Điểm mặt các doanh nhân Việt nổi tiếng trong Hồ sơ Panama

(PLO) - Lãnh đạo doanh nghiệp người Việt đầu tiên có tên trong danh sách vụ Hồ sơ Panama vừa chính thức lên tiếng về sự việc.
Bà Đàm Bích Thủy, cựu CEO của Ngân hàng ANZ Việt Nam
Bà Đàm Bích Thủy, cựu CEO của Ngân hàng ANZ Việt Nam

Hàng loạt các tên tuổi lớn lộ diện

Bà Đàm Bích Thủy, một trong các cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama, đã xác nhận tên mình trong danh sách Hồ sơ Panama, nhưng cho rằng mình cũng như nhiều người khác có mặt trong danh sách này "là bình thường".

Trả lời báo điện tử Zing.vn, bà Đàm Bích Thủy, cựu Giám đốc điều hành của Ngân hàng ANZ, người có tên trong danh sách 189 cá nhân, tổ chức quản lý công ty, cho rằng, bà không có gì băn khoăn khi thông tin này công bố.

Sở dĩ bà có tên trong danh sách vì là CEO của Ngân hàng ANZ và cũng là lãnh đạo của ANZ/V-Trac International Leasing Company, một công ty tài chính trực thuộc ngân hàng này.

Cũng theo bà Thủy, việc sử dụng công ty nước ngoài không phải là hành vi phạm tội. "Nó tùy thuộc vào hiệu quả kinh tế và lợi ích của doanh nghiệp, cơ chế hoạt động phụ thuộc vào cấu trúc khi thành lập công ty nữa. Còn tài liệu Panama thông tin có tổ chức, cá nhân lập công ty ở nước ngoài với mục đích rửa tiền hay làm gì đó tôi không bàn, vì tôi cũng không rõ lắm".

Cựu CEO Ngân hàng ANZ tại Việt Nam cũng cho rằng, có thể thông tin này với người Việt Nam là mới, ở nước ngoài thì chuyện này rất bình thường. "Cũng vì vậy mà khi thấy danh sách có tên tôi, rất nhiều người quen hỏi thăm, tôi cũng vui vẻ chia sẻ để mọi người hiểu", bà Thủy nói thêm.

Cơ sở dữ liệu "Hồ sơ Panama" đã chính thức được công bố vào 2h sáng nay, ngày 10/5, theo giờ Việt Nam. Theo đó, Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã chính thức công bố hàng loạt dữ liệu về các công ty vỏ bọc, công ty ma được thành lập tại nước ngoài trên toàn thế giới.

Đối với Việt Nam, dữ liệu của ICIJ cho thấy có 19 công ty vỏ bọc được thành lập tại nước ngoài có liên quan tới các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam trong vòng 40 năm qua, trong đó có 7 công ty có mặt trong "Hồ sơ Panama". Đồng thời, cơ sở dữ liệu của ICIJ cũng đề cập đến 189 cá nhân, tổ chức có mối liên hệ tới các công ty này trong cả hai cơ sở dữ liệu từ "Hồ sơ Panama" và "Offshore Leaks".

Tuy nhiên, việc sử dụng công ty nước ngoài không hoàn toàn là hành vi phạm tội, và một số có mục đích hợp pháp. Đồng thời việc xuất hiện trong danh sách này cũng không đồng nghĩa với việc những công ty này và các đại diện pháp lý đã có hành vi vi phạm quy định của luật pháp các nước.

Danh sách Hồ sơ Panama công bố sáng nay ghi tên các cá nhân theo tiếng Anh, tuy nhiên xét theo mối liên hệ với tên của cơ quan/doanh nghiệp hoặc địa chỉ nơi làm việc, người ta dễ dàng nhận thấy nhiều cái tên khá quen thuộc trong giới doanh nhân.

Lấy ví dụ, trong danh sách này có doanh nhân Nguyễn Duy Hưng, được cho là sếp của SSI; doanh nhân Đoàn Văn An, người đang vướng lao lý trong vụ án tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam...

Thậm chí các doanh nhân nước ngoài khá nổi tiếng như ông Preben Hjortlund hay ông Peter Ryder cũng có tên trong danh sách này.

Tuy nhiên, VietnamFinance chia sẻ quan điểm của bà Đàm Bích Thủy là việc các doanh nhân có tên trong danh sách này mới chỉ có giá trị thông tin chứ chưa phải là bằng chứng về vi phạm pháp luật.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng lên tiếng

Sáng 10/5, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho biết, Thanh tra Chính phủ đang nắm bắt, theo dõi thông tin từ báo cáo của Panama được đăng tải trên mạng. Tuy nhiên có vào cuộc hay không phải chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp Trung ương vì việc này phải phối hợp với rất nhiều lực lượng.

Khẳng định trước đây chưa từng làm một vụ việc tương tự như hồ sơ Panama nên ông Phạm Trọng Đạt cho rằng, phải có nguồn cung cấp thông tin cụ thể thì mới vào cuộc xác minh, điều tra.

“Nguồn này có chính xác hay không, mức độ chính xác đến đâu cần phải điều tra mới có thể làm rõ. Phải phối hợp với quốc tế thì mới thực hiện được chứ không thể tin ngay các tài liệu đó và cũng không thể đơn phương làm được”- ông Đạt nhấn mạnh.

Như Dân trí đã phản ánh, vào khoảng 14h ngày 9/5 (giờ Mỹ), tức 2h sáng ngày 10/5 (giờ Việt Nam), Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã hoàn tất việc công bố Hồ sơ Panama dưới dạng cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm được tại địa chỉ https://offshoreleaks.icij.org.

Như vậy, từ thời điểm hiện tại, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận được với những thông tin "gây sốc" toàn thế giới chỉ với những thao tác tương tự như tìm kiếm thông tin trên Google và biết được những ai đứng sau 320.000 công ty hải ngoại.

Đọc thêm