Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2019: Để báo chí và doanh nghiệp cùng phát triển vì lợi ích đất nước

(PLVN) - Chiều 17/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2019: Chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công trong bối cảnh mới; và phát động chương trình bình chọn tác phẩm báo chí viết về doanh nhân - doanh nghiệp và môi trường kinh doanh lần thứ VII.
Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2019
Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2019

Tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh

Theo Ban tổ chức, đây là hoạt động nhằm động viên, khích lệ các doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp, thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong hội nhập khu vực và quốc tế; đồng thời tôn vinh các nhà báo luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển, phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Báo chí vừa là kênh cung cấp thông tin, chuyển tải cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa là công cụ hữu hiệu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp, doanh nhân cũng là cảm hứng, là nguồn đề tài phong phú cho báo chí. Đó là mối quan hệ tương hỗ hai chiều ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2019 là cơ hội để trao đổi, bàn bạc giải quyết các vấn đề còn khúc mắc, để báo chí và doanh nghiệp cùng phát triển vì lợi ích đất nước và nhân dân.

Theo ông Lợi, hai bên luôn có sự đồng hành, báo chí đối với doanh nghiệp có vai trò phản ánh môi trường kinh doanh, những thành tựu, kết quả nổi bật, những mô hình tốt, những kinh nghiệm hay. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin tình hình kinh tế trong và ngoài nước mà còn tham gia vào xây dựng, góp ý và điều chỉnh chính sách.

Ông Hồ Quang Lợi phát biểu tại diễn đàn
Ông Hồ Quang Lợi phát biểu tại diễn đàn

Ông Lợi khẳng định: Báo chí góp phần quan trọng vào tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, trở thành cầu nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cộng đồng dân cư. Báo chí quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp. Đa số thấy rằng không có doanh nghiệp nào thành công mà ngoài yếu tố nội lực lại không quan tâm đúng mức tới quan hệ báo chí.

Cũng theo ông Lợi, công cuộc xây dựng đất nước của doanh nghiệp, doanh nhân là đề tài hấp dẫn đối với báo chí. Hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn lực về tư liệu sống cho báo chí. Mối quan hệ của báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ hợp tác lành mạnh, khách quan và chia sẻ. Việc chia sẻ là cơ hội của doanh nghiệp cũng như của báo chí và báo chí phát triển cũng đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.

“Chúng ta không chỉ khai thác đề tài thuận lợi và cơ hội của doanh nghiệp, mà ngay cả khi doanh nghiệp gặp khó khăn, cạnh tranh gay gắt, sự đồng hành của báo chí sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức”, ông Lợi nhận định.

Chia sẻ buồn, vui cùng doanh nghiệp

Ông Hồ Quang Lợi cho biết: Trong số 25 ngàn hội viên của Hội Nhà báo thì số lượng nhà báo trong lĩnh vực kinh tế rất lớn. Đây là lực lượng khích lệ tinh thần cống hiến và đổi mới sáng tạo cũng như khởi nghiệp của giới doanh nghiệp Việt Nam để cùng chia sẻ hợp tác, nắm bắt cơ hội phát triển thành công. 

Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề khúc mắc về ứng xử của báo chí với doanh nghiệp. “Còn có những thông tin chưa đúng, chưa tốt của một bộ phận người mang danh làm báo. Những thông tin thiếu xác đáng sẽ gây hậu quả khôn lường cho doanh nghiệp”, ông Lợi chia sẻ.               

Đặc biệt, ông Lợi khẳng định mối quan hệ giữa Hội Nhà báo Việt Nam với doanh nghiệp, doanh nhân thông qua VCCI ngày càng chặt chẽ gắn bó.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định: Doanh nghiệp luôn quan tâm đến báo chí. 

“Báo chí đã đi sâu vào đời sống doanh nghiệp, doanh nhân. Với chúng tôi, báo chí là ân nhân, chúng tôi cảm ơn nhà báo thấu hiểu, sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp và doanh nhân”, ông Lộc chia sẻ.

Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại diễn đàn
Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại diễn đàn

Theo ông Lộc, báo chí với doanh nghiệp còn là quan hệ cộng sinh, báo chí tiên phong trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa, doanh nghiệp tiên phong trên mặt trận kinh tế. Chính vì vậy, việc báo chí tập trung công sức, bài vở và tâm huyết vào doanh nghiệp là điều dễ hiểu và ngược lại.

Không chỉ vậy, báo chí còn là nguồn chia sẻ buồn vui cùng doanh nghiệp, là cánh chim báo tin khi doanh nghiệp gặp niềm vui, và là nơi chia sẻ khi doanh nghiệp gặp nỗi buồn. Khi doanh nghiệp gặp oan sai, doanh nghiệp sẽ tìm đến báo chí để “đánh trống kêu oan”.

Ông hy vọng Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tới đây sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, để báo chí ngày càng trong sạch và vững mạnh.

Đóng góp ý kiến tại Diễn đàn, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Le Bros cho rằng, chúng ta đang đứng trước thách thức, báo chí phải chất lượng nhưng báo chí cũng phải “sống”, phải tạo ra được nguồn thu.

Ông Vinh dẫn số liệu tổng doanh thu của báo chí theo Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo là 15.000 tỷ năm 2018, tuy nhiên, doanh thu báo chí đang sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, Google và Facebook đang tăng doanh thu nhanh chóng.

Ông Vinh cho rằng cần có 4 phương thức để báo chí vẫn hoạt động đúng tôn chỉ mà tạo được quan hệ lành mạnh. Thứ nhất, trở thành cơ quan xây dựng dịch vụ nội dung (content agency). Thứ hai, báo chí thương hiệu (branded journalism). Thứ ba, tổ chức sự kiện hợp tác với doanh nghiệp (co-branding event). Thứ tư, báo chí giúp doanh nghiệp hiểu đối tượng, khách hàng của mình trên dữ liệu của báo chí (audience understanding).

“Báo chí phải tạo ra được cái mà doanh nghiệp cần”, ông Vinh nói.

Đọc thêm