Dệt may Việt Nam phải làm gì để 'vượt khó'?

(PLO) - Dù được đánh giá tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2017 nhưng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vẫn đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%, kim ngạch xuất khẩu tăng 11%; doanh thu toàn Tập đoàn tăng 12% so với năm 2016. Vậy trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Vinatex phải làm gì để “vượt khó”?
Nhiều dự án của Vinatex đầu tư hoàn thiện nhưng khó tuyển lao động. Ảnh minh họa
Nhiều dự án của Vinatex đầu tư hoàn thiện nhưng khó tuyển lao động. Ảnh minh họa

Không hy vọng ở thị trường trong nước

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex, năm 2016, Vinatex kỳ vọng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 30 tỷ USD, nhưng do biến động bất thường ở những thị trường xuất khẩu chính như châu Âu (Anh rời EU dẫn đến hiện tượng Brexit) và Mỹ (Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP) nên giá trị xuất khẩu của Vinatex chỉ đạt 28,3 tỷ USD, tăng 5,7%, mức tăng thấp nhất trong vòng nhiều năm qua.

Theo lãnh đạo Vinatex, những biến động về chính trị ở châu Âu và Mỹ tác động mạnh đến tâm lí bạn hàng ở những nước này, khiến họ quay sang nhập sản phẩm dệt may ở những quốc gia có ưu đãi hơn về thuế như Campuchia, Bangladesh, Myanmar… 

Ngoài ra, hàng dệt may Việt Nam còn bị cạnh tranh gay gắt bởi những đối thủ trực tiếp như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Campuchia... Chính phủ các nước này có nhiều chính sách ưu đãi về thuế nhằm thu hút đơn đặt hàng cho ngành dệt may. Theo bà Phạm Ngọc Hân, Phó ban Quan hệ Cổ đông Vinatex, trong chiến lược phát triển xuất khẩu dệt may của nhiều nước, sản phẩm của Việt Nam được họ đem ra mổ xẻ, tìm mọi cách cạnh tranh, coi là đối thủ chính.

Một số ý kiến dư luận cho rằng, sản phẩm của Vinatex chưa được phổ biến ở trong nước, trong khi hàng Trung Quốc, Thái Lan lại xuất hiện nhan nhản tại các shop quần áo. Tại sao không thay vì cố vươn ra ngoài thị trường thế giới, Vinatex quay về chăm sóc và chiếm thị phần trong nước?

Lí giải điều này, Tổng Giám đốc Vinatex cho rằng ở một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia khi thị trường dệt may thế giới biến động thì doanh nghiệp có thể quay về phát triển trong nước mà vẫn có lãi, vì dân số những nước này đông, năng lực tiêu thụ lớn. Còn Việt Nam lại không thể thực hiện như vậy. Một năm Dệt may Việt Nam có năng lực cung cấp sản phẩm với giá trị khoảng 35 tỷ USD trong khi thị trường trong nước chỉ có nhu cầu khoảng 5 tỷ USD.

“Để phát triển, Vinatex không còn cách nào khác là bơi ra thế giới, đương đầu với khó khăn, tìm đường riêng để cạnh tranh, phát triển”, vị tổng giám đốc chia sẻ. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, dù thị phần nhỏ nhưng thị trường trong nước cũng sẽ được Vinatex lưu ý phát triển.

Tìm hướng đi riêng

Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vinatex, các khách hàng hiện nay đều muốn hạ giá thành, giao hàng nhanh và có những cải cách thủ tục. Nếu không đáp ứng được, họ sẽ tìm kiếm nhà cung cấp khác. Trong tình hình đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn ổn định, đáp ứng được yêu cầu khách hàng về giá cả và chất lượng. “Chúng ta có thể hy vọng thu hút được nhiều đơn đặt hàng hơn”, vị này lạc quan.

Cũng theo ông Dũng, để Vinatex phát triển cần củng cố lại bộ phận đặt hàng, bộ phận xử lý đơn hàng để đưa định mức tiêu hao nguyên phụ liệu từ 62% xuống 55%. Có sự thống nhất giữa bộ phận sản xuất và bộ phận xử lý đơn hàng để giảm tối thiểu lượng hàng tồn kho, tránh ứ đọng vốn và ít rủi ro.

Theo lãnh đạo Vinatex, trước những khó khăn của thị trường thế giới, không còn cách nào khác là nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục chăm sóc tốt bạn hàng, đầu tư nhiều “chất xám” để tạo ra những sản phẩm mới lạ, tìm kiếm những bạn hàng theo “ngách riêng”. 

Trưởng ban Đầu tư Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, để Tập đoàn phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với các đối thủ dệt may thế giới, Vinatex đang đầu tư mạnh vào một số nhà máy, sử dụng công nghệ cao. Theo đó, trong năm 2016, đơn vị này thực hiện đầu tư 41 dự án, gồm 9 dự án sợi, 9 dự án dệt, 17 dự án may, 6 dự án nâng cấp, sửa chữa, thay thế máy móc thiệt bị. Tổng mức đầu tư khoảng 5.523,7 tỷ đồng. “Trong năm 2017, chúng tôi tiếp tục đầu tư không ngừng, hoàn thiện những dự án đang dang dở”, ông Hiếu cho biết.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PLVN, một số dự án đầu tư của Vinatex còn chậm tiến độ so với kế hoạch phê duyệt; một số dự án đầu tư xong nhưng khó tuyển lao động; nhiều dự án đi vào hoạt động nhưng chưa đạt sản lượng, công suất thiết kế ban đầu; một số dự án đặt ở địa điểm không thuận lợi về điện, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất…

Ngoài ra, nhiều dự án được đầu tư lớn để đón đầu hiệu lực TPP nhưng do Hiệp định này có nguy cơ đổ bể nên hiệu quả đầu tư những dự án này có thể không cao, nguy cơ thất thoát vốn.

Theo Báo cáo tài chính quý 4/2016 vừa được Vinatex công bố, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 4/2016 chỉ đạt gần 145 tỷ đồng, giảm 31,55% so với cùng kỳ năm 2015 (giảm gần 67 tỷ đồng). Lí giải nguyên nhân, ông Lê Tiến Trường cho biết, năm 2016, Vinatex và TCty CP Dệt may Miền Nam, Tcty CP Dệt May Miền Bắc (các đơn vị 100% vốn Vinatex) đưa các dự án đầu tư mới hoàn thiện vào hoạt động (Nhà máy sản xuất vải Yarndyed; các nhà máy sợi Nam Định, Phú Cường; các nhà máy may Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Quảng Bình), chưa sinh lãi nên ảnh hưởng đến lợi nhuận toàn tập đoàn. “Do các nhà máy này đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch làm ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận”, ông Trường cho biết.

Đọc thêm