Đi 'đường tắt' bằng hối lộ chỉ thu lại 'lợi ích tạm thời'

(PLO) - Sáng qua (26/4), “Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp: Đánh giá 30 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam” (TRAC Việt Nam 2017) do Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) thực hiện được công bố.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, việc thực hiện công bố thông tin về chương trình phòng chống tham nhũng (PCTN), điểm trung bình của 30 doanh nghiệp (DN) được đánh giá chỉ đạt 10%, trong đó các DN nhà nước chỉ đạt điểm trung bình 2% (100% là công khai nhiều nhất; 0% là công khai ít nhất). 

DN được tôn trọng hơn khi từ chối hối lộ

30 DN lớn nhất được khảo sát thuộc Danh sách bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất Việt Nam theo mô hình của Forttune 500 (VNR500). Theo bà Phạm Ngọc Linh - Giám đốc Công ty Tư vấn quản lý MCG, qua thông tin công khai của 30 DN này, chỉ có 9 DN công bố công khai các chương trình PCTN. Trong đó, 20% DN sẵn sàng tố cáo sai phạm (không chịu rủi ro trả thù), 18% DN công khai cam kết PCTN và 23% DN công khai cam kết tuân thủ các luật liên quan. Nhưng không DN nào công bố về chính sách về đóng góp chính trị, chỉ 2% DN công bố giám sát chương trình PCTN và 5% DN công bố chương trình đào tạo PCTN.

Đánh giá chung về mức độ công khai thông tin của 30 DN được khảo sát thì 10% DN công khai chương trình PCTN, 32% DN công khai thông tin minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của DN và không có DN nào đạt yêu cầu thông tin về cơ chế báo cáo theo quốc gia.

Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu xã hội (CENSOGOR) cho thấy, 48% người dân sẵn sàng trả chi phí cao hơn cho sản phẩm của những DN “liêm chính”. Qua báo cáo nghiên cứu “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, DN và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2013, một số DN chia sẻ họ được đối tác “tôn trọng hơn và hợp tác thuận lợi hơn” sau khi có hành động từ chối hối lộ.

Thỏa hiệp, DN sẽ thành “con tin” của tham nhũng

Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn — Giám đốc CENSOGOR cho rằng, trong môi trường kinh doanh nhiều rủi ro tham nhũng và các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều DN đã phải chọn “đường tắt”, trả chi những khoản chi phí không chính thức, bôi trơn hệ thống và né tránh các nghĩa vụ chi phí.

Báo cáo PCI 2016 đã chỉ ra có 61,5% DN có hành vi biếu tiền và hầu như tất cả các DN đều có hành vi “lại quả” cho đối tác. Phân tích nguyên nhân hành vi này, Luật sư (LS) Ngô Văn Hiệp — Văn phòng LS Hiệp và liên danh cho rằng, các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài có đủ khả năng đối phó và hạn chế những nguy cơ đòi hối lộ.

Nhưng đa số DN nhỏ và vừa do năng lực hạn chế, thậm chí quen “chụp giật” nên dễ dàng và phải chấp nhận những “gợi ý” của cán bộ nhà nước để giành lợi thế trong hoạt động. Cụ thể hơn, ông Đậu Anh Tuấn — Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, tâm lý “có chi trả mới có cạnh tranh” của DN nhỏ và vừa đã khiến DN khó thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của tham nhũng. Bởi “nếu thỏa hiệp tham nhũng sớm thì nhiều DN có tiềm năng sẽ thành “con tin” vì sổ sách không sạch sẽ chính là “vòng kim cô” giữ DN trong vòng xoáy tham nhũng” — ông Tuấn nhận xét. 

CENSOGOR cũng nhận định, kinh doanh liêm chính giúp DN “giảm chi phí không chính thức và đáp ứng yêu cầu của đối tác kinh doanh tại các thị trường quan tâm đến tính liêm chính của DN; điều này tạo điều kiện để DN thâm nhập thị trường quốc tế”. Do vậy, muốn đẩy lùi tham nhũng một cách hiệu quả, nhóm nghiên cứu của TT khẳng định “cần có sự tham gia tích cực và chủ động của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng DN”.

Từ nhận định, minh bạch, công khai thông tin sẽ hạn chế việc che giấu hành vi tham nhũng, nhiều DN đang áp dụng một số biện pháp, hệ thống PCTN nội bộ như một trong những cách thức hữu hiệu nhất bảo vệ công ty khỏi các rủi ro tham nhũng, giảm thiểu các chi phí không chính thức hoặc các hậu quả pháp luật cũng như rủi ro về uy tín do tham nhũng gây ra.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, ngoài việc pháp luật về PCTN phải nghiêm hơn thì cộng đồng DN, dẫn đầu là các DN lớn, cần có “văn hóa kinh doanh” để xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính, bền vững. Tuy nhiên, ông Dương Hồng Thành — Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) gợi ý, để PCTN trong hoạt động của DN (khu vực tư) hiệu quả cần giúp DN hiểu rằng: “PCTN giúp nền quản trị của DN tốt hơn chứ không chỉ “gồng mình” lên PCTN hay chỉ đơn giản là không hối lộ sẽ được tôn trọng hơn”

Đọc thêm