Điểm yếu trong xuất khẩu mặt hàng điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam nằm trong số các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN, nhưng có đến khoảng 95% giá trị xuất khẩu thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là điểm yếu được nhìn nhận đã nhiều năm nay… 
Cần có chính sách ưu tiên để nâng cao giá trị của Việt Nam trong xuất khẩu điện thoại.
Cần có chính sách ưu tiên để nâng cao giá trị của Việt Nam trong xuất khẩu điện thoại.

Điện thoại luôn dẫn đầu “nhóm thế mạnh”

Theo Tổng cục Thống kê, điện thoại và linh kiện điện tử là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu (XK). Tăng trưởng của mặt hàng này có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng XK chung của cả nước. Nếu như năm 2010, XK điện thoại và linh kiện mới chỉ chiếm 3,2% tổng kim ngạch XK thì đến năm 2016 đã chiếm 19,5% và luôn duy trì mức trên dưới 20% từ đó đến nay. 

Năm 2020, mặc dù toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch XK mặt hàng này vẫn đứng ở vị trí thứ nhất, chiếm 18,1%. Đặc biệt trong 2 tháng đầu năm 2021, trị giá XK tăng đến 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường XK lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, trong đó XK sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng đến 103,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy sản lượng XK của mặt hàng này đứng thứ 12 trên thế giới nhưng đa phần giá trị XK lại thuộc về khối DN FDI khi chiếm đến 95% tổng kim ngạch. Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhìn nhận, năng lực các DN nội địa trong ngành  còn nhiều hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường.

Bên cạnh đó, các DN điện tử nội địa có tiếng trước đây đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chiếm thị phần rất nhỏ ngay cả ở thị trường trong nước. Mặc dù thời gian gần đây có một số nhãn hiệu điện tử trong nước mới nổi như điện thoại Bphone, Vsmart, Vietel… nhưng thị trường điện – điện tử dân dụng trong nước chủ yếu do các  thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh.

Đáng lo hơn, dù kim ngạch XK mặt hàng này của Việt Nam cao nhưng tỉ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay chỉ khoảng 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Các DN công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên, đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.

“Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên chủ yếu là do năng lực các DN nội địa còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường cũng như của các DN FDL. Sự liên kết giữa các DN cung ứng trong nước với các DN FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt” – báo cáo Cục Công nghiệp nêu rõ.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp triển vọng

Để chủ động và phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp điện tử, Cục Công nghiệp cho rằng cần xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện – điện tử tiêu dùng, như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhập lậu… Đồng thời tập trung hỗ trợ một số DN triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các DN này phát triển.

Cục Công nghiệp cũng lưu ý DN điện tử cần chú trọng hơn tới việc xác định các sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn nữa. Theo đó, mỗi DN tự xác định cho mình những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp đồng thời cần tính đến khả năng đón đầu xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới trong thời đại hiện nay. Trên cơ sở đó giúp cho DN nội tập trung các nguồn lực để phát triển sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt…

Cũng theo Cục Công nghiệp, trong thời gian gần đây, ngành sản xuất điện tử, điện thoại có nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn dịch chuyển sang Việt Nam. Không chỉ thế, nhiều tập đoàn lớn chú trọng phát triển thị trường châu Âu cũng đã để mắt đến thị trường châu Á – Thái Bình Dương và đã “đánh tiếng” muốn đặt nhà máy tại Việt Nam.

Do đó, để có thể tận dụng cơ hội và thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại tự  do đã ký kết, đồng thời nâng dần tỉ lệ nội địa hóa, hàng lượng chất xám của Việt Nam trong nhóm ngành được xem là mạnh nhất trong các nhóm hàng XK, các DN ngành điện tử cần nâng cao năng lực để có thể tham gia chuỗi cung ứng của các DN đầu chuỗi đang hoạt động tại Việt Nam; Bên cạnh đó cần tăng cường tham gia các hoạt động, sự kiện kết nối kinh doanh để có thể tận dụng được những cơ hội kết nối với DN điện tử lớn trên thế giới.

Đọc thêm