'Điều chỉnh giá phải tính người dân có chịu được không'

(PLO) - "Trong điều hành giá nên có điều chỉnh cũng phải tính đến vấn đề phát triển bền vững, không để giãn quá khoảng cách giàu nghèo, để người nghèo không bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển" TS Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của QH nhấn mạnh. 
TS Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của QH trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội
TS Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của QH trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội

Sáng nay - 8/11, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, TS Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của QH, ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng, giá cả nhiều dịch vụ sẽ phải tiệm cận theo giá thị trường, nhưng cần phải có bước đi phù hợp để đảm bảm phát triền bền vững.

- Ông từng phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội tại Hội trường rằng “phải minh bạch hoá, tính đúng, tính đủ chi phí giá cả các hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước còn bao cấp”. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

- Điều chỉnh giá của mặt hàng nào thì ai cũng hiểu nó ngay lập tức ảnh hưởng đến người dân, qua chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát.

Như viện phí, học phí tăng là ảnh hưởng đến người dân ngay, nên việc điều chỉnh giá phải có bước đi để người dân chấp nhận được.

Lộ trình điều chỉnh giá phải nằm trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Năm nay có cái thuận lợi là còn dư địa (chi điều chỉnh giá), nhưng lại vướng là các bộ, ngành chưa kịp xây dựng phương án, xây dựng được định mức bao nhiêu, các loại chi phí bao nhiêu để hình thành giá để điều chỉnh.

Giá cả cần lộ trình để tiệm cận thị trường mà không bỏ lại người nghèo phía sau
Giá cả cần lộ trình để tiệm cận thị trường mà không bỏ lại người nghèo phía sau

- Trong việc điều hành giá các loại dịch vụ, hàng hoá hiện khó dung hoà: Đưa giá lên thì dân kêu mà không đưa lên, lại không thực hiện được giá thị trường, Nhà nước cũng không thể bao cấp mãi. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

- Quan điểm của Nhà nước, những người có thu nhập trung bình, cao thì họ tự lo, người nghèo thì Nhà nước lo như chi phí y tế.

Giải quyết những vấn đề đó không lớn lắm nhưng hiện nay có câu chuyện là nếu còn như thế thì tiền ngân sách phải bỏ ra tương đối lớn nên người dân cũng phải cùng chi trả.

Điều này buộc phải làm để sau này không chỉ giảm chi mà có khi còn phải tăng thu trong sử dụng tài sản. Song điều chỉnh giá thì Nhà nước cũng phải tính người dân có chịu được không.

Chúng ta mong muốn điều hành theo quy luật của kinh tế thị trường nhưng cũng có qui luật của nền kinh tế nữa. Nói lại dịch vụ về y tế, nếu thu đủ thì cũng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ lên, đó là điều chắc chắn.

Thực ra hiện có những cơ sở y tế như Viện Mắt Trung ương gần như bỏ hẳn bao cấp giá, chất lượng phục vụ được tăng lên vì nói chung, giờ cứ làm tốt là người ta đến. Giá cả chỉ là một yếu tố.

Vì vậy, trong điều hành giá nên có điều chỉnh cũng phải tính đến vấn đề phát triển bền vững, không để giãn quá khoảng cách giàu nghèo, để người nghèo không bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển.

Nhưng cũng có vấn đề là nếu chậm đẩy nhanh thị trường hoá cũng khiến nhiều doanh nghiệp kêu là không điều chỉnh được giá bù đắp chi phí, lại thua lỗ. Đây là những vấn đề cần được cân nhắc trong các chính sách vĩ mô khi điều hành giá cả để ổn định thị trường theo đúng quy luật của nền kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm