Đề xuất sửa Nghị định 100 để “cứu” ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát

(PLVN) - Tác động kép của đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã khiến ngành công nghiệp rượu, bia, nước giải khát lâm vào cảnh khó khăn, ngân sách giảm thu…
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Doanh nghiệp lao đao, giảm thu ngân sách ...

Tại Diễn đàn: “Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn DN tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước Giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, năm 2020 sản xuất, kinh doanh của DN bị giảm sút mạnh, sản lượng doanh thu và lợi nhuận giảm từ 20- 40%.

Cụ thể, 6 tháng năm 2020, so với cùng kỳ, chỉ số tiêu thụ ngành sản xuất đồ uống  chỉ bằng 89,3%%, chỉ số tồn kho bằng 123,2%, chỉ số lao động bằng 83,7%, sản lượng bia các loại bằng 82,6%, hệ thống nhà hàng dịch vụ giảm 70- 80% lượng khách. Đi cùng với đó là số thu ngân sách nhà nước (NSNN) cũng giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA.
 Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế, cho biết, giai đoạn từ 2016-2020 ngành rượu bia chịu sự điều chỉnh của thuế môn bài, thuế xuất nhập khẩu (dòng thuế này được cắt theo lộ trình), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ DN, thuế tiêu thụ cá nhân, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế bảo vệ môi trường… 

Năm 2019, tổng thu  NSNN của các DN trong VBA đạt khoảng 60.000 tỷ đồng bao gồm các loại thuế, theo ông Phụng đây là khoản thu ngân sách lớn (trong tổng thu ngân sách trên 1 triệu tỷ đồng). 

Trong số đó, nhóm các DN có đóng góp lớn như Heineken, Sabeco, Habeco, Carlsberg…  nộp 49.595 tỷ đồng, chiếm 80% số nộp của cả ngành. Tuy nhiên, số nộp NSNN trong 10 tháng năm 2020 của khối DN này chỉ khoảng 39.111 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính).
Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). 

Theo đại diện Tổng cục Thuế, tác động của dịch COVID-19 cùng một số quy định  đối với ngành rượu bia đã làm lượng tiêu thụ giảm, lượng tồn kho tăng cao, chắc chắn ảnh hưởng đến số nộp ngân sách. Ngoài ra, cũng theo ông Phụng, DN rượu bia ngày càng phải đối diện với sức ép cạnh tranh lớn, thiên hướng tiêu dùng có thể thay đổi, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.

Trước khó khăn của các DN, VBA cũng có văn bản kêu cứu lên Chính phủ bởi rượu bia cũng là một ngành bị tác động mạnh bởi COVID-19. Tuy nhiên theo Chủ tịch VBA, “98% DN Việt Nam được hỗ trợ, còn 2% DN không được hỗ trợ trong đó có DN rượu, bia”.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành rượu bia, theo đại diện Tổng cục Thuế, nhà nước cần ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách thuế, tạo sự bình đẳng với các ngành khác trong việc tiếp cận nguồn lực chính sách. “Chúng ta chỉ chống tác hại của rượu, bia chứ không phải chống rượu bia…” - ông Phụng lưu ý.

Tai nạn gia thông giảm do đâu?

Đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG), ông Vũ Đức Phúc cho biết, trước Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chúng ta có Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này cũng có mức xử phạt rất cao. “Mục đích của Nghị định 100 này không phải để cấm người dân uống rượu bia mà chỉ xử phạt những người uống rượu bia rồi sử dụng phương tiện tham gia giao thông…” - ông Phúc giải thích.

Đại diện UBATGTQG cũng cho biết, năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện chiến dịch phòng chống tác hại của rượu bia. Số vụ  tai nạn chung trong 10 tháng đầu năm 2020 là 10.000 vụ, giảm 2000 vụ so với cùng kỳ. Số lượng người chết giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây. Về xử lý vi phạm, trong 9 tháng đầu năm 2020 cơ quan chức năng đã xử lý 3 triệu vi phạm, phạt tiền 2,5 tỷ đồng; tỷ lệ số lượng vi phạm về nồng độ còn 141.000 nghìn lượt, giảm 1,68%. so với cũng kỳ.

Tuy nhiên đại diện UBATGTQG cũng không phân tích đươc nguyên nhân giảm do đâu, có phải do tác động của Nghị định 100 hay không.

Ông Vũ Đức Phúc - Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia.
 Ông Vũ Đức Phúc - Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia.

Theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông, COVID-19 khiến nhiều DN khó khăn, nhiều DN, nhà hàng trả mặt bằng. Nhưng COVID-19 là khách quan, còn Nghị định 100 (thay thế Nghị định 46) tác động  lên ngành công nghiệp rượu, bia thực sự rất nặng nề.

Luật sư Huế cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho ngành bia, rượu, nước giải khát có nhiều việc phải làm như vấn đề tài chính, bối cảnh khách quan đang xảy ra như đại dịch COVID-19, hay vấn đề nội tại DN. Tuy nhiên, những chính sách đang tác động tiêu cực đến ngành sản xuất này như Nghị định 100 cần phải sửa ngay để cứu ngành rượu bia.

Luật sư Nguyễn Danh Huế – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông.
 Luật sư Nguyễn Danh Huế – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông.

“Mục tiêu đưa ra mức xử phạt cao trong Nghị định 100 là tốt, có nhiều điểm tiến bộ. Tuy nhiên có một số điều khoản chưa hợp lý. Ví dụ như cứ có nồng độ cồn trong máu là xử phạt là khiên cưỡng, vội vàng, ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, tới DN đặc biệt trước sức ép thu ngân sách…” - Luật sư Huế bày tỏ quan điểm đồng thời nhấn mạnh, hiện chưa có báo cáo hay điều tra xã hội học nào đánh giá tác động của Nghị định 100 từ khi đi vào thực tế. 

“Tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng cao bởi phương tiện cá nhân nhiều, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo. Do đó, khi đưa chính sách cấm bia rượu cần tính toán tới phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lực vận tải công cộng để người dân có thể uống bia mà vẫn có thể có phương tiện trở về nhà…” - Luật sư Huế đề xuất.

Cần có góc nhìn đa chiều

Theo Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn DN Nguyễn Ngọc Tuấn, xung quanh vấn đề này cần phải có góc nhìn đa chiều. Thứ nhất, tác động của rượu bia phải được đánh giá lại, để từ đó định hướng phát triển, kiểm soát và tiêu thụ rượu bia; Thứ hai là vấn đề trong tư duy quản lý. Đó là việc quản lý lượng tiêu thụ hay quản lý tác hại và xem xét những vấn đề này đã thực sự khách quan hay chưa; Thứ ba, thực trạng sự đóng góp của ngành rượu bia (ngân sách, việc làm, các ngành sản xuất phụ trợ…)

Theo ông Tuấn, việc một ngành kinh tế lớn như vậy nhưng chưa có hoạch định cụ thể là vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh đó, năng lực thực sự của  DN và chính những nỗ lực của DN trong thời gian qua giúp con số suy giảm chỉ ở mức 20%. Điều này đòi hỏi những đóng góp về ý kiến giải pháp từ cơ quan quản lý, DN và các chuyên gia…

Doanh nghiệp cũng cần xem xét gia tăng sản phẩm thay thế hỗ trợ 

Ông Phùng Hoàng Cơ, Phó chủ tịch HĐQT, Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), chia sẻ, tong quá trình nghiên cứu, các DN đã chia sẻ với VietNam Report rằng có 5 thách thức đã gây khó khăn cho ngành rượu bia trong thời gian qua đó là vấn đề phân phối, nhu cầu về mặt hàng, đảm bảo hoạt động sản xuất, lúng túng trong quản lý nhân sự, nguồn cung nguyên liệu đứt gãy. Tuy nhiên, có một điểm sáng thị trường đó là Công ty TNHH Nhà máy bia HEINEKEN Việt Nam đã cho ra thị trường một loại sản phẩm mới: bia không cồn. Đây là loại sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu cho các đối tượng lái xe.

Do đó, trong thời gian tới, để tháo gỡ các khó khăn, các DN cần xem xét gia tăng sản phẩm thay thế hỗ trợ, các sản phẩm sạch, hữu cơ cần được chú trọng trong ngành nước giải khát. Bên cạnh đó, DN cần thay đổi về vấn đề chuyển đổi số, tiếp cận người dùng, tái cấu trúc mạng lưới phân phối, tiếp cận người dùng…

Đọc thêm