Đi tìm kho báu - Những chuyện có thật hơn 30 năm trước

(PLO) - Cuối 1984, đoàn chúng tôi sang Nhật. Trước khi đi, một người Nhật dặn chúng tôi: ở Nhật, nếu có ai hỏi người nước nào thì cứ nói là người Hàn Quốc… Cảm giác háo hức ban đầu thay bằng một cơn sốc tinh thần. Sao lại phải thế? Tôi kìm nén cảm giác uất nghẹn… Sau này, trên đất Nhật, có người hỏi, tôi đều trả lời: người Việt Nam - Hà Nội.
Tác giả bên bức ảnh “Rồng đen”
Tác giả bên bức ảnh “Rồng đen”

 Kỳ 4 - Đột nhập đại bản doanh “Rồng đen”

Nghỉ một ngày, hôm sau chúng tôi đi tham quan việc trục vớt con tàu Nakhimop dưới thời Nga Sa Hoàng bị đắm năm 1905 tại eo biển giữa Nhật Bản và Triều Tiên. 

Phương pháp trục vớt Nakhimop khá đơn giản. Khi đã thổi hết lớp cát phủ bên trên con tàu, các thủy thủ đưa máy hút hiện vật lên, làm vệ sinh sạch sẽ, phân loại sơ bộ… Nhìn đồ vật gần như nguyên vẹn, nhất là số đồ vật bằng kim loại.

Tôi ngạc nhiên hỏi một người Nhật đứng cạnh: “Con tàu bị chôn vùi dưới đáy biển không dưới 80 năm, sao các đồ vật không bị han gỉ, hư hỏng nhiều”. Người Nhật trả lời: “Vì bị đắm dưới biển sâu, lại bị 1 lớp cát dày che phủ nên không bị ô xy hóa hoặc muối biển ăn mòn, đồ vật gần như nguyên vẹn”.

“Rồng đen”

Trở về khách sạn chúng tôi được thông báo: “Có một ngoại lệ dành cho đoàn Việt Nam: ngài chủ tịch tập đoàn hàng hải Nhật Bản Sasakaoa tiếp đoàn vào ngày mai”. Buổi tối, một người Nhật trong đoàn đàm phán rỉ tai tôi: “Có thể nói đây là một vinh dự, vì ngài chủ tích rất ít khi tiếp khách nước ngoài”.

Bước chân vào đại sảnh tổng hành dinh Tập đoàn, đặc biệt ấn tượng với tôi là bức đại bình phong dựng sừng sững phía sau ngài chủ tịch. Trên đó, nổi lên hình một con rồng đen cực kỳ sống động, uy mãnh. Có thể nói, một may mắn và hạnh phúc trong đời tôi là lúc đó lại nhanh trí nhờ được một người Nhật chụp cho bức ảnh “Rồng đen” (nay vẫn còn giữ). Sau này khi lật lại hồ sơ cũ, tôi mới biết rằng Hắc Long (Rồng đen) là một tổ chức có thế lực, khét tiếng ở Nhật. Họ từng có mặt ở miền Nam Việt Nam từ trước 1975. 

Tác giả bên con tàu trước chuyến hải trình về Việt Nam
Tác giả bên con tàu trước chuyến hải trình về Việt Nam

Chủ tịch tập đoàn là một người cực kỳ giàu có, có thế lực ở Nhật Bản. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, ông được Nhật cử sang Italia thuyết phục Mutsolini đầu hàng đồng minh. Khi chiến tranh kết thúc, ông lập một tập đoàn hàng hải và hoạt động khắp thế giới.

Ông có một bảo tàng hàng hải tư nhân đồ sộ ở Tokyo, một trong những hiện vật được ông trân trọng như báu vật là phòng trưng bày những bức ảnh ông chụp chung với nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới, nhưng chưa có ảnh chụp với nguyên thủ Việt Nam. Đây là một tâm nguyện dang dở đau đáu của ông chủ tịch tập đoàn mà theo ông ta nói: nếu được chụp ảnh chung với nguyên thủ Việt Nam, sẽ ủng hộ Việt Nam 300 triệu USD.

Đây là một nhân vật cực kỳ bí hiểm. Có người nói ông là một tình báo cỡ bự của Nhật Bản, người lại bảo ông là trùm xã hội đen, hoặc trùm băng đảng thế giới ngầm “Rồng đen”. Sasakawa là bạn nối khố của Kodama, trùm xã hội đen Nhật từng được Nhật Hoàng huy động tham gia chiến dịch Hoa Huệ Vàng - vơ vét, canh giữ, vận chuyển vàng bạc châu báu của 12 quốc gia Đông Á và Đông Nam Á về Nhật thời kỳ thế chiến 2. Vì vậy, Sasakawa biết rõ địa điểm chôn cất vàng.

Thế lực mạnh

Hai tuần ở thăm Nhật Bản, khi chúng tôi chuẩn bị về nước thì nhận được đề nghị của bạn: cử hai người Việt Nam ở lại, về sau cùng với đoàn thủy thủ Nhật bằng tàu biển. Tôi và anh Triều (Bộ GTVT) ở lại. Vài hôm sau, ông Tony đưa hai chúng tôi đến cơ quan xuất nhập cảnh làm thủ tục gia hạn visa và thay đổi phương tiện về Việt Nam. Ở cơ quan xuất nhập cảnh, hồ sơ đề nghị của Tony bị gạt ra với thái độ gay gắt. Tony trấn an tôi: “Cứ yên tâm, mọi việc sẽ đâu vào đó ngay thôi”.

Ông ta gọi cho ai đó. Khoảng 30 phút sau mọi việc thay đổi hẳn. Cơ quan xuất nhập cảnh mời chúng tôi vào giải quyết nhanh gọn với thái độ tận tình, vui vẻ. Trên đường về, Tony cho biết: ông đã gọi điện cho ngài Sasakawa báo cáo sự việc. Ngài Sasakawa đã điện cho ông Abe, đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản (và là cha đẻ của thủ tướng Nhật Abe hiện nay) và mọi việc được giải quyết một cách nhanh chóng. 

Là người có thế lực và giàu có nhưng ông Sasakawa lại có cuộc sống khá đạm bạc. Thời gian ở Nhật, trước khi đi thăm quan việc trục vớt tàu Nakhimop, ông Sasakawa mời đoàn Việt Nam dùng bữa trưa. Trong phòng ăn lớn, bài trí đẹp mắt, thức ăn được dọn ra, mỗi suất ăn chỉ có một đĩa salat, 3 lát bánh mì và bơ. Ông Sasakawa ăn có vẻ ngon miệng, động tác cuối cùng là dùng một lát bánh mì, vét sạch bơ trên đĩa thức ăn, không bỏ sót lại một tý gì. Động tác này đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Tôi chợt nghĩ đến người Việt Nam mình sao phung phí thế.

Hải trình bí ẩn

Chúng tôi rời Tokyo về Việt Nam trên một con tàu nhỏ chuyên dụng cùng khoảng 30 thủy thủ, kỹ sư, thợ lặn là người Nhật Bản. Có điều lạ là tàu âm thầm rời bến vào một buổi tối có tuyết rơi, khá lạnh. Khoảng nửa đêm, con tàu tắt hết đèn neo lại ở một hòn đảo nhỏ. Tất cả như có vẻ gì đó bí mật và bí ẩn.

Tại sao? Với thế lực của ngài chủ tịch tập đoàn hàng hải Nhật Bản thì có điều gì phải lo sợ. Lực lượng nào đủ mạnh để uy hiếp ngài? Đến bây giờ, sau hơn 30 năm câu hỏi này vẫn cứ luẩn quẩn trong tôi. Sáng sớm hôm sau, con tàu tiếp tục hải trình. Với tôi, không gì buồn bằng đi tàu biển. Mênh mông nước, bốn bề đều là nước, thỉnh thoảng cũng nhìn thấy một vài con tàu đi lại phía xa xa. Có lẽ, con tàu kia khi đỗ ở cảng thì đồ sộ, sừng sững lắm thế mà khi ra biển, thật nhỏ nhoi, bồng bềnh như chiếc lá. 

Trên tàu, các thủy thủ Nhật Bản mang theo một lồng chim, trông con chim gần giống như chim bồ câu. Người ta chăm sóc nó rất cẩn thận. Sáng ngày thứ năm, một thủy thủ cho chim ăn, do một chút sơ ý, con chim bay vụt ra. Thấy vậy, nhiều thủy thủ hốt hoảng. Nhìn nét mặt biến sắc của mọi người, tôi linh cảm có điều chẳng lành. Nhìn ra biển, xám xịt, một cánh chim nhỏ bé chao nghiêng vội vã. Nhiều người nghĩ đến một điểm gì đó không hay. Tàu chạy trên biển đến chiều ngày thứ năm thì bỗng trời chuyển gió, mây đen kéo đến ngùn ngụt.

Và gió, gió mỗi lúc một mạnh. Bão biển. Biển giận dữ gầm lên. Những con sóng cao ngất sầm sập đổ xuống. Trời tối dần. Bỗng, một tiếng động rất lớn. Con tàu nghiêng hẳn về một bên. Nước bắt đầu tràn vào. Hoảng hốt, tôi lao ra cửa nhưng không hiểu chuyện gì xảy ra, cũng không biết chạy đi đâu. Đúng lúc đó, một thủy thủ Nhật chạy đến. Anh cho biết: tàu đang gặp nạn và chỉ cho tôi con thuyền cứu sinh. Anh nói thêm: sẵn sàng lao xuống biển khi có lệnh.

Trong những phút hiểm nghèo này tôi bỗng nhớ một thời trận mạc. Nhưng ít nhất trong lúc bom đạn xé toạc bầu trời, tiếng rít ghê rợn của pháo bầy, tiếng gầm rú của xe tăng, người lính như tôi còn biết phải làm gì, chạy đi đâu? Ngược lại ở đây, hoàn toàn bị động. Cũng biết, trong hoàn cảnh này, những người đi biển thường làm là viết mấy lời gửi vào biển cả.

Tôi liền tìm một vỏ chai nhựa, viết vội vài dòng với tâm nguyện một ngày nào đó, vợ con tôi sẽ nhận được những dòng chữ cuối cùng của chồng, của cha. Nhưng viết cái gì đây? Chính trong khoảnh khắc ấy đã giúp tôi hiểu rằng: trên đời này tôi thương ai nhất, yêu ai nhất? Trong tôi chỉ có hình bóng hai đứa con…

Sáng, trời thương chúng tôi. Tàu sửa chữa xong cũng là lúc bão tan. Trời yên biển lặng. Theo hải trình, mất 9 ngày từ Tokyo về Quy Nhơn. Chiều ngày thứ 8, chúng tôi gặp một con thuyền nhỏ. Từ xa thấy họ vẫy gọi. Đến gần, chúng tôi mới biết đó là thuyền chở người vượt biên tỵ nạn. Nhìn những gương mặt vô hồn, đói, khát và vô vọng… tôi thấy xốn xang đau nhói trong lòng.

Chiều tối hôm sau, tôi đã nhìn thấy ánh đèn trên đất liền. Thuyền trưởng cũng thông báo tàu sắp cập cảng. Tôi cũng không biết tả lại cảm xúc của mình lúc ấy thế nào nhưng rõ ràng là một sự xúc động nghẹn ngào. Đất mẹ đây rồi, vợ và hai đứa con đang chờ đợi tôi…Tôi lên bờ, bước chân vẫn chông chênh như đi trên biển. Nhìn cái gì cũng thấy đẹp và đáng yêu…/.

Đọc thêm