hành chính nhà nước, VPCP chuyển phản ánh, kiến nghị tới cơ quan này trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận.

Tuy nhiên, đối với phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền trả lời của nhiều cơ quan hành chính nhà nước thì VPCP phải chuyển tới cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp để trả lời trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày tiếp nhận. “Đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “để trả lời” nói trên bảo đảm tính thống nhất và hợp lý” – VCCI kiến nghị.

Làm sao để phản ánh, kiến nghị đã được xử lý (hơn một lần) không quay lại chỗ cũ “dẫm chân tại chỗ”?

Thực tế hiện nay cho thấy, đa số các phản ánh, kiến nghị của DN, tổ chức thông thường sẽ được xử lý ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương trước tiên. Trong trường hợp phản ánh, kiến nghị đó chưa được giải quyết thỏa đáng thì mới được đưa đến Văn phòng Chính phủ/Cổng thông tin. Nếu quy định như Dự thảo hiện tại, những vướng mắc này sẽ lại được đưa về cơ quan có thẩm quyền đã từng xử lý và như vậy chắc chắn sẽ không giải quyết được vấn đề một cách triệt để.

Theo Điều 16, 17 Nghị định 20/2008/NĐ-CP ngày 14/2/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thì: “Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm đề nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thực hiện những quy định hành chính (QĐHC) thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ, cơ quan ngang Bộ và HĐND, UBND cấp tỉnh; xem xét, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ những QĐHC thuộc thẩm quyền quyết định của các cơ quan này”; “Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh xử lý dứt điểm, kịp thời và đúng thẩm quyền… Tổ chức nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các phản ánh, kiến nghị về QĐHC đã được các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh xử lý nhưng cá nhân, tổ chức vẫn tiếp tục phản ánh, kiến nghị”. 

Với các lý do và căn cứ nêu trên, để bảo đảm thực hiện một cách thực chất, cụ thể mục tiêu đề tại của các Nghị quyết của Chính phủ (về hỗ trợ và phát triển DN, cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…), VCCI đề nghị: “Ban soạn thảo sửa đổi quy trình giải quyết đối với các trường hợp này (Điều 8 Dự thảo) theo hướng: đối với các phản ánh, kiến nghị đã được xử lý tại cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền mà cá nhân, tổ chức vẫn tiếp tục phản ánh, kiến nghị, Văn phòng Chính phủ tiếp nhận và chuyển phản ánh, kiến nghị tới cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền ở cấp cao hơn để trả lời (ghi cụ thể từng trường hợp: từ cấp Chính phủ đến UBND các cấp)”. 

Đọc thêm