Điều kiện kinh doanh: Tìm điểm cân bằng hay lập lại mặt bằng mới?

(PLO) - Sau 17 năm, kể từ khi có Luật Doanh nghiệp (DN) 1999, trên danh nghĩa chỉ còn 243 ngành nghề có điều kiện kinh doanh (ĐKKD), nhưng thực tế không dừng ở con số này. 

Nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCC), Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng đã đến lúc tìm điểm cân bằng về ĐKKD, thế nhưng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM) Phan Đức Hiếu lại cho rằng, trước khi tìm điểm cân bằng, cần phải lập lại mặt bằng mới về ĐKKD…

Điều kiện kinh doanh đang bị lạm dụng

Tại hội thảo mới đây về ĐKKD, Phó Viện trưởng CIEM, ông Phan Đức Hiếu đã phải thốt lên rằng “chúng ta đã thất bại”. 

Theo thống kê, Luật Đầu tư 2014 đã bãi bỏ 24 ĐKKD, rút gọn từ 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện xuống còn 243. Các ĐKKD cụ thể được áp dụng theo 7 hình thức tại Nghị định 118 (và chỉ cấp nghị định mới được quy định ĐKKD) gồm: giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, văn bản xác nhận, điều kiện khác mà không phải chấp thuận bằng văn bản.

“Thống kê chỉ có 243 ngành nghề phải có ĐKKD nhưng con số thực tế vẫn cao hơn. Cũng không thể thống kê chính xác có bao nhiêu điều kiện do các điều kiện này đã biến thiên hàng ngày, hàng giờ’”, ông Hiếu khẳng định.

Thực tế, từ các ĐKKD này, giấy phép “cha”, “con”, “cháu” lần lượt được ra đời. Chẳng hạn yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa thì không phải là ĐKKD nhưng khi đăng ký tiêu chuẩn phải có giấy tiếp nhận thông báo. 

Trong dự thảo kinh doanh xe hợp đồng, về lý thuyết không có ĐKKD nhưng thực tế các hợp đồng phải thông báo cho Sở GTVT. Nếu có hợp đồng điện tử thì phải tuân thủ điều kiện đăng ký của Hợp đồng điện tử. 

Trong lĩnh vực vận tải, hiện chỉ đưa ra 5 hình thức kinh doanh vận tải, những hình thức không thuộc 5 lĩnh vực này được coi là xe dù, ví dụ như Uber, hay xe buýt đưa đón học sinh nhưng ngoài thời gian đó chở khách…  “Với quy định như vậy, DN khác không có cơ hội phát triển. Quy định này không được sửa đổi thì 10 năm nữa dịch vụ vận tải vẫn như vậy!” - ông Hiểu ngao ngán.

Theo quy định ĐKKD phải được quy định thấp nhất trong nghị định nhưng thực tế vẫn có những cấp thấp hơn ban hành ĐKKD dưới dạng  yêu cầu, nghĩa vụ khác hay gắn với tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, như quy định DN kinh doanh mũ bảo hiểm phải có địa điểm cụ thể và địa chỉ rõ ràng, phải công khai danh sách các đại lý, cửa hàng bán lẻ; quy định được cấp chứng chỉ kiểm toán viên…

Rà soát ĐKKD trong lĩnh vực công thương - lĩnh vực  liên quan đến phần lớn ngành nghề kinh doanh, chiếm 80% GDP của nền kinh tế, chỉ với 5 trong tổng số 28 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ này được rà soát (kinh doanh khí, kinh doanh rượu, xuất khẩu gạo, tạm nhập tái suất thực phẩm đông lạnh và logistics), Ban Pháp chế VCCI cho rằng đã có thể loại được 3 ngành nghề (xuất khẩu gạo, tạm nhập tái suất thực phẩm đông lạnh và logistics) ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện.

Theo Ban Pháp chế VCCI, khi không còn là quốc gia thiếu lương thực thì gạo cũng chỉ nên được đối xử như những sản phẩm nông nghiệp thông thường khác được xuất khẩu. Lĩnh vực logistics thì bao gồm một chuỗi các ngành nghề như vận tải, giao nhận hàng hoá, kinh doanh kho bãi, đại lý thuế… Việc áp dụng ĐKKD đối với một chuỗi các ngành nghề là bất hợp lý và có thể dẫn đến chồng chéo. Còn điều kiện với  tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh, bản chất cũng chỉ là công tác kiểm tra từng lô hàng.  

Không chỉ các ĐKKD hiện hữu, ông Hiếu cho biết, có những ĐKKD đang được “gài” trong các dự thảo nghị định, như Nghị định về ĐKKD, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô do Liên Bộ Công Thương - GTVT đang lấy ý kiến. Trong đó có quy định đơn vị kinh doanh ô tô nhập khẩu phải có trạm bảo dưỡng và cơ quan soạn thảo cho rằng đây là điều kiện cần vì ô tô đưa vào lưu thông không đủ điều kiện có thể gây rủi ro cho xã hội. Song theo ông Hiếu, thực chất điều kiện này là “con dao hai lưỡi” vì bỏ qua yếu tố người tiêu dùng đánh giá mức độ rủi ro này như thế nào, có cần thiết hay không?...

“Các ĐKKD hiện nay đang có hiện tượng bị lạm dụng, việc đưa ra nhiều ĐKKD không đồng nghĩa với việc lĩnh vực kinh doanh đó được kiểm soát tốt hơn không hạn chế  rủi ro cho người tiêu dùng được nhiều hơn…”- Phó Viện trưởng CIEM cảnh báo.

Tiếp tục rà soát

Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, cần phải rà soát các ĐKKD để cân bằng giữa yêu cầu quản lý nhà nước và tạo sự thông thoáng trong hoạt động của DN.

Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu, yêu cầu đặt ra lúc này là ban hành mới, sửa đổi ĐKKD. Ông đề xuất trình tự: Chính phủ rà soát và trình Quốc hội sửa đổi bổ sung danh mục cấm đầu tư kinh doanh, danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện theo thủ tục rút gọn (Điều 8 Luật Đầu tư). Cụ thể các bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung, lấy ý kiến Bộ KH&ĐT; Chính phủ phê duyệt đề xuất, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung vào 2 danh mục; Quốc hội xem xét và quyết định sửa đổi, bổ sung vào 2 danh mục. Trên cơ sở đó, các bộ dự thảo nội dung quy định.

Ông Hiếu cũng lưu ý yêu cầu đối với việc rà soát ban hành mới, sửa đổi ĐKKD, cụ thể, Bộ KH&ĐT sẽ tập hợp công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN; Bộ KH&ĐT cũng chủ trì cập nhật các thay đổi theo quy trình các bộ gửi văn bản đề nghị cập nhật thay đổi cho Bộ KH&ĐT trong vòng 5 ngày kể từ ngày ban hành; trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận được văn bản, Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm cập nhật lại danh mục…

Đại diện CIEM cũng cho biết, đến trung tuần tháng 6 này CIEM sẽ công bố bản rà soát chính thức về các ĐKKD, trên cơ sở so sánh các điều kiện đó tại thời điểm trước và sau khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực.

“Nhà nước đang can thiệp quá nhiều vào ĐKKD. Tôi rất lo lắng khi ai đó đề xuất ban hành luật, bởi kiểu gì cũng có sự can thiệp của Nhà nước vào ĐKKD” - ông Hiếu chia sẻ.

Đọc thêm