Doanh nghiệp có thể có nhiều đại diện theo pháp luật?

(PLO) - Theo Điều 141 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân (trong đó có doanh nghiệp) là người đứng đầu pháp nhân. Quy định này đang gây ra một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành nên được dự kiến sửa đổi theo hướng doanh nghiệp (DN) nói riêng, pháp nhân nói chung có nhiều người đại diện theo pháp luật.
Quy định trong pháp luật hiện hành về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị cho là quá cứng nhắc. Ảnh minh họa
Quy định trong pháp luật hiện hành về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị cho là quá cứng nhắc. Ảnh minh họa
Tăng rủi ro trong giao kết hợp đồng
Người đại diện theo pháp luật của DN là người bị pháp luật “túm tóc”, giao phó những trách nhiệm cá nhân từ loại nhỏ nhất cho đến loại lớn nhất của DN. Người đại diện theo pháp luật của DN phải được ghi nhận trong Điều lệ, đồng thời phải được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN. Người đại diện theo pháp luật của DN có thể là Chủ tịch, Giám đốc hay Tổng Giám đốc. 
Như vậy, các chức danh khác như Phó Chủ tịch, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc chi nhánh… chỉ có thể là người đại diện hợp pháp theo ủy quyền, chứ không bao giờ là người đại diện theo pháp luật của DN. Chủ tịch hoặc Tổng Giám đốc DN, nếu không phải là người đại diện theo pháp luật của DN thì không có quyền đương nhiên được ký kết văn bản giao dịch với các đối tác.
Có thể nói, quy định cứng nhắc trên phát sinh không ít bất cập như chưa thực sự bảo đảm quyền của thành viên pháp nhân trong việc họ thỏa thuận, lựa chọn nhiều người đại diện theo pháp luật cho pháp nhân của mình và những người đại diện theo pháp luật này đều được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền; việc tập trung quyền đại diện cho pháp nhân vào một người đại diện theo pháp luật dễ tạo ra rào cản hoặc ách tắc trong xác lập, thực hiện các hành vi pháp lý, các hợp đồng, giao dịch của pháp nhân, nhất là đối với pháp nhân hoạt động trên nhiều lĩnh vực hoặc ở nhiều địa bàn khác nhau…
Không những thế, việc tập trung quyền đại diện cho pháp nhân vào một người đại diện theo pháp luật dễ dẫn tới nhận thức sai lầm cho đối tác của pháp nhân là người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền “vô hạn”, được toàn quyền nhân danh pháp nhân xác lập, thực hiện mọi giao dịch của pháp nhân, trong khi thực tế quyền của người này không phải là vô hạn, có thể hạn chế bởi thỏa thuận với chủ sở hữu pháp nhân, điều lệ hoặc quy định của pháp luật. 
Điều đó có thể làm tăng rủi ro cho các bên trong giao kết hợp đồng, ví dụ như đối tác chỉ chấp nhận giao kết với người đại diện theo pháp luật của pháp nhân và từ chối giao kết hợp đồng với những người dưới quyền của người đại diện dẫn tới cả pháp nhân và đối tác của họ có thể mất cơ hội trong việc xác lập, thực hiện giao dịch để tìm kiếm lợi ích… Mặt khác, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể lợi dụng vấn đề này để tạo “bẫy” vô hiệu đối với giao dịch do người dưới quyền xác lập, thực hiện nếu giao dịch ấy không đem lại lợi ích cho họ. 
Sửa đổi để hội nhập
Để khắc phục những hạn chế này, Dự thảo BLDS sửa đổi dự kiến quy định theo hướng: “Đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người đứng đầu pháp nhân, trừ trường hợp điều lệ, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc luật quy định pháp nhân có nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp pháp nhân chưa xác định được người đại diện theo pháp luật dẫn tới hoạt động của pháp nhân bị ngưng trệ, gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho pháp nhân và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan thì theo yêu cầu của các sáng lập viên, kiểm soát viên hoặc đại hội thành viên, hội đồng quản lý quỹ, Tòa án chỉ định người đại diện theo pháp luật tạm thời cho pháp nhân...”.
Tại phiên họp Ban soạn thảo Dự án BLDS sửa đổi hôm qua (13/3), Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) đề nghị cần tiếp tục kế thừa quy định của BLDS hiện hành, theo đó pháp nhân chỉ có một người đại diện theo pháp luật và là người đứng đầu pháp nhân. Việc quy định như vậy vừa bảo đảm tập trung, thống nhất trong điều hành hoạt động của pháp nhân, vừa giúp cho việc giám sát điều hành hoạt động của pháp nhân thuận lợi hơn. 
Ngoài ra, việc cho phép pháp nhân có nhiều người đại diện theo pháp luật có thể gây khó khăn cho pháp nhân trong xác lập, thực hiện hành vi pháp lý nếu giữa những người đại diện không có sự đồng thuận với nhau. Trong trường hợp cần nhiều người đại diện để xác lập, thực hiện hành vi pháp nhân hoàn toàn có thể áp dụng chế định đại diện theo ủy quyền.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ lại ủng hộ quy định như Dự thảo Luật là phù hợp, có tính linh hoạt hơn so với quy định “cứng nhắc, không ổn” của BLDS năm 2005 nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn giao lưu dân sự đang diễn ra mạnh mẽ trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Có điều, theo ông Thụ, phải nghiên cứu “xử lý như thế nào cho thực tế, chặt chẽ để tư vấn “trúng” cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua. 
Còn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng lưu ý cân nhắc nguyên tắc suy đoán, cụ thể là trong giao kết hợp đồng thì người ký phải được suy đoán là đại diện hợp pháp của pháp nhân thì mới mong hạn chế tình trạng “cứ thấy không có lợi, liền vin rằng tôi không ủy quyền, dẫn đến hợp đồng bị tuyên vô hiệu”.

Đọc thêm