Đề xuất tăng phí BOT: Doanh nghiệp vận tải và nhà đầu tư nói gì?

(PLVN) - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tác động rất lớn đến các doanh nghiệp thì việc nên tăng hay giữ phí BOT cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Đề xuất tăng phí BOT: Doanh nghiệp vận tải và nhà đầu tư nói gì?

Liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng phí BOT “cứu” nhà đầu tư dự án giao thông, đại diện các doanh nghiệp vận tải khẳng định đây chưa phải là thời điểm thích hợp và không nên tăng trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 này.

Trong khi đó, các nhà đầu tư lại đưa ra quan điểm nếu chậm tăng giá vé thì tiền lãi cứ cộng dồn vào sẽ ‘đánh gục’ doanh nghiệp và kéo theo sự “chết chìm” của cả ngân hàng.

Nên tăng hay giữ phí BOT?

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho biết trong khi tần suất hoạt động vận tải, lượng khách sụt giảm lớn, rất nhiều doanh nghiệp liên quan đến lưu thông hàng hóa đều bị ảnh hưởng thì phí BOT, bảo trì đường bộ đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Trong khi các loại thuế phí khấu hao tài sản cố định, lãi suất ngân hàng vẫn giữ nguyên... thì mức phí BOT trong hướng tuyến xe chạy của doanh nghiệp hiện đang rất cao. Nếu tăng phí BOT để cứu vãn nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp khác,” ông Hải cho hay.

Theo ông Hải, phí BOT đang là chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải (chiếm khoảng 40% chi phí).

“Trong thời điểm khó khăn này, Nhà nước không nên tăng phí BOT và thời điểm điều chỉnh tăng là không phù hợp. Nếu cần thiết phải điều chỉnh để 'cứu' nhà đầu tư thì phải có lộ trình, thời gian phù hợp khi mọi hoạt động lưu thông hàng hóa đi lại bình thường và kinh tế xã hội phục hồi,” ông Hải bày tỏ quan điểm.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt), cho biết các doanh nghiệp vận tải cũng như Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ xem xét miễn giảm phí bảo trì đường bộ, phí BOT để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Trong khi doanh nghiệp còn đang ‘sống dở, chết dở’ khi chưa được hưởng sự hỗ trợ được một đồng nào về giảm giá dịch vụ, miễn giảm thuế phí từ Chính phủ thì việc kiến nghị cho phép tăng phí đường bộ một loạt các trạm BOT trên cả nước không khác gì ‘đạp’ cho thêm 1 cái nữa cho chết hẳn,” ông Bằng ví von.

Cũng theo ông Bằng, việc tăng phí qua các trạm BOT là lộ trình theo hợp đồng hợp về lý, nhưng vào thời điểm tất cả các doanh nghiệp còn đang “thoi thóp” do dịch bệnh thì đề xuất tăng phí BOT một loạt các trạm là rất "phản cảm," không hợp tình.

“Đơn vị vận tải không phản đối việc tăng phí dự án BOT theo lộ trình nhưng cũng rất mong Bộ Giao thông Vận tải, các doanh nghiệp BOT chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vận tải. Vì có đơn vị vận tải khôi phục lại được kinh doanh thì trạm BOT cũng mới có thu, trong bối cảnh hiện nay việc đồng loạt tăng phí các trạm BOT trên cả nước là không nên,” ông Bằng nêu ý kiến.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước và Bộ Giao thông Vận tải phải tính toán tăng thêm thời gian thu phí cho các nhà đầu tư BOT và nên giữ nguyên mức phí đối với dự án có mức thu đang cao.

“Những dự án có doanh thu thu phí thấp hơn dự báo thì có thể điều chỉnh. Hiệp hội Vận tải cho rằng nên xem xét cụ thể, rà soát làm sao để lần điều chỉnh này tổ chức thu phí BOT phù hợp hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư, người dân để không làm nảy sinh thêm mất công bằng, mâu thuẫn giữ người sử dụng và đơn vị cung ứng dịch vụ,” ông Quyền nói.

Nhà đầu tư và ngân hàng cùng “chết chìm”

Phản bác lý do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng phí BOT vì dịch COVID-19 đã làm sụt giảm doanh thu doanh nghiệp BOT là không phù hợp, theo ông Quyền, Bộ Giao thông Vận tải nên chọn thời điểm phù hợp hơn khi kinh tế trở lại gần như bình thường, hoạt động vận tải ổn định, do đó cần thận trọng tính thời điểm đề xuất.

“Đối với những công trình BOT chỉ là tuyến độc đạo mà đơn vị vận tải không có tuyến nào lựa chọn thì phải hết sức cân nhắc kỹ khi điều chỉnh tăng. Với công trình có tuyến song hành, người sử dụng có sự lựa chọn thì hoàn toàn có thể tăng. Nhà nước cần phải xem xét, giải quyết vấn đề trên rất nhiều góc độ khía cạnh để có giải pháp phù hợp,” vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải kiến nghị giải pháp.

Dưới góc độ nhà đầu tư BOT, theo ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc-Hòa Bình, đối với dự án Hòa Lạc-Hòa Bình, tháng 12/2019 và tháng 1/2020 tức là thời điểm trước khi có dịch COVID-19, doanh thu khoảng hơn 11 tỷ đồng/tháng. Trong tháng Ba và Tư xuống còn hơn 8 tỷ, tức là sụt giảm khoảng 30%.

Ông Bát cho biết theo lộ trình tăng phí quy định trong hợp đồng, từ 1/1/2020, doanh nghiệp dự án được tăng phí 18% so với mức hiện nay là 35.000 đồng/xe tiêu chuẩn/lượt nhưng hiện vẫn chưa được tăng. Doanh nghiệp đã có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đối với việc áp dụng lộ trình tăng phí và tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Cụ thể, doanh nghiệp này kiến nghị ngân hàng giảm lãi suất, bởi hiện nay khoản vay của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) lãi suất là 12,8%, trong khi theo hợp đồng BOT tối đa 11%.

“Doanh nghiệp dự án đề xuất sớm cho tăng giá vé theo lộ trình vì dự án này thời gian thu phí lên tới 27-28 năm với điều kiện phải được tăng giá vé, tăng trưởng lưu lượng xe đạt theo dự báo, nếu chậm tăng giá vé tiền lãi cứ cộng dồn vào sẽ ‘đánh gục’ doanh nghiệp ngay. Nếu không được tăng giá vé mà theo phương án Nhà nước hỗ trợ thì tốt quá nhưng phương án này rất khó thực hiện,” ông Bát phân tích.

Khẳng định doanh nghiệp vận tải cũng khó khăn nhưng doanh nghiệp BOT còn khó khăn hơn vì trước đây 2-3 năm đã phải giảm giá vé theo chỉ đạo của Nhà nước, vị Giám đốc Công ty BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc-Hòa Bình thừa nhận thực tế nếu được tăng giá vé theo lộ trình cũng không đủ huống hồ hiện nay không được tăng giá vé.

“Khó khăn này do nguyên nhân khách quan, không phải từ nhà đầu tư. Ví dụ hợp đồng trước đây không tính đến phương án chậm tăng giá vé và số tiền phải miễn giảm cho người dân quanh trạm thu phí. Ngoài ra còn nhiều phát sinh đi kèm, cứ chậm ngày nào ngân hàng cũng chết mà nhà đầu tư cũng chết và điều này dẫn đến việc thu hút đầu tư BOT thời gian tới càng khó thực hiện hơn,” ông Bát đánh giá.

Đọc thêm