Do đâu nông nghiệp vẫn “khát” vốn?

(PLO) - 5 năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn qua đó hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thay đổi công nghệ, mở rộng sản xuất… Nhưng kết quả dòng vốn chảy vào khu vực này vẫn đạt thấp.
Dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn chỉ chiếm 18% dư nợ cho vay của toàn bộ nền kinh tế. (Ảnh minh họa)
Dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn chỉ chiếm 18% dư nợ cho vay của toàn bộ nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Nỗ lực lớn, kết quả thấp

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 30/9/2016, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc (chưa bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) ước đạt 925 ngàn tỷ đồng, chỉ khoảng 18% dư nợ cho vay của toàn bộ nền kinh tế. Số dư nợ cho vay đã tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,43 % so với cùng kỳ năm ngoái. 

Còn nếu tính bình quân trong 5 năm (2010-2015), theo cơ quan này, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 17,4%, mức này được cho là nhỉnh hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của cả hệ thống ngân hàng. 

NHNN cũng đánh giá 5 năm qua, lãi suất cho vay cũng đã giảm mạnh, từ 20%/năm vào năm 2011 xuống còn 12%/năm vào năm 2013 và hiện lãi suất cho vay đối với khu vực này phổ biến ở mức 6,5% -8%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất thông thường. 

“Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thì tốc độ tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2010-2015 đã phản ánh nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong việc đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên này”, báo cáo mới nhất của NHNN đánh giá.  

Theo tìm hiểu của PV, nếu như trước đây cho vay nông nghiệp, nông thôn được coi là lĩnh vực riêng của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam thì đến nay hầu hết các tổ chức tín dụng đều quan tâm và tìm đến lĩnh vực này. Vài năm nay, đã bắt đầu có một số ngân hàng thương mại xây dựng chiến lược hướng về cho vay nông nghiệp, nông thôn và tích cực triển khai cho vay trong thời gian vừa qua như: Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bắc Á (có tỷ trọng chiếm trên 70% dư nợ); Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (có tỷ trọng chiếm trên 40% dư nợ)…

“Sân chơi” của các “ông lớn”

Cùng với chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp của Chính phủ, thời gian qua một số DN lớn cũng bắt đầu rục rịch đầu tư vào lĩnh vực này như Vinamilk, Vincom, TH True milk, Công ty Lộc trời… và bước đầu tạo ra được chuỗi liên kết giữa DN và nông dân, hình thành nên những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, giảm giá thành để nâng cao khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.  

Tuy nhiên, số đông DN vừa và nhỏ với năng lực sản xuất, khả năng tài chính hạn chế là yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ngoài ra, theo NHNN, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường không ổn định trong khi thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro cũng là nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến việc đầu tư tín dụng vào lĩnh vực này. 

Được biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2014, NHNN đã phối hợp với một số bộ, ngành triển khai chương trình cho vay thí điểm nhằm phát triển các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. 

Theo đó, khi tham gia chương trình, DN được hưởng nhiều ưu đãi như: Lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm; mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn; những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ có thời gian vay lên đến 90% giá trị của phương án; thậm chí ngân hàng có thể xem xét cho vay không tài sản bảo đảm trên cơ sở kiểm soát dòng tiền. 

Thế nhưng, sau 2 năm thực hiện chương trình thí điểm đã kết thúc và các ngân hàng thương mại cũng chỉ giải ngân cho vay được 22/28 DN để thực hiện 22 dự án sản xuất nông nghiệp theo chương trình với số tiền đạt được chỉ 7333,73 tỷ đồng.  

Trong bản báo cáo mới nhất, NHNN đánh giá, việc cho vay các dự án sản xuất ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế do chưa có nhiều mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả và chưa hình thành hệ thống dịch vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện số DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận chỉ đếm được trên đầu ngón tay với khoảng 20 DN được cấp giấy chứng nhận. 

Ngoài ra, ngành ngân hàng chỉ ra tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp như nhà kính, ao nuôi… có giá trị đầu tư lớn nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất cũng đang gây khó khăn cho DN và ngân hàng trong việc định giá và nhận thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay.  

NHNN cho rằng, để phát huy hơn nữa vai trò của DN trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải có hệ thống các chính sách đồng bộ để khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất. 

“Đồng thời đòi hỏi ngành nông nghiệp phải hướng đến sản xuất quy mô lớn với điều kiện tiên quyết là tích tụ và tập trung được đất đai. Do đó, trước hết cần phải thay đổi căn bản chính sách về đất đai hiện nay gắn với chính sách về công nghệ, thuế, tín dụng”- cơ quan này đề xuất.

Doanh nghiệp kêu lãi suất quá cao

Trong buổi đối thoại với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT được tổ chức mới đây, ông Đinh Cao Khuê – Giám đốc Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao kiến nghị: Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho các DN chế biến nông sản khi đầu tư xây dựng nhà máy, mua sắm máy móc, thiết bị hoặc phát triển giống cây trồng nguồn vốn vay với lãi suất thấp khoảng 5% và thời gian cho vay đầu tư tối thiểu khoảng 12 năm, đồng thời mở ra và tạo điều kiện cho các DN chế biến nông sản cơ chế vay vốn tín chấp.

Nghe DN này trình bày, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cắt ngang hỏi: “Hiện Cty của anh Khuê đang phải vay với lãi suất bao nhiêu?”. “8-10% thưa Bộ trưởng”- ông Khuê trả lời. “Vậy đó là cao hay thấp?”- Bộ trưởng Cường hỏi tiếp. Nghe đến đây tất cả các DN có mặt tại buổi đối thoại đều đồng thành nói: Đó là mức lãi suất quá cao.

Đọc thêm