Điều hành tài chính: Phải hỗ trợ phát triển

(PLO) - Đánh giá cao nỗ lực của ngành tài chính trong góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô trong 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn ngành tiếp tục nỗ lực hoàn thành toàn diện và  xuất sắc nhiệm vụ của năm và  lưu ý, điều hành tài chính không chỉ là “thắt” cái này, “siết” cái kia mà vẫn phải hỗ trợ phát triển…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Rà soát 20 địa phương thu dưới 50% dự toán

Báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị trưc tuyến sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2018 cho biết, đến hết tháng 6/2018, tổng thu NSNN ước 651,7 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó: Thu dầu thô đạt 82,4% dự toán, tăng 25,3%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 54,9% dự toán, tăng 6,9%; thu nội địa đạt 47,6% dự toán, tăng 15,5% (cùng kỳ năm 2017 đạt 45,8% dự toán, tăng 12,9%). Không kể các khoản thu có tính chất đặc thù (thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thu hồi vốn nhà nước đầu tư vào DN), số thu nội địa còn lại đạt 46,4% dự toán, tăng khoảng 13%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và CPI 6 tháng (7,08% và 3,29%).

Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho thấy, tiến độ thu từ 3 khu vực kinh tế quan trọng đạt thấp so yêu cầu dự toán (thu từ khu vực DNNN đạt 43,7% dự toán; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,7% dự toán; tiến độ thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có khá hơn, nhưng cũng mới đạt 47,8% dự toán).

Trong tổng thu NSNN nêu trên, thu ngân sách TƯ ước đạt 46,2% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 41,5%); thu ngân sách địa phương đạt 54% dự toán. Riêng về thu nội địa, cả nước có 43 địa phương thu đạt trên 50% dự toán, 20 địa phương thu dưới 50% dự toán, cá biệt một số địa phương thu nội địa không kể thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết, đạt thấp, dưới 40% dự toán.

Nhắc lại những con số thu ngân sách 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặc biệt lưu ý đến con số 20 địa phương thu ngân sách dưới 50% dự toán năm và đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương thành lập các tổ công tác để rà soát ngay xem vì sao thu thấp, do dự toán hay quản lý thu, trách nhiệm TƯ và địa phương ra sao…? “Nếu không khéo, lại có tình trạng cả nước vượt thu nhưng ngân sách TƯ vẫn phải è cổ ra cấp bù cho tỉnh hụt thu...” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Dư địa chống thất thu còn lớn

Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý ngành tài chính tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, xói mòn cơ sở thuế, nhất là khu vực phi chính thức. “Những năm vừa qua, Bộ Tài chính, một số ngành, địa phương tập trung rất quyết liệt nhưng tôi cho rằng chưa đủ mạnh, còn xói mòn cơ sở thuế, thất thu nhiều...” - Phó Thủ tướng thẳng thắn.

Lấy dẫn chứng về thuế tài sản, Phó Thủ tướng  nói: “Thuế tài sản thực chất là thuế nhà và thuế đất. Thuế nhà theo phương án Bộ Tài chính tính toán, dự kiến nếu lấy ngưỡng 700 triệu đồng, cả nước chỉ thu được 2.500 tỷ đồng, nếu lấy ngưỡng 1 tỷ đồng thì số thu chỉ còn 1.500 tỷ đồng, chỉ bằng tỷ lệ nhỏ so với nợ đọng thuế. Chi phí quản lý thuế nhà nhiều nơi gấp đôi khoản thu được nên chống thất thu, chống nợ đọng rất quan trọng. Tất nhiên, vẫn tiếp tục nghiên cứu thuế tài sản vì đây là nguồn thu của địa phương, liên quan cơ sở hạ tầng. Nhưng so sánh thế để thấy dư địa thu thuế từ thất thu, nợ đọng, trốn thuế, chuyển giá còn nhiều… Đã làm tốt nhưng cần tiếp tục tăng cường…”.

Ghi nhận một trong những thành công nhất của ngành Tài chính trong thời gian qua là kiểm soát rất chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, đây chính là yếu tố mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức quốc tế nâng hạng tín nhiệm và đánh giá tích cực về kinh tế của Việt Nam.

“Năm 2015, nợ công sát trần khoảng 64,8%, nay còn 61,3%. Kỳ hạn trái phiếu trước đây 2,3 năm, nay kéo dài nhiều, chuyển nợ ngoài nước thành trong nước, nợ ngắn hạn thành dài hạn, lãi suất cao thành lãi suất thấp, giảm áp lực nợ công nhiều…” - Phó Thủ tướng dẫn chứng và đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục đà này, kiểm soát tốt nợ công mà vẫn đảm bảo dư địa cho tăng trưởng.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, điều hành tài chính không chỉ là “thắt” cái này, “siết”cái kia mà vẫn phải hỗ trợ phát triển. “Vừa qua Bộ Tài chính đã làm tốt việc này. Liên quan đến chính sách thu, sắp tới tiếp tục nghiên cứu, chính sách thuế để phù hợp thực tiễn Việt Nam, đặc biệt là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Chúng ta cũng sửa đổi một loạt các chính sách thuế khác, trên tinh thần đúng chiến lược phát triển, đúng bản chất sắc thuế, không làm méo mó chính sách thuế…” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Đồng ý với tinh thần của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là “khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu là chính”, Phó Thủ tướng cho rằng đôi khi giảm mức thu mà tăng tổng mức đóng góp. “Cử tri cả nước đánh giá rất cao tuyên bố của Bộ trưởng trong kỳ họp Quốc hội vừa qua là không tăng thuế VAT, ít nhất trong tương lai gần. Đây là tin tốt tác động đến thị trường, nhà đầu tư trong và ngoài nước…” - Phó Thủ tướng biểu dương và chia sẻ: “Trách nhiệm của Bộ Tài chính rất nặng, một trong những cân đối quan trọng nhất của cân đôi vĩ mô là cân đối ngân sách. Trong điều kiện thuế quan giảm do các FTA,… chỉ còn cách cơ cấu thu nội địa. Tuyên bố của Bộ trưởng tôi cho là quyết định đúng đắn, trách nhiệm. Trên cơ sở đó, nghiên cứu thận trọng sửa đổi các luật thuế. Cái gì tăng, giảm, giữ, phải tính toán kỹ...”.

Đọc thêm