DN dệt may hội nhập TPP: Đừng để lộ trình là “con dao hai lưỡi”

(PLO) - Là một trong số các ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), song ngành dệt may đang đứng trước thách thức khi có đến 70% nguyên phụ liệu phải nhập từ nước ngoài.
Thách thức lớn nhất của các DN dệt may Việt Nam là có đến 70% nguyên phụ liệu là nhập khẩu. Ảnh minh họa.
Thách thức lớn nhất của các DN dệt may Việt Nam là có đến 70% nguyên phụ liệu là nhập khẩu. Ảnh minh họa.

Bài toán nguyên liệu khi hội nhập

Không phải ngẫu nhiên mà dệt may được quy định riêng một chương trong TPP, trong khi các nước tham gia TPP có rất nhiều ngành kinh tế quan trọng khác. Theo ông Vương Đức Anh (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương), đây là câu chuyện dài trong đàm phán và xuất phát từ đề xuất của Hoa Kỳ vì dệt may là mặt hàng rất nhạy cảm đối với họ.

“Trong các FTA Hoa Kỳ ký với đối tác trước đây, dệt may đều được quy định thành chương riêng. Và với Việt Nam, dệt may là mặt hàng có lợi ích cốt lõi nên đàm phán diễn ra lâu dài và khó khăn…”, ông Đức Anh cho biết. 

Theo đánh giá từ các chuyên gia, dệt may của Việt Nam là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong TPP. Một khi TPP có hiệu lực, hàng dệt may sẽ được hưởng mức thuế xuất khẩu sang Hoa Kỳ xuống gần bằng 0% từ mức 17% như hiện nay. TPP cũng có thể giúp dệt may và da giày Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu tới 165 tỷ USD vào năm 2025. Trường hợp không có TPP, con số này chỉ dừng lại ở mức khoảng 113 tỷ USD. 

Tuy nhiên, cái khó của ngành Dệt may chính là phần nguyên phụ liệu khi  hiện 70% nguyên phụ liệu là hàng nhập khẩu; trong đó đa phần nhập từ những nước chưa ký kết TPP, mà theo quy định của TPP, một sản phẩm dệt may muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP thì tất cả nguyên liệu phải được sản xuất tại các nước tham gia TPP…

Lộ trình nội địa hóa

Tại Tọa đàm trực tuyến “Các giải pháp giúp DN dệt may hưởng lợi lớn nhất từ TPP” mới được tổ chức, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng các DN không nên quá lo lắng. Bởi theo quy định của TPP, đối với hàng dệt may sẽ có khoảng 73% dòng thuế được giảm ngay lập tức, sau đó mới giảm dần, sang năm thứ 5 hoặc tối đa năm thứ 16 sẽ giảm toàn bộ về 0%. 

Vì là nước đi sau các nước khác và đang còn nhiều vướng mắc nên các nhà đàm phán Việt Nam kiên trì đưa ra lộ trình ban đầu có lợi cho ngành Dệt may của mình để từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa cũng như đầu tư vào các yêu cầu của TPP về quy tắc xuất xứ vải sợi. Ngoài ra còn có cơ chế 1 đổi 1 giữa Việt Nam – Hoa Kỳ đối với quần nam, nữ bằng vải bông xuất khẩu sang Hoa Kỳ có xuất xứ từ Hoa Kỳ.

Thêm vào đó, 3 mặt hàng được áp dụng quy tắc xuất xứ một công đoạn cắt may là vali, túi xách, áo ngực phụ nữ, quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp. “Tuy nhiên, ngành Dệt may Việt Nam cũng không thể ỷ lại những quy định này vì như vậy chúng ta sẽ mãi gia công là chính và không thoát khỏi bẫy sản xuất với giá trị gia tăng thấp….”, ông Cẩm lưu ý.

Theo ông Vũ Huy Đông – Tổng Giám đốc Cty CP Đam San, thực ra ngành nào cũng chịu tác động rất lớn từ các mức thuế quan, tuy nhiên vấn đề hiện nay là DN quan tâm không nhiều, truyền thông cũng không sâu.

“Ngành Dệt may chủ yếu là nhập khẩu nguyên phụ liệu nên lợi nhuận không cao, do đó đây là cơ hội để chúng ta chuẩn bị. Tuy nhiên, lộ trình là “con dao hai lưỡi” nếu kéo dài thì DN sẽ ỷ lại, tìm cách lách luật khi nhập khẩu nguyên phụ liệu. Do đó chúng ta cần phải tập trung đầu tư để vào TPP một cách nghiêm túc…”, ông Đông đề xuất.

Theo Tổng Thư ký Trương Văn Cẩm, một trong những điểm yếu của các DN hiện nay là tính liên kết giữa các DN. “Chúng ta chưa tìm được khách hàng trực tiếp mà thường xuất khẩu sang trung gian nên họ rất dễ chỉ định chúng ta dùng nguồn nguyên vật liệu của họ. Và khách hàng lớn cũng chỉ định dùng dịch vụ logictis của hãng tàu biển theo yêu cầu của họ…Trong khi nước ta liên kết rời rạc thì nước ngoài họ gắn kết rất chặt chẽ với nhau, thậm chí bắt tay nhau để nâng giá và gây khó cho DN…”, ông Cẩm lo ngại.

Với thực trạng phần lớn nguồn nguyên liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Nguyễn Xuân Dương đặt vấn đề: “Có nên hoàn chỉnh một sản phẩm hay không?”. Theo ông, cách tốt nhất là cần phải tìm ra cái lợi của từng DN, chia ra DN nào làm tốt cái gì thì làm cái đó và tiến tới Việt Nam cũng cần phải có một thương hiệu dệt may lớn trên thế giới.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT TCty May Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên cho biết, trong 194 mã hàng chỉ có 8 mã phải thay thế, chiếm khoảng 24%, do vậy: “Chúng ta cần phải tận dụng những điều chúng ta đang có, như các tập đoàn lớn chỉ nhằm vào những nguồn hàng đơn giản như sơ mi nam và các loại sợi đơn giản, trong khi Việt Nam chuyên làm những mặt hàng phức tạp như áo jacket. Lợi thế của chúng ta là tâm lý của người Việt, chúng ta hiểu hơn nên chắc chắn chúng ta thắng…”.

Đọc thêm