Diễn đàn Thuế 2020: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế

(PLVN) - Diễn đàn Thuế 2020 với chủ đề: “Chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp - Vượt thách thức, đồng hành cùng phát triển vừa được Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 18/12/2020, tại Hà Nội.
Toàn cảnh diễn đàn.
Toàn cảnh diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Thu Phong - Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam - nhấn mạnh, năm 2020, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội. Chính phủ, bộ, ngành và các cấp chính quyền sát sao đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát huy tinh thần yêu nước, kêu gọi cộng đồng DN biến thách thức thành cơ hội, tạo động lực cho phát triển và tái khởi động nền kinh tế đất nước.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã và đang tích cực đồng bộ triển khai các giải pháp tài khoá để ứng phó với đại dịch Covid -19. Hàng loạt cơ chế, chính sách được Bộ Tài chính chủ động tham mưu trình Chính phủ như: Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các DN và hộ kinh doanh; nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân; miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 50% lệ phí trước bạ, giãn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020…

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khóa XIV xem xét, ban hành chính sách thuế giá trị gia tăng mới đối với mặt hàng phân bón để tạo thêm nguồn lực hỗ trợ, phát triển DN sản xuất phân bón. Từ ngày 1/7/2020, Luật Quản lý thuế chính thức đi vào cuộc sống, với những đổi mới, cải cách tạo bước tiến quan trọng, quy định thống nhất chính sách quản lý thu, nâng cao tính minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, thay đổi căn bản phương thức quản lý thuế… 

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã không ngừng hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh. Các giải pháp tài khóa, thuế, phí được tích cực nghiên cứu, rà soát để trình cấp có thẩm quyền quyết định nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN tiết giảm chi phí, vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Ước tính đến hết tháng 10/2020, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành đạt khoảng 99,3 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện cả năm đạt 110 nghìn tỷ đồng.  

Để tiếp tục đồng hành cùng DN và người nộp thuế, đại diện Vụ Chính sách Thuế của Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính cũng đang  tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành để đề xuất các giải pháp phù hợp với diễn biến thực tế và đang nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo, rà soát cắt giảm phí, lệ phí nhằm giảm chi phí cho DN, người dân...  theo hướng kéo dài thêm thời gian áp dụng đối với một số giải pháp hỗ trợ chủ yếu đã thực hiện. 

Tại diễn đàn này, lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và đại diện Bộ Tài chính đồng khẳng định sẽ tiếp tục  tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực của ngành, đặc biệt là các lĩnh vực thuế, hải quan, chú trọng hiện đại hoá công tác quản lý thu thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Thực hiện hóa đơn điện tử, sai sót sửa như thế nào?

Tại Diễn đàn, trả lời câu hỏi liên quan đến thực hiện khai hóa đơn điện tử HĐĐT) ông Nguyễn Hữu Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, trường hợp DN liên quan đến áp dụng HĐĐT ở Quảng Ninh đã thực hiện từ năm 2018 một cách thuận lợi, nhưng khi có sai sót thì thực hiện theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn chứng từ và Thông tư số 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Ông Tân khẳng định, việc sử dụng HĐĐT rất thuận lợi cho DN, giúp giảm chi phí, thuận lợi cho quá trình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có sai sót, thì xử lý theo cách, đang áp dụng theo văn bản quy định nào thì sửa sai theo văn bản đó. 

Giải thích rõ thêm, ông Tân cho biết, tại Điều 9 của Thông tư số 32/2011/TT-BTC quy định, HĐĐT đã lập gửi cho người mua và bán, chưa khai thuế thì có thể hủy, trường hợp đó, lập hóa đơn thay thế, trên đó phải ghi rõ là hóa đơn thay thế cho hóa đơn nào.

“Trường hợp hóa đơn đã lập và gửi người mua, đã giao hàng hóa và người mua đã khai thuế, sau đó phát hiện sai sót, thì người bán và mua phải có thỏa thuận và điều chỉnh, trên hóa đơn đó ghi rõ là điều chỉnh cho nội dung gì và điều chỉnh cho hóa đơn nào”- ông Tân hướng dẫn.

Đọc thêm